Phân bổ vốn không đúng quy định: Kiến nghị thu hồi hàng trăm tỷ đồng

Sáng 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách trung ương (NSTW) của Chính phủ năm 2017 và việc phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí còn lại của NSTW năm 2016. Trong đó, Chính phủ kiến nghị thu hồi hàng trăm tỷ đồng của một số bộ, ngành, địa phương phân bổ vốn không đúng quy định và không có nhu cầu sử dụng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Thu hồi hơn 867 tỷ đồng của 5 bộ, ngành và 2 địa phương

Về điều chỉnh kế hoạch vốn NSTW năm 2017, UBTVQH đã cho ý kiến về thu hồi 867,942 tỷ đồng của 5 bộ, ngành trung ương và 2 địa phương phân bổ không đúng quy định và không có nhu cầu sử dụng; bố trí vốn trong nước đối với khoản 179,985 tỷ đồng và việc bổ sung 103,83 tỷ đồng cho TP. HCM...

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách (TCNS) của Quốc hội, đối với vốn trong nước, Chính phủ đề nghị thu hồi 179,985 tỷ đồng đã bố trí cho việc xây dựng Trụ sở Bộ Ngoại giao và Dự án đầu tư phát triển và mở rộng Nhà máy in tiền Quốc gia của Ngân hàng Nhà nước.

Ủy ban TCNS cho rằng, theo báo cáo của Chính phủ, tiến độ giải ngân của 2 dự án trên rất thấp. Đến 30/9/2016, giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn năm 2016 và đến hết ngày 25/1/2017, số vốn chưa giải ngân được năm 2016 còn khá lớn, đặc biệt là dự án của Ngân hàng Nhà nước. Việc xây dựng toán không sát và tiến độ thực hiện chậm, dẫn đến việc bố trí vốn cho các công trình, dự án có tốc độ giải ngân quá thấp ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn, buộc phải xem xét, điều chuyển vốn là chưa thật sự hợp lý. Mặt khác, việc điều chỉnh kế hoạch vốn này còn khá chậm: Ngày 13/7/2017, Chính phủ mới có Tờ trình về vấn đề này, ảnh hưởng đến thời gian triển khai thực hiện các dự án.

Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí thu hồi khoản kinh phí này như Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cần rút kinh nghiệm trong quá trình lập dự toán, bám sát các tiêu chí, nguyên tắc phân bổ vốn và tiến độ giải ngân theo đúng kế hoạch đã đề ra, đồng thời làm rõ nguyên nhân giải ngân vốn chậm của các dự án, từ đó có giải pháp khắc phục.

Ưu tiên bổ sung vốn cho quốc phòng và dự án ở các địa phương nghèo

Về đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn NSTW năm 2017, đối với vốn trong nước 179,985 tỷ đồng, Chính phủ dự kiến bố trí vốn cho các dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng của Bộ Quốc phòng và Ban cơ yếu Chính phủ. Đa số ý kiến Ủy ban TCNS cho rằng, đây đều là các dự án cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ và sẽ hoàn thành trong năm 2017, phục vụ cho lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Do vậy, nhất trí với phương án Chính phủ trình.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn về tính cấp thiết bố trí vốn cho 6 dự án thuộc lĩnh vực này so với các lĩnh vực khác cũng có những dự án quan trọng cấp bách, cần bố trí nguồn để sớm đưa vào hoạt động.

Đối với vốn ngoài nước 687,957 tỷ đồng, Ủy ban TCNS đã có ý kiến cụ thể với từng khoản vốn bổ sung.

Thứ nhất, việc bổ sung 453,235 tỷ đồng cho các địa phương triển khai các dự án thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đa số các ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí bố trí vốn của Dự án phát triển trung học cơ sở khu vực giai đoạn 2 do Bộ Giáo dục và Đào tạo lập dự toán của địa phương được điều chuyển về cho những địa phương chưa lập dự toán như Chính phủ trình.

Tuy nhiên, cần lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, hạn chế chuyển nguồn sang năm sau. Đồng thời đối với các địa phương được bổ sung kế hoạch vốn phải bảo đảm bố trí đủ vốn đối ứng và đẩy nhanh được tiến độ thực hiện.

Thứ hai, đối với việc bố trí vốn cho dự án của các địa phương có Hiệp định kết thúc vào năm 2017 nhưng chưa được bố trí đủ vốn như cam kết với nhà tài trợ, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với việc bố trí vốn thực hiện các dự án của tỉnh Long An, An Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên do các địa phương này đều là những địa phương nghèo, nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương và các dự án này dự kiến kết thúc vào năm 2017 theo cam kết với nhà tài trợ nhưng thiếu vốn thực hiện.

Đối với việc bổ sung 103,83 tỷ đồng cho TP. Hồ Chí Minh, đa số ý kiến nhất trí với phương án Chính phủ trình và cho rằng đây cũng là những dự án cấp bách, thời hạn kết thúc vào cuối năm 2017 nên cần ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư dự án chống ngập cho TP. Hồ Chí Minh theo giải trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đây là phần vốn thuộc Trung ương quản lý nên không ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn xây dựng cơ bản ngân sách địa phương của Thành phố.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có điều kiện phát triển nhất về kinh tế - xã hội. Mặt khác, Chính phủ đang trình phương án đầu tư trở lại cho TP Hồ Chí Minh 500 tỷ đồng từ nguồn kinh phí còn lại của NSTW năm 2016. Do vậy, đề nghị cân nhắc nên bố trí 103,83 tỷ đồng cho các dự án cấp bách của các địa phương khác.

Về tiến độ giải ngân, một số ý kiến cho rằng, thời điểm thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn NSTW khá muộn, do vậy, thời gian để thực hiện đối với các dự án được điều chỉnh bổ sung vốn đến hết năm 2017 là rất ngắn.

Ủy ban TCNS đề nghị, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện cần đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm thời gian hoàn thành trong năm 2017 như Tờ trình của Chính phủ.

Minh Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/phan-bo-von-khong-dung-quy-dinh-kien-nghi-thu-hoi-hang-tram-ty-dong.aspx