Phải xây dựng các phương án cụ thể ứng phó với động đất

(TNO) Chiều 6.9, UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm diễn tập ứng phó động đất tìm kiếm cứu nạn và TKCN tại Bắc Trà My mang ký hiệu “ĐĐ - 13”.

Máy bay trực thăng Mi-17 được điều động tham gia diễn tập vào ngày 28.8

Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng, Phó tham mưu trưởng Quân khu 5, cho rằng cuộc diễn tập với tình huống động đất diễn ra ban ngày nhưng nếu động đất xảy ra ban đêm thì rất phức tạp trong công tác tìm kiếm cứu nạn (TKCN) nên cần phải xây dựng các phương án cụ thể ứng phó với động đất.

Ban chỉ đạo “ĐĐ - 13” nhìn nhận, cuộc diễn tập chỉ mới giải quyết một số nội dung cơ bản với tình huống giả định được đặt ra. Trên thực tế nếu thật sự có động đất xảy ra với cấp độ mạnh sẽ phức tạp hơn rất nhiều và phải điều hành xử lý trên diện rộng, lực lượng phân tán sẽ gặp không ít khó khăn…

Ban chỉ đạo “ĐĐ-13” cho rằng cần tập trung nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và kịch bản ứng phó động đất và TKCN ở tất cả các cấp từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn. Kế hoạch phải được tổ chức điều tra, khảo sát kỹ lương, phù hợp với thực tế từng địa bàn và có tính khả thi cao, làm cơ sở chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng ứng phó có hiệu quả khi có tình huống xảy ra.

Như Thanh Niên Online đã thông tin, vào ngày 28.8 tại thị trấn Trà My (H.Bắc Trà My), cuộc diễn tập thực nghiệm ứng phó với động đất lần đầu tiên trong cả nước đã diễn ra.

Theo kịch bản, hơn 1.600 người từ các ban, ngành, các lực lượng vũ trang và người dân địa phương đã diễn tập ứng phó với trận động đất mạnh đến 6,2 độ Richter. Hậu quả giả định từ trận động đất này có đến 50 người chết, 120 người bị thương và nhiều nhà cửa, công trình xây dựng bị sụp đổ…

Sau cuộc diễn tập không lâu, ngày 3.9, tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 lại xảy ra một trận động đất mạnh 3,3 độ Richter.

Tin, ảnh: Hoàng Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130906/phai-xay-dung-cac-phuong-an-cu-the-ung-pho-voi-dong-dat.aspx