Phải kiểm soát xe cá nhân

Sự phát triển và sức chịu đựng của hạ tầng giao thông TP HCM không thể theo kịp tốc độ phát triển của xe cá nhân

Báo cáo tại cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và thu chi ngân sách tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017 vào sáng 27-4, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết tính đến ngày 15-4, TP có khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó 642.000 ô tô và hơn 7 triệu xe máy.

Triển khai nhiều giải pháp

Theo ông Cường, Sở GTVT và Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) đã ký hợp đồng thực hiện đề án về phát triển GTVT công cộng trên địa bàn để trình UBND TP vào tháng 10 tới. “Đề án này đưa ra mục tiêu không chỉ trên yếu tố giảm ùn tắc, tai nạn giao thông mà cả góc độ ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng vì hiện nay, nhiều nước giảm xe cá nhân là do ô nhiễm môi trường chứ không phải chỉ là các vấn đề về giao thông. Đề án sẽ đưa ra lộ trình, các nhóm giải pháp dài hơn” - ông Cường thông tin.

Ông Cường cho biết Sở GTVT và các cơ quan chuyên môn đang phối hợp tích cực khảo sát, nghiên cứu và xây dựng đề án về hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. Việc này sẽ được thực hiện đúng quy định, quy trình, có sự phản biện của chuyên gia, nhà khoa học và sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. “Hạn chế xe cá nhân là việc chắc chắn phải làm trong thời gian tới bởi sự phát triển và sức chịu đựng của hạ tầng giao thông TP đã không thể theo kịp tốc độ phát triển của loại phương tiện này” - ông Cường nhấn mạnh. Ngoài ra, theo kế hoạch đến năm 2020, TP phải cắt giảm 70% khí thải do phương tiện giao thông gây ra. Do vậy, việc hạn chế xe cá nhân không chỉ giúp giảm ùn tắc mà còn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng ở TP HCM Ảnh: GIA MINH

Đề cập vấn đề này, Chánh Văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho rằng giải bài toán kẹt xe diễn ra ở nhiều đô thị. Vấn đề này có phần trách nhiệm của nhà nước, doanh nghiệp, người dân... Nhà nước cân nhắc chính sách nhưng để thực thi thì cần sự chia sẻ của người dân, xã hội. “Để giảm kẹt xe thì phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, không chỉ cấm xe 2 bánh mà còn làm việc lệch ca, lệch giờ. Mỗi địa phương có cách giải quyết khác nhau. Mỗi giải pháp phải thực hiện đồng bộ quy trình, cơ chế quản lý, đầu tư phát triển các công trình dự án, tuyên truyền người dân, triển khai giữa các ngành” - ông Hoan nói. Người phát ngôn chính quyền TP cho rằng các giải pháp phải có lộ trình rõ ràng, thời gian chuẩn bị cho người dân và cả cơ quan nhà nước, thậm chí phải báo trước 2-3 năm. Người dân theo đó hình thành thói quen đi lại, sinh hoạt cho phù hợp với tình hình thực tiễn. “Ngành giao thông phải vạch ra lộ trình và đề xuất với TP, đến năm 2020 thì giải quyết được vấn đề gì, năm 2025 phải kết thúc được cái gì. Như thế mới phát triển được” - ông Hoan đề nghị. Theo ông, 10 năm trước, TP đã bàn và chỉ ra nhiều giải pháp, tổ chức nghiên cứu nhưng lúc đó chưa thấy được hệ quả ùn tắc giao thông ảnh hưởng đến đời sống người dân, phát triển kinh tế, thu hút đầu tư như thế nào. “Cấm xe cá nhân nhưng vẫn phát triển đô thị, tòa nhà cao tầng, hạ tầng không đầu tư, không bãi đậu xe… thì không giải quyết được” - ông Hoan nhìn nhận.

Nhà thầu “gay gắt”, trung ương “từ từ”

Một vấn đề “đau đầu” khác mà TP HCM đang đối mặt cũng được đưa ra trao đổi tại cuộc họp. Đó là việc trung ương chậm chi vốn ODA khiến TP nợ các nhà thầu thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hơn 1.300 tỉ đồng, dẫn đến khả năng dự án bị chậm. Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Lê Nguyễn Minh Quang cho biết hiện số tiền nợ nhà thầu thi công tuyến metro số 1 lên đến 1.339 tỉ đồng do chưa được trung ương bố trí vốn. “TP thúc nhà thầu làm càng sớm càng tốt. Nhà thầu chấp thuận và làm quyết liệt song họ cũng gay gắt yêu cầu thanh toán đúng tiến độ. TP đã nhiều lần kiến nghị trung ương nhưng hầu như các bộ đang án binh bất động” - ông Quang ngán ngẩm.

Theo ông Quang, từ tháng 9-2016, Bộ Tài chính yêu cầu Kho bạc Nhà nước không thanh toán tiếp bởi đã thanh toán vượt vốn ODA của năm. Để kịp thời thanh toán cho các nhà thầu, UBND TP đã tạm ứng 600 tỉ đồng từ ngân sách. Nhu cầu vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 của tuyến metro 1 là 20.930 tỉ đồng, trong năm 2017 là 5.422 tỉ đồng nhưng vốn trung ương bố trí về chỉ 2.100 tỉ đồng. “Số tiền này vừa về là hết” - ông Quang bày tỏ. Ông Quang cũng thông tin khi đặt vấn đề về vốn cho một số tuyến metro khác, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản nói thẳng “trước khi bàn chuyện đó thì phải bàn việc thanh toán”.

Liên quan đến vấn đề này, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2017, UBND TP có 4 văn bản gửi trung ương kiến nghị bố trí vốn ODA trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2017. Mới nhất là ngày 7-4, UBND TP có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị chỉ đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính bố trí vốn ODA cho TP theo đúng nhu cầu giải ngân thực tế trong năm 2017 và các năm tiếp theo để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án như các hiệp định đã cam kết. Một số nhà thầu đã đề nghị giãn tiến độ thi công trong tháng 4 và có thể dừng thi công nếu tiến độ giải ngân tiếp tục chậm trễ như hiện nay. Trong năm 2016, hồ sơ thanh toán dự án đường sắt đô thị TP tuyến Bến Thành - Suối Tiên và dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 cũng gặp khó khăn trong giải ngân do Bộ Kế hoạch - Đầu tư giao vốn ODA không kịp tiến độ thực tế.

Sở Văn hóa và Thể thao không làm hết trách nhiệm

Liên quan đến việc nhiều ca khúc trước năm 1975 đã được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho phép lưu hành nhưng Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT)TP lại “im hơi lặng tiếng” dù trước đó có công văn gửi cục đề nghị cấm, Phó Giám đốc Sở VH-TT Trần Tuấn Anh cho biết khi các ca khúc “Cánh thiệp đầu xuân”, “Hoa trinh nữ”, “Con đường xưa em đi”… được phổ biến trên các sóng truyền hình, sở đã tiếp nhận rất nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình. “Xuất phát từ những vấn đề trên, Sở VH-TT có văn bản gửi Cục Nghệ thuật Biểu diễn đề nghị xem xét lại nội dung chứ không đề xuất ngưng phổ biến những ca khúc này” - ông Tuấn Anh giải thích. Ông Võ Văn Hoan cho rằng Sở VH-TT đã không làm hết trách nhiệm. “Đáng lý khi có sự việc như vậy thì sở phải thông tin, chứ không thể im được. Khi mình kiến nghị với cục thì đã vội thông báo cho các nhà xuất bản, những người sản xuất chương trình để tạm ngưng. Nhưng khi bộ có ý kiến rõ như vậy, người ta hỏi lại thì không trả lời” - ông Hoan nói.

Không đẩy người dân vào chỗ khó

Tại cuộc họp, Phó Ban An toàn giao thông TP Nguyễn Ngọc Tường báo cáo sau 2 tháng ra quân lập lại trật tự vỉa hè đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè ở một số nơi. “Đừng để người dân có cảm giác chúng ta làm kiểu phong trào, cứ ra quân rầm rộ một thời gian rồi mọi thứ trở lại như cũ” - ông Tường nói và đề nghị TP phải kiểm điểm trách nhiệm những địa bàn để tái chiếm vỉa hè. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: “TP kiên trì và quyết liệt trong việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè và không làm theo chiến dịch, phong trào”. Ông Phong cũng cho biết song song với chấn chỉnh trật tự lòng lề đường thì phải sắp xếp, tổ chức cho người dân buôn bán. Đây là trách nhiệm chính quyền phải lo, chứ đẩy người dân vào chỗ khó là không nên.

Phan Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/phai-kiem-soat-xe-ca-nhan-201704272241319.htm