Phạm vi nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết: Chọn phương án trung dung

Thay vì hai phương án đề ra trong Dự thảo trước đó, phạm vi nợ xấu được áp dụng theo Nghị quyết xử lý nợ xấu cuối cùng đã được thông qua là các khoản nợ trước thời điểm 15/8/2017, thời điểm áp dụng Nghị quyết.

Sáng ngày 21/6, tại ngày cuối cùng kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Dự thảo Nghị quyết đã được đặt lên bàn cân tán thành/ không tán thành. Kết quả cuối cùng, 86,35% số đại biểu có mặt tán thành. Và có tới 31 đại biểu, tương đương hơn 6% số đại biểu không tán thành nghị quyết. Có 12 đại biểu không biểu quyết.

Điều quan trọng hơn, những nội dung cuối cùng trong Nghị quyết xử lý nợ xấu đã chính thức đã được thống nhất bao gồm Phạm vi nợ xấu được áp dụng Nghị quyết và thời hạn hiệu lực.

Theo đó, Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 và sẽ xử lý nợ xấu phát sinh do nghiệp vụ tín dụng thực hiện trước thời điểm Nghị quyết có hiệu lực.

Trước đó, Dự thảo Nghị quyết Xử lý nợ xấu của các TCTD trình Quốc hội tại phiên thảo luận tại Hội trường ngày 5/6 đề ra thời hạn áp dụng hiệu lực là ngày 1/7/2017. Như vậy, hiệu lực Nghị quyết đã bị lùi lại một tháng rưỡi so với dự thảo mà cơ quan soạn thảo đề ra.

Cùng với đó, vấn đề về phạm vi nợ xấu cũng đã có sự thay đổi. Dự thảo Nghị quyết Xử lý nợ xấu của các TCTD đề ra hai phương án bao gồm Nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là các khoản nợ quy định tại Phụ lục về xác định nợ xấu của Nghị quyết này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi Phụ lục theo đề nghị của Chính phủ (Phương án 1) hoặc Nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là các khoản nợ quy định tại Phụ lục về xác định nợ xấu của Nghị quyết này và có dư nợ tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2016. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi Phụ lục theo đề nghị của Chính phủ (phương án 2).

Được biết, kết quả lấy phiếu của hai phương án quy định phạm vi nợ xấu đã không có sự chênh lệch lớn (phương án 1: 203 phiếu/phương án 2: 193 phiếu), không quá bán so với số đại biểu. Tại phiên thảo luận ngày 5/6, cũng có đại biểu đề xuất thêm ý kiến trung dung, lấy phạm vi nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết đến thời điểm 31/12/2017.

Trước đó, đại diện cơ quan soạn thảo, Thống đốc nhấn mạnh việc áp dụng Nghị quyết đối với cả khoản nợ xấu hiện tại và nợ xấu trong quá trình thực hiện Nghị quyết như phương án 1 là rất cần thiết. Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho rằng trong điều kiện áp dụng các giải pháp hạn chế nợ xấu, trung bình nợ xấu mới phát sinh cũng vẫn tăng 1,3-1,5%/ tổng dư nợ chủ yếu do nguyên nhân khách quan và một số chủ quan. (Xem thêm)

Tuy nhiên, một số ĐBQH cũng cho rằng chỉ nên chốt phạm vi nợ xấu đến 31/12/2016. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc chốt ngày 31/12/2016 là có cơ sở bởi vì trước đó Quốc hội đã từng đề ra Đề án Tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu lấy tới ngày này.

>> Thống đốc NHNN: Phạm vi nợ xấu xử lý theo Nghị quyết cần được mở rộng

Phương án chốt phạm vi xử lý nợ xấu tới thời điểm 15/8/2017 có thể coi là phương án trung dung.

Sau khi Nghị quyết được thông qua, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết NHNN sẽ chỉ đạo từng TCTD, xây dựng phương án cơ cấu lại của từng tổ chức trong đó phê duyệt nội dung và chỉ tiêu về xử lý nợ xấu và kiểm soát nợ xấu từng năm để NHNN giám sát.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/pham-vi-no-xau-duoc-xu-ly-theo-nghi-quyet-chon-phuong-an-trung-dung-2017062110220424p4c149.news