Phạm Tuyên - Những chuyện lần đầu được kể: Lý tưởng sống cao đẹp và nghệ thuật

Ở bất cứ cương vị nào, nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng không tiếc công sức để lo cho nền âm nhạc nước nhà. Suốt cả cuộc đời anh đã phải phấn đấu không ngừng vượt qua muôn vàn trở ngại, hướng tới lý tưởng cao đẹp cho cuộc sống và cho nghệ thuật.

Ba mẹ và cách mạng

Tôi sinh ra trong một gia đình cách mạng của tỉnh Quảng Bình, nhà ở tại Đồng Hới. Ba tôi là Nguyễn Trung Thầm (sinh năm 1911), một chiến sĩ cách mạng. Hồi bé tôi ít được sống gần ba tôi, ông thường thoát ly gia đình để đi hoạt động bí mật cho cách mạng. Nghe nói ông sang tận bên Lào, bên Xiêm để hoạt động đồng thời buôn gạo để nuôi các đồng chí.

Vợ chồng nhạc sỹ Phạm Tuyên và vợ chồng học giả Nguyễn Kiến Giang

Vợ chồng nhạc sỹ Phạm Tuyên và vợ chồng học giả Nguyễn Kiến Giang

Tôi cũng chẳng biết ông đã làm những việc gì mà hay bị mật thám lùng bắt. Năm 1931, sau phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, ba tôi bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà lao Đồng Hới. Khi anh tôi mới sinh được ba tháng, mẹ tôi đã phải bế con vào tận nhà lao cho ba tôi biết mặt đứa con trai đầu lòng của mình. Rồi năm 1941, ba tôi lại bị bắt giam tại khám Chí Hòa sau khi khởi nghĩa Nam Kỳ bị thất bại. Hồi đó tôi còn bé quá (lên năm) không biết gì cả, chỉ thấy mẹ tôi hớt hải đi Sài Gòn để tìm tin tức của ba tôi.

Mẹ tôi là Trần Thị Hồng Diệm (sinh năm 1913), một phụ nữ tân tiến, được ba tôi dìu dắt, dạy cho học chữ, sớm làm quen với lối sống thành thị, để răng trắng và là người phụ nữ đầu tiên của Quảng Bình biết đi xe đạp. Sau này khi đã về già, hơn 60 tuổi, bà vẫn phóng xe máy đi khắp nơi, lúc đó ở miền Bắc nước ta còn rất ít người biết đi xe máy như bây giờ. Cái tên đệm Hồng trong tên của bà cũng do ba tôi đặt để cho có vẻ thành thị (…)

Nhận học vị phó tiến sĩ đầu tiên của nhà nước

Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, việc nghiên cứu đề tài “Đặc trưng tâm lý của trẻ có năng khiếu thơ” của tôi đã hòm hòm thì Bộ Giáo dục chủ trương cho một số cán bộ giảng dạy và nghiên cứu đã có công trình khoa học tốt được bảo vệ đặc cách luận án phó tiến sĩ trong nước...

Đúng ngày 18 tháng 9 năm 1978, tôi bảo vệ luận án trước Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước. Hội đồng gồm tiến sĩ Phạm Minh Hạc, tiến sĩ Hồ Ngọc Đại, phó tiến sĩ Phạm Tất Dong, phó tiến sĩ Đặng Xuân Hoài vừa bảo vệ luận án tiến sĩ và phó tiến sĩ tâm lý học (bây giờ là tiến sĩ khoa học và tiến sĩ) từ Liên Xô về, về văn học có thầy Nguyễn Lương Ngọc, thầy Huỳnh Lý và tiến sĩ Hoàng Ngọc Hiến. Trong đó Hồ Ngọc Đại (về tâm lý học) và Hoàng Ngọc Hiến (về văn học) là phản biện.

Một buổi bảo vệ luận án khá đặc biệt tổ chức tại hội trường lớn của trường, khi đó còn là nhà tranh vách đất nhưng cũng đủ chứa hàng nghìn người từ các khoa trong trường và cả những cán bộ khoa học ngoài trường đến dự, vì đây là lần đầu tiên bảo vệ luận án phó tiến sĩ trong nước. Tôi hồi hộp lắm nhưng cũng đủ bình tĩnh để trình bày rõ ràng khúc chiết luận án của mình, được chứng minh bằng cả biểu bảng, sơ đồ do tôi ứng dụng toán thống kê để lượng hóa cứ liệu thu thập được, lại có tranh ảnh dùng trong thực nghiệm do nhà tôi - nhạc sĩ Phạm Tuyên - trình bày và vẽ. Báo cáo xong luận án được cả hội trường vỗ tay vang dội (lẽ ra theo quy định thì không được vỗ tay trong buổi bảo vệ luận án).

Trò chuyện với các bạn đồng nghiệp, nhất là những người đã từng học tập nghiên cứu ở nước ngoài về, điều làm cho họ ngạc nghiên là tại sao chỉ ở trong nước lại không có người hướng dẫn khoa học mà hoàn thành luận án tốt như thế. Họ ngạc nhiên nhất là luận án đã sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại chẳng khác gì những luận án được thực hiện ở nước ngoài với điều kiện tốt và có người hướng dẫn là các nhà khoa học kỳ cựu.

Có gì đâu, trong quá trình nghiên cứu đề tài, tôi đã gửi thư xin các bạn đang làm luận án ở nước ngoài những tài liệu nghiên cứu khoa học hiện đại. Các bạn đó đã sẵn lòng gửi sách và tài liệu theo yêu cầu của tôi vì họ rất quý tôi và thương tôi do vướng mắc lý lịch mà không được ra nước ngoài học tập nghiên cứu như họ, đó là một thiệt thòi lớn.

Ngày đó tôi vướng vào lý lịch rất nặng, một mặt người ta vẫn coi tôi là con dâu của Phạm Quỳnh, mặt khác còn nghiêm trọng hơn nữa, tôi là em ruột của Nguyễn Kiến Giang, một phần tử xét lại hiện đại. Cả hai vai tôi gánh nặng vừa đế quốc phong kiến vừa chủ nghĩa xét lại hiện đại. Hồi đó dính đến chủ nghĩa xét lại hiện đại là nghiêm trọng lắm hơn cả dính vào đế quốc phong kiến!

Cũng cần kể một chút về ông anh xét lại hiện đại của tôi, xuất thân từ gia đình cách mạng, anh thoát ly gia đình để hoạt động cách mạng từ năm 14 tuổi. Năm anh 19 tuổi đã là Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy, năm 20 tuổi là Trưởng ban Huấn học của Tỉnh ủy Quảng Bình. Khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, anh được điều ra Hà Nội làm Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Sự thật, phụ trách mảng sách chính trị của Nhà xuất bản...

Sau khi bảo vệ luận án thành công, tôi nhận bằng khoa học trong một buổi lễ long trọng do Nhà nước tổ chức lần đầu tiên để cấp học vị phó tiến sĩ. Cùng với một số giảng viên đại học đã bảo vệ thành công công trình nghiên cứu khoa học cấp II trong nước (tương đương với luận án phó tiến sĩ) thì chỉ mình tôi là nữ được nhận bằng phó tiến sĩ đầu tiên do Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp trao tận tay (vào mùa xuân năm 1980).

Lý tưởng cao đẹp và nghệ thuật

Con đường “công danh” của anh Phạm Tuyên không phải là không gặp trắc trở. Do thành phần bất lợi, anh thường bị cấp trên “cảnh giác”, có người còn đặt vấn đề với đồng chí Trần Lâm lúc đó là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam tại sao lại để cho Phạm Tuyên “giữ tay hòm chìa khóa” về âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam? Nhưng khi thấy anh luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với trọng trách, cấp trên mới thực sự yên tâm, tin tưởng và đánh giá cao.

Tuy vậy không đợt tăng lương nào lại không dính líu đến lý lịch của anh, cũng không có lần đề bạt nào mà gốc rễ gia đình anh lại không bị lôi ra. Cả những lần khen thưởng tuyên dương anh cũng gặp sự hẹp hòi, đố kỵ rất khó chịu và lại chịu thiệt thòi! Anh phải thường xuyên gánh vác nhiệm vụ trọng trách nhưng luôn luôn chỉ giữ ở cái chức “phó”, bởi anh không có “nhãn mác” là thành phần cơ bản.

Khi anh được cử sang phụ trách Ban Văn nghệ của Đài Truyền hình Việt Nam (1978), thấy anh vừa có uy tín vừa có năng lực chỉ đạo tốt, đồng chí Chủ tịch Ủy ban Phát thanh và Truyền hình định đề bạt anh là Phó Tổng Giám đốc của Đài Truyền hình Việt Nam (tất nhiên không thể là “trưởng”) nhưng “cấp trên” đã cho chỉ thị: “Hãy để cậu ấy có nhiều thời gian mà sáng tác!”. Thế mà cũng hay, cái chức “phó thường dân” thế mà cũng tạo cho anh tâm trạng thanh thản, lạc quan để sáng tác, để sống vui tươi đến ngày hôm nay!

NGUYỄN ÁNH TUYẾT

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/pham-tuyen-nhung-chuyen-lan-dau-duoc-ke-ly-tuong-song-cao-dep-va-nghe-thuat-post182333.html