Phân hóa rõ nét của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp

Doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp dự báo tiếp tục tăng trưởng, nhưng phân hóa rõ nét hơn. Triển vọng sẽ ở doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn, đã ký hợp đồng ghi nhớ hoặc có quỹ đất tại tỉnh, thành cấp 2.

Quý I, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HoSE: KBC) tác động làm tổng lợi nhuận doanh nghiệpbất động sản khu công nghiệp giảm 17%

Kết thúc quý I/2024, thống kê của Agrisesco Research cho thấy, tổng doanh thu của 15 doanh nghiệp trong ngành ghi nhận 11.484 tỷ đồng (chỉ nhích nhẹ so với cùng kỳ), tổng lợi nhuận sau thuế đạt 1.740 tỷ đồng, giảm 17%.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ KBC báo lỗ gần 77 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi khủng 1.056 tỷ đồng. Nếu không tính KBC, tổng doanh thu các doanh nghiệp trong ngành là 11.332 tỷ đồng, tăng 24%, và lợi nhuận sau thuế 1.817 tỷ đồng, tăng 75%.

Đối với doanh nghiệp cao su có mảng khu công nghiệp (gồm GVR, PHR, DPR), quý I ghi nhận lợi nhuận giảm 25% do giảm thu nhập từ đền bù đất khu công nghiệp. Nhưng, doanh thu chưa thực hiện vẫn duy trì ở mức cao 11.659 tỷ đồng - sẽ là nguồn thu tương lai của các doanh nghiệp này.

Kết quả kinh doanh năm 2024 của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp dự báo tiếp tục tăng trưởng, nhưng phân hóa rõ nét hơn. Triển vọng khởi sắc ở nhóm các doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn và đã ký hợp đồng ghi nhớ từ trước hoặc có quỹ đất tại các tỉnh, thành cấp 2.

Agrisesco Research dự báo, giá thuê dự kiến tăng khoảng 3-9% tại các tỉnh có vị trí thuận lợi và hưởng lợi từ các dự án mở rộng hạ tầng giao thông kỳ vọng như Bắc Ninh, Hải Phòng, Vũng Tàu, Đồng Nai.

Đối với nhóm doanh nghiệp cao su có quỹ đất lớn chuyển đổi sang khu công nghiệp kỳ vọng sẽ hưởng lợi trong trung và dài hạn trong bối cảnh quá trình đền bù và chuyển đổi đất cao su dự kiến sẽ được triển khai nhanh hơn khi các các văn bản về Quy hoạch chung của tỉnh/thành phố, các nghị định, Văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở sửa đổi đi vào triển khai. Một số doanh nghiệp cao su có quỹ đất lớn đã và đang chuyển đổi sang khu công nghiệp như GVR, PHR, DPR.

Agrisesco gọi tên 3 cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp

Hiện nay, hầu hết các công ty bất động sản khu công nghiệp niêm yết đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024. Trong đó, nhóm các doanh nghiệp có quy mô lớn đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận tốt như KBC (+80%), IDC (+22%).

Ngược lại, nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ đều khá thận trọng về triển vọng kinh doanh 2024. Cụ thể, kế hoạch 2024 giảm so với thực hiện 2023 có VGC giảm 31%, SIP và LHG giảm 21%, HPI giảm 64%, …

Xét về định giá, các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đang giao dịch tại mức P/E là 16,1x lần và P/B là 2,3x lần, thấp hơn so với bình quân 5 năm trở lại đây.

Nhìn chung, định giá ngành vẫn đang ở mức khá hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp nói riêng và thị trường bất động sản khu công nghiệp nói chung trong các năm tới.

Dựa trên tiêu chí doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn tại các khu vực tiềm năng, chỉ số P/B, P/E ở mức hợp lý so với trung bình ngành; doanh thu chưa thực hiện cao hoặc các hoạt động kinh doanh có chuyển biến tích cự; kế hoạch kinh doanh khả quan, Agriseco khuyến nghị một số cổ phiếu tiềm năng và đạt đủ tiêu chí gồm KBC (giá mục tiêu 37.000 đồng/cổ phiếu); IDC (giá mục tiêu 65.000 đồng/cổ phiếu); SZC (giá mục tiêu 45.000 đồng/cổ phiếu).

Nhã An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/phan-hoa-ro-net-cua-cac-doanh-nghiep-bat-dong-san-khu-cong-nghiep-d215237.html