Phải chọn được đại biểu dân cử 'có đức, có tài'

Sáng 2/2, Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021.

Toàn cảnh hội nghị.

Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 — 2021 được tổ chức nhằm quán triệt và triển khai thi hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, kế hoạch triển khai, các thông báo, hướng dẫn về công tác bầu cử.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị phải “quán triệt tinh thần đổi mới cả về tư duy, tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị nước nhà để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”.

Không giới thiệu những người cơ hội chính trị

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, công tác bầu cử là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2016, cần được tiến hành công phu, nhiều việc phải làm, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương (TƯ), Bộ Chính trị và cấp ủy địa phương, bộ máy nhà nước phải tiến hành từ TƯ đến địa phương.

Theo lịch trình tổ chức công tác bầu cử, có 34 bước cần thực hiện để chuẩn bị cho việc tổ chức bầu cử vào ngày 22/5/2016 và 24 bước nữa để tổng kết công tác bầu cử, lưu hồ sơ, hoàn thành công tác bầu cử.

Kế hoạch của Hội đồng Bầu cử quốc gia về triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 nêu rõ, tổng số ĐBQH không quá 500 người, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dự kiến số lượng ĐBQH được bầu ở mỗi tỉnh, TP trực thuộc TƯ căn cứ vào: mỗi tỉnh, TP trực thuộc TƯ có ít nhất 3 ĐBQH làm việc tại địa phương.

Số lượng đại biểu (ĐB) tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương. Bảo đảm trong tổng số danh sách chính thức những người ứng cử có ít nhất 18% người dân tộc thiểu số, 35% là nữ.

Số lượng ĐB HĐND được thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và hướng dẫn tại Nghị quyết 1132/NQ-UBTVQH 13.

Chậm nhất ngày 2/3 công bố danh sách các đơn vị bầu cử, số lượng ĐBQH, ĐB HĐND được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử. Giới thiệu về hướng dẫn công tác nhân sự ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, ông Phạm Minh Chính, Phó Trưởng ban Tổ chức TƯ cho biết, độ tuổi chung của người được giới thiệu ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND là nam sinh từ tháng 5/1961, nữ sinh từ tháng 5/1966 trở lại đây.

Người ứng cử ĐBQH phải bảo đảm các tiêu chuẩn quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức QH, người ứng cử ĐB HĐND phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Ngoài ra, “không giới thiệu những người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; vi phạm Quy định 57/QĐ-TW (ngày 3/7/2007) của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề chính trị chưa được kết luận.

Ứng cử ở đơn vị nào, vận động bầu cử ở đơn vị đó

Ông Phạm Minh Chính cho biết, đối với mỗi chức danh lãnh đạo các cơ quan của QH, UBTVQH, lãnh đạo HĐND, UBND các cấp, các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ giới thiệu một ĐB tham gia ứng cử theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Đảng viên tự ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND các cấp phải là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật Tổ chức QH và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời phải được cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền quản lý đảng viên đồng ý. Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Người ứng cử ở đơn vị nào thì thực hiện vận động bầu cử ở đơn vị đó. Thời gian vận động được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ.

Ủy ban Bầu cử các cấp công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐB HĐND cùng cấp chậm nhất ngày 1/6 và Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐBQH chậm nhất ngày 11/6.

Huy Anh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/phai-chon-duoc-dai-bieu-dan-cu-co-duc-co-tai-d5732.html