Phải tăng khung phạt với hành vi tạt acid

Hành vi tạt acid theo Bộ luật Hình sự 2015 đã được xem là tình tiết tăng nặng, nhưng hình phạt vẫn chưa tương xứng với tính chất tàn độc.

Những ngày qua rất nhiều ý kiến đã gửi về Pháp Luật TP.HCM đề xuất pháp luật phải có những quy định, hướng dẫn để xử thật nghiêm hành vi tạt acid vào người khác. Hai chuyên gia pháp luật hình sự đã góp ý cụ thể việc bổ sung quy định pháp luật, tăng chế tài với hành vi tàn độc này.

TS VÕ THỊ KIM OANH,Trưởng khoa Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM:

Tăng hình phạt, quản chặt acid

Về mặt tình cảm, tôi đồng ý phải trừng trị thật nghiêm khắc hành vi hết sức tàn độc này, nhưng về pháp lý tôi cho rằng không cần có một tội danh riêng để trừng trị những kẻ tạt acid. Khách thể xâm phạm của hành vi là sức khỏe, nhan sắc chứ không phải tính mạng con người. Hầu hết ý chí chủ quan của người gây án nhắm đến là trả thù, hủy hoại sức khỏe người khác chứ không có ý giết chết nạn nhân. Tất nhiên những vụ dẫn đến hậu quả chết người thì phải xử tội giết người theo quy định.

Tuy nhiên, đã đến lúc phải điều chỉnh bổ sung các quy định hiện có theo hướng tăng hình phạt với những kẻ gây án bằng acid. Trong Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7 sắp tới), tình tiết này cũng đã được chú ý. Cụ thể điểm b khoản 1 Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác) đã liệt kê tình tiết: Dùng acid sunfuric (H 2 SO 4 ) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Tùy theo tỉ lệ thương tích của người bị hại; tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà kẻ gây án có thể bị phạt tù ở các mức độ tương ứng từ ba năm đến tù chung thân. Quy định này đã bổ sung được hành vi tạt acid là một tình tiết tăng nặng trong tội cố ý gây thương tích. Nhưng cần tăng mức hình phạt cao hơn nữa tương ứng với mức thương tật, tôi mong lần sửa đổi tới nhà làm luật nên chú ý vấn đề này.

Chị Phạm Thị Thanh Xuân, ngụ Gò Vấp (TP.HCM), chi chít sẹo vì bị tạt acid năm 2011.

Cạnh đó, đối với trường hợp không gây chết người nhưng nếu có chứng cứ cho thấy kẻ thủ ác có ý định phạm tội đến cùng hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra thì vẫn cần xử lý tội giết người. Chẳng hạn, kẻ phạm tội dùng loại acid có nồng độ mạnh với liều lượng lớn và cố tình tạt vào chỗ hiểm như mắt, miệng, họng, trong trạng thái người bị hại không thể chống cự được…

Một cách nữa là nên quản lý việc sử dụng hóa chất acid, không nên để tình trạng mua bán, sử dụng tràn lan bừa bãi như hiện nay. Phải xem acid là loại chất lỏng đặc biệt, chỉ những người được cấp phép mới được mua bán và tích trữ. Trách nhiệm của người quản lý, sử dụng acid cần được nâng cao, nếu không họ cũng sẽ bị chế tài.

ThS NGUYỄN ĐÌNH THẮM,VKSND Cấp cao tại Hà Nội:

Bổ sung thêm tình tiết tăng nặng

Với các hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng trong đó có hành vi tạt acid thì tính chất, mức độ phạm tội được định lượng bằng tỉ lệ thương tật của nạn nhân. Tôi nghĩ việc xử lý người gây án với tội cố ý gây thương tích hoặc giết người vẫn còn phù hợp. Điều 104 BLHS 1999 hoặc Điều 134 BLHS 2015 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác) vẫn xác định mức hình phạt cao nhất cũng là tù chung thân. Tùy mức độ thương tật của nạn nhân, ở các khoản khác mức hình phạt mà người gây án có thể phải gánh chịu cũng là từ ba đến 20 năm tù. Thực ra đây đã là mức hình phạt cao và các nhà làm luật cũng đã hướng đến sự răn đe nghiêm khắc.

Tuy nhiên, để nghiêm trị hành vi tạt acid, cần bổ sung những tình tiết tăng nặng mới vào hai tội này. Dù BLHS 2015 đã sửa đổi bổ sung nhưng dường như chưa tương xứng so với hậu quả của hành vi độc ác gây ra.

Với tội cố ý gây thương tích, cần quy định rõ dù tỉ lệ thương tích dưới 11% nhưng nếu dùng acid để phạm tội thì phải chịu mức án ngang bằng với hành vi gây thương tích từ 31% đến 60% bằng các hung khí khác. Hoặc luật nên bổ sung quy định nếu dùng acid để phạm tội thì bị can, bị cáo không được hưởng các tình tiết giảm nhẹ.

Đối với tội giết người, cũng cần bổ sung quy định không cho người phạm tội được hưởng các tình tiết giảm nhẹ. Ngoài ra, nếu dùng acid để phạm tội thì bắt buộc áp dụng các tình tiết tăng nặng mà điều luật đã có như: Phạm tội vì động cơ đê hèn; có tính chất côn đồ; thực hiện tội phạm một cách man rợ… để làm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với hung thủ tạt acid. Bổ sung được như vậy thì chắc chắn sẽ đảm bảo được tính răn đe của pháp luật với những ai đang và sẽ có ý định dùng acid để gây án.

Một số vụ xử mức án nặng

• Không làm chết nạn nhân, vẫn bị xử tội giết người. Tức giận vì vợ có quan hệ tình cảm với người đàn ông khác, ông Trần Minh Nhã (53 tuổi, ngụ Đồng Nai) đã mang nửa lít acid tạt tình địch bị thương tật đến 92%. Theo bản án, trong thời gian chung sống, ông Nhã nghi ngờ vợ có quan hệ bất chính với ông Châu (ngụ xã kế bên) nên thường xảy ra mâu thuẫn. Trưa 27-1-2014, sau khi uống rượu, ông Nhã qua nhà mẹ vợ chơi thì thấy tình địch nằm trên ghế salon, gần đó có vợ và nhiều người thân trong gia đình. Ông Nhã tức giận về nhà lấy nửa lít acid rồi quay lại tạt vào mặt ông Châu. Với tội giết người, ông Nhã bị kết án 17 năm tù giam và bồi thường thiệt hại 600 triệu đồng.

• Lãnh án tử dù đã đầu thú và thành khẩn. Tháng 12-2013, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Kha Cư (ngụ quận 6, TP.HCM) tử hình về tội giết người. Do mâu thuẫn nợ nần, Kha Cư đã hẹn vợ chồng con nợ đến quán cà phê nói chuyện. Trước khi đi, Cư chuẩn bị nửa lít acid đựng trong ca nhựa có nắp đậy. Tại quán cà phê, do không thống nhất được phương án trả nợ nên giữa hai bên phát sinh mâu thuẫn. Cư cầm ca acid tạt thẳng vào vợ chồng con nợ. Gây án xong, Cư đến công an đầu thú. Vợ chồng bị hại được người dân đưa đi cấp cứu nhưng người chồng đã tử vong trước khi nhập viện. Sau 10 ngày điều trị tại bệnh viện, người vợ cũng tử vong. Tại cơ quan điều tra và tại tòa, Kha Cư khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

THANH TÙNG

Nguồn PLO: http://plo.vn/ban-doc/phai-tang-khung-phat-voi-hanh-vi-tat-acid-620973.html