Phải xử nghiêm những nhà báo “dởm” để giữ uy tín cho báo giới

Thời gian gần đây, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước liên tục bắt quả tang, tạm giữ hàng loạt những kẻ giả danh nhà báo chuyên đi lừa đảo các cơ quan, doanh nghiệp và cả những người dân nhẹ dạ cả tin để thực hiện mục đích mưu lợi cá nhân. Có những nhà báo rởm lợi dụng việc tham gia hội nghị để lấy phong bì nhiều lần cũng như tiếp xúc với VIP...

Thời gian gần đây, người dân cả nước vô cùng bức xúc về hành vi của một số đối tượng khi giả danh nhà báo để đến các cơ quan, doanh nghiệp lấy cớ viết bài tuyên truyền về hoạt động của đơn vị, nhưng sau đó lại xin quảng cáo, hoặc vòi tiền dưới hình thức "hỗ trợ kinh phí". Phần vì uy tín của những tờ báo, phần muốn giải quyết "cho xong chuyện" nên không ít cơ quan, doanh nghiệp đã ngậm bồ hòn làm ngọt và thế là mắc mưu mà không biết. Lợi dụng điều này, kẻ xấu tiếp tục giở chiêu bài cũ để đến xin tiền các đơn vị khác. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cũng như uy tín của các nhà báo chân chính. Dư luận đề nghị cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm hành vi của kẻ xấu. Sự vụ giả danh nhà báo mới nhất xảy ra vào ngày 8/10, tại Trường Tiểu học Nam Thành Công, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Từ thông tin của nhà trường về hành vi bất thường của một cô gái nhận là phóng viên của một cơ quan báo chí có trụ sở ở TP Hà Nội, Công an phường Láng Hạ đã xác minh và làm rõ, Phạm Thị Hồng Nhung, 29 tuổi, trú ở xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội, là nhân viên của một công ty sự kiện truyền thông, nhưng đã sử dụng giấy giới thiệu là phóng viên của một cơ quan báo chí để đến Trường Tiểu học Nam Thành Công viết bài tuyên truyền nhưng sau đó đã bộc lộ rõ bản chất khi xin tiền hỗ trợ kinh phí. Điều khiến Ban Giám hiệu nhà trường nghi ngờ khi thấy người nhận là phóng viên nhưng lại sử dụng giấy giới thiệu đã bị tẩy xóa phần tên của người được giới thiệu. Cơ quan Công an đã làm rõ, Nhung không phải là phóng viên như đã giới thiệu. Cũng bằng thủ đoạn trên, trước ngày bị phát giác một tuần, Nhung đã tới gặp bà Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khương Thượng, quận Đống Đa và được hỗ trợ 5 triệu đồng. Ngay khi làm rõ sự việc này, Công an phường sở tại đã thu hồi 5 triệu đồng trả cho bị hại, đồng thời chuyển "phóng viên" lên Công an quận Đống Đa để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền. Vào đầu tháng 8/2009, Công an tỉnh Gia Lai đã bắt giữ "nhà báo" Lê Hải khi nhận tiền của Công ty TNHH Vận tải ôtô Gia Lai, ở TP Pleiku. Lê Hải từng là phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Gia Lai những năm 1990. Sao đó, Lê Hải về TP HCM làm cho một tờ báo đoàn thể khác. Tuy nhiên, lợi dụng các mối quan hệ cũ ở khu vực Tây Nguyên nên Hải vẫn hay về "gặp mặt" các doanh nghiệp. Sau khi tiếp cận thông tin về việc "Cho mở hay không cho mở một trung tâm sát hạch lái xe loại 2 ở Gia Lai", Lê Hải được sự giúp đỡ của một số người nên đã cùng các nhà báo đến gõ cửa hàng loạt cơ quan chức năng ở Gia Lai, trong đó có Giám đốc Công ty TNHH Vận tải ôtô Gia Lai - Đoàn Đức Lập. Lê Hải (áo trắng) bị cơ quan Công an bắt quả tang. Theo điều tra ban đầu, nhiều lần Lê Hải liên lạc "vòi tiền" Giám đốc Công ty TNHH Vận tải ôtô Gia Lai phải "chung chi" 500 triệu đồng để lo liệu dàn xếp với lãnh đạo cơ quan và một số đồng nghiệp khác. Ông Lập nhiều lần than thở với Lê Hải vì mới xây dựng trung tâm sát hạch lái xe, chưa được cấp phép sát hạch nên khó khăn trăm bề, chạy không ra tiền để "chung chi" cho các nhà báo. Vả lại, với số tiền lớn 500 triệu đồng thì quả là khó khăn đối với đơn vị trong lúc này. Do không muốn các nhà báo đăng tin bất lợi nên ông Lập hứa sẽ đưa trước 100 triệu đồng... Tuy nhiên, vì bị các nhà báo liên tiếp dồn ép nên ông Lập đành phải báo cáo sự việc đến cơ quan Công an để nhờ giúp đỡ. Tiến hành khám xét, cơ quan Công an thấy trong người Lê Hải có thẻ nhà báo mang tên Lê Hải nhưng đã hết hạn từ năm 1995. Trước hai sự vụ giả danh nhà báo kể trên, đầu năm 2009, tại TP HCM, cơ quan Công an đã tạm giữ Trương Vĩnh Anh Duy, 31 tuổi, quê ở tỉnh Vĩnh Long, để làm rõ hành vi giả danh phóng viên của một tờ báo ở TP HCM và một tờ báo ở Trung ương. Rồi đến việc Công an phường Bến Thành, quận 1, TP HCM bắt giữ Nguyễn Trần Lê Hoàng, trú tại quận 3, về hành vi giả danh nhà báo để lấy tiền tại hội nghị. Việc này càng bức xúc hơn khi thời gian gần đây, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước liên tục bắt quả tang, tạm giữ hàng loạt những kẻ giả danh nhà báo chuyên đi lừa đảo các cơ quan, doanh nghiệp và cả những người dân nhẹ dạ cả tin để thực hiện mục đích mưu lợi cá nhân. Những nhà báo rởm lợi dụng việc tham gia hội nghị để lấy phong bì nhiều lần, qua đó tiếp xúc với các vị đang giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng ở các cơ quan Nhà nước để thực hiện ý đồ không trong sáng. Về vụ một cô ký giả mạo danh phóng viên Thu Hương của một tờ báo kinh tế có trụ sở ở TP HCM dự họp báo do Ban Công tác người Hoa tổ chức để "quậy" ngay tại trụ sở Hội Nhà báo TP HCM những ngày vừa qua cũng khiến dư luận rất bất bình. Sự vụ này bị lật tẩy khi các nhà báo chân chính tham dự hội nghị phát hiện ra. Từ những vụ kẻ xấu giả danh nhà báo để làm điều xằng bậy, gây ảnh hưởng lớn đến các cơ quan báo chí, xúc phạm tư cách của những nhà báo chân chính, đề nghị cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm trước pháp luật để làm bài học. Nhưng trước hết, mỗi cơ quan, doanh nghiệp hãy nêu cao tinh thần cảnh giác để không bị những kẻ giả danh nhà báo lừa gạt, để cái xấu không có chỗ đứng trong xã hội

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/phapluat/2009/10/121025.cand