Phải giữ bằng được cây sâm Ngọc Linh thuần chủng

Thế giới đánh giá rất cao cây sâm Ngọc Linh. Lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum coi cây sâm Ngọc Linh là quốc bảo.

Hiệp hội sâm Ngọc Linh đã được thành lập. Trong cuộc họp đầu tiên, Ban chấp hành Hiệp hội sâm Ngọc Linh, dược sĩ Đào Kim Long nói: “Sứ mệnh của Hiệp hội chúng ta là phải giữ bằng được cây sâm Ngọc Linh thuần chủng. Hiện đang có người trình dự án huy động 9 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách để trồng đại trà cây sâm Ngọc Linh theo cách cấy ghép mô. Họ nói rằng nếu thực hiện dự án này thì đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam sẽ xuất khẩu 300.000 tấn sâm Ngọc Linh. Đây là 1 dự án rất tai hại. Trước đây người Mỹ cũng đã từng triển khai 1 dự án kiểu này nhưng sau đó họ bỏ ngay vì nhận thấy sai lầm. Trồng sâm theo kiểu cấy ghép mô, phẩm chất của củ sâm sẽ tụt thảm hại. Lúc đó thế giới không ai thèm để ý đến cây sâm Ngọc Linh nữa. Thế giới chú ý đến sâm Ngọc Linh vì tỷ lệ thu suất toàn phần của nó từ 10,8% - 23%. Khi trồng đại trà theo cách cấy ghép mô thì tỷ lệ thu suất toàn phần của nó có thể chỉ còn 2-3%. Như vậy thì người ta còn mua sâm Ngọc Linh làm gì nữa. Phải giữ bằng được giống sâm Ngọc Linh thuần chủng. Nếu để mất nó thì người Giẻ Chiêng và người Sê Đăng sẽ trở lại nghèo đói như trước”.

Ông Đào Kim Long (người để râu) và họa sĩ Đỗ Tuấn

Một thành viên khác của Hiệp hội sâm Ngọc Linh là họa sĩ Đỗ Tuấn phát biểu: “Trong làng sâm Quốc tế, cây sâm Ngọc Linh hiện đang đội vương miện Hoa hậu. Nếu trồng đại trà sâm Ngọc Linh là biến Hoa hậu thành Thị Nở, rất sai lầm và ngớ ngẩn”. Họa sĩ Đỗ Tuấn là 1 người rất tâm huyết với sâm Ngọc Linh. Năm 1975, ông đã tham gia giải phóng Đắc Tô – Tân Cảnh. Ông yêu vùng đất Ngọc Linh vì trong đất có xương máu của đồng đội ông. Ông cũng rất yêu cây sâm Ngọc Linh vì nó đã giúp cho 2 tộc người Giẻ Chiêng và Sê Đăng thoát nghèo bền vững. Đỗ Tuấn được bạn bè tôn là Thăng Long đệ nhất tửu. Trong nhà ông những bình rượu sâm Ngọc Linh bày kín các giá, các kệ. Nhưng ông ngâm rượu sâm Ngọc Linh là để chơi chứ không phải để bán. Họa sĩ Đỗ Tuấn không bán rượu. Nhiều người đã đến nhà ông mua rượu rồi ra về tay không. Tôi cũng đã từng nghĩ rằng họa sĩ Đỗ Tuấn bán rượu sâm Ngọc Linh. Và trong 1 bài báo xuân Đinh Dậu, tôi đã viết rằng Đỗ Tuấn ngâm rượu sâm Ngọc Linh để bán với giá cao. Như thế là tôi đã hiểu sai và viết sai về Đỗ Tuấn. Trong chiến tranh chống Mỹ, Đỗ Tuấn chiến đấu ở vùng Tây Nguyên. Ông là 1 người lính dũng cảm, luôn xông lên tuyến đầu chứ không tụt tạt lại phía sau vì 1 cô gái Sê Đăng như tôi đã viết về ông trong bài báo trước đây. Nhân viết về sâm Ngọc Linh, tôi xin cải chính những điều tôi đã viết không đúng về họa sĩ Đỗ Tuấn.

Đỗ Tuấn ngâm hàng chục bình rượu sâm Ngọc Linh bày trong nhà là 1 cách ông bày tỏ tình yêu của ông với cây sâm Ngọc Linh. Mỗi người yêu cây sâm Ngọc Linh 1 cách khác nhau. Dược sĩ Đào Kim Long đã gắn bó với cây sâm Ngọc Linh suốt nửa thế kỷ qua. Ông nghiên cứu cây sâm Ngọc Linh với tư cách của 1 nhà khoa học. Ông ứng dụng sâm Ngọc Linh vào việc điều trị bệnh với tư cách là 1 lương y. Ông yêu cây sâm Ngọc Linh với trái tim của 1 người cha yêu đứa con tinh thần của mình. Còn ông Ngô Quang Cường thì yêu cây sâm Ngọc Linh theo cách riêng của ông. Ông đã xây dựng 1 vùng sâm Ngọc Linh thuần chủng ở độ cao trên 2.000m. Chúng tôi đã đến vùng sâm thuần chủng của ông Ngô Quang Cường. Đây là 1 dự án được thực hiện rất căn cơ và khoa học. Anh em trong công ty rượu sâm Ngọc Linh đã lắp đặt những tua bin nhỏ để có điện phục vụ người trồng sâm. Họ đã khiêng vào đây cả cỗ máy nghiền nặng hàng trăm cân để nghiền lá mục, tạo môi trường thổ nhưỡng cho cây sâm Ngọc Linh. Ông Ngô Quang Cường cũng đã xây dựng hầm rượu trong vách núi để ủ rượu sâm Ngọc Linh.

Cách khai thác cây sâm Ngọc Linh cũng được Ban chấp hành hiệp hội sâm Ngọc Linh bàn kỹ. Cây sâm Ngọc Linh rất quý. Nhưng nếu không khai thác nó để làm giàu thì rất sai lầm. Càng sai lầm hơn nếu khai thác cây sâm Ngọc Linh 1 cách vô bổ, thiếu tri thức kinh doanh. Hiệp hội không khuyến khích khai thác sâm Ngọc Linh theo kiểu bán nguyên liệu thô mà chú trọng sản xuất những sản phẩm từ sâm Ngọc Linh để tạo nên chuỗi giá trị gia tăng, như viên sâm, trà sâm, nước tăng lực từ lá sâm, rượu sâm, kẹo sâm v.v. Bán nguyên liệu thô là cách làm dại dột nhất. Công ty cổ phần rượu sâm của Ngô Quang Cường không chủ trương bán nguyên liệu thô mà chỉ bán các sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh. Nhưng mọi phương án kinh doanh đều phải bắt đầu từ việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh thuần chủng. Nếu không có cây sâm Ngọc Linh thuần chủng thì mọi phương án kinh doanh đều thất bại. Để giữ được cây sâm Ngọc Linh thuần chủng, vai trò của Hiệp hội sâm Ngọc Linh là vô cùng quan trọng.

Ở khách sạn Ngọc Hồi dưới chân núi Ngọc Linh, tôi gặp tiến sĩ Trần Thu - Việt kiều ở Úc, GS Trường Đại học Sydney. Ông Trần Thu đã bám vùng núi Ngọc Linh suốt 10 năm nay để thực hiện 1 đề tài khoa học di thực cây sâm Ngọc Linh sang Úc. Ông đã mua khá nhiều hạt sâm Ngọc Linh đem về Úc gieo trồng nhưng chưa thành công. Tiến sĩ Trần Thu nói với tôi: “Việt Nam đang khuyến khích nhân dân trồng cây sâm Ngọc Linh theo cách bán tự nhiên. Đó là 1 phương pháp hoàn toàn đúng đắn. Người Mỹ hiện cũng đang trồng sâm Mỹ theo cách này. Họ gieo hạt sâm vào rừng già, để nó tự nảy mầm, tự mọc thành cây, con người không chăm bón gì cả, chỉ trông coi bảo vệ thôi. Và phải sau 13 năm mới được thu hoạch. Nhờ thế mà họ giữ được phẩm chất của sâm Mỹ. Tỷ lệ thu suất toàn phần của sâm Mỹ không cao như sâm Ngọc Linh nhưng rất ổn định. Đời sống cây sâm Ngọc Linh rất đặc biệt. Mỗi năm cây chỉ sống 9 tháng thôi. Đến mùa đông, cây gục xuống chết, người Sê Đăng gọi là mùa sâm ngủ đông. Rồi sang xuân từ củ sâm dưới đất lại đâm lên 1 chồi cây khác để đến mùa đông lại chết đi. Với 1 loài cây vòng sinh trưởng ngắn ngủi như thế thì cấy ghép mô kiểu gì để thành công được. Nếu cấy ghép mô, tôi tin là các ông sẽ thất bại. Với 1 dự án cấp Quốc Gia nếu thất bại thì thiệt hại là rất lớn. Ngoài thiệt hại về kinh tế, còn có thiệt hại về xã hội. Nếu chúng ta làm nghèo củ sâm đi thì cũng đồng thời làm nghèo những người trồng sâm Ngọc Linh. Núi Ngọc Linh có khí hậu lạnh và ẩm. Ở Úc nhiều nơi cũng có khí hậu lạnh và ẩm, nhưng chúng tôi mang giống sâm Ngọc Linh về gieo trồng ở đó thì không thành công. Ngoài yếu tố khí hậu, còn có yếu tố thổ nhưỡng nữa. Cây mai vàng Nam Bộ đem ra Hà Nội trồng không nở hoa vàng mà nở hoa trắng. Khí hậu và thổ nhưỡng ở núi Ngọc Linh là điều kiện riêng của vùng đất này và cũng là điều kiện sống riêng của cây sâm Ngọc Linh, do đó những ý tưởng trồng đại trà sâm Ngọc Linh ở nhiều nơi khác rất có thể trở thành ảo tưởng”.

Không riêng người Giẻ Chiêng và Sê Đăng mà cán bộ lãnh đạo các địa phương ở Ngọc Linh cũng rất quan tâm đến việc bảo tồn cây sâm Ngọc Linh thuần chủng. UBND xã Ngọc Lây đóng ở lưng chừng núi Ngọc Linh, rất gần những vườn sâm của đồng bào Sê Đăng. Trong bữa cơm tất niên được tổ chức ở UBND xã có rất nhiều người trồng sâm Ngọc Linh được mời dự. Ông Nguyễn Văn Đang - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây cho chúng tôi biết: “Một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ và Chính quyền xã Ngọc Lây là bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh thuần chủng. Đây là giống cây mũi nhọn của chúng tôi trong việc phát triển kinh tế địa phương”.

Ông Nguyễn Văn Đang - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây

Để cây sâm Ngọc Linh giúp người dân núi Ngọc Linh còn nhiều việc phải làm. Nhưng việc đầu tiên là bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh thuần chủng.

Hoàng Hữu Các

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/thi-truong/phai-giu-bang-duoc-cay-sam-ngoc-linh-thuan-chung-20170315094938524.htm