Phân loại rác tại nguồn: Vì sao chưa hiệu quả?

Câu chuyện phân loại rác từ nguồn thải không phải bây giờ mới được đề cập đến. Hơn 10 năm trước đây...

Câu chuyện phân loại rác từ nguồn thải không phải bây giờ mới được đề cập đến. Hơn 10 năm trước đây, ở nhiều địa phương, việc phân loại rác sinh hoạt ngay từ đầu nguồn đã được thực hiện với mong muốn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tái sử dụng nguồn thải nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai trên diện rộng, vì sao?

Nguyên nhân do đâu?

Theo số liệu báo cáo của Bộ TN&MT, lượng chất thải rắn (CTR) tại các khu vực của nền kinh tế đã không ngừng gia tăng trong những năm qua (trung bình 10%/năm) với tỷ lệ gần 46% là CTR từ các đô thị, 17% từ hoạt động sản xuất công nghiệp và dự báo mỗi năm tỷ trọng này sẽ tăng lên 51% đối với các đô thị và 22% đối với các khu sản xuất công nghiệp. Chỉ riêng Hà Nội và TP.HCM mỗi năm thải ra khoảng hơn 30.000 tấn chất thải, bao gồm cả rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải y tế. Trong đó có 50 - 70% lượng rác thải chứa những hợp chất có thể tái chế và tạo ra nguồn năng lượng mới, nhưng chỉ có khoảng 10% trong số này được tái chế và tái sử dụng.

Các chuyên gia về môi trường cho rằng việc phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần tiết kiệm được tài nguyên, mang lại lợi ích cho Nhà nước nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế và phân compost tự chế biến. Không những thế, nó còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời còn tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý. Lợi ích như vậy nhưng tại sao nó không được duy trì?

Phân loại rác thải trước khi xả ra môi trường để đảm bảo môi trường bền vững.

Trước đây, tại 3 thành phố là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, dự án 3R-HN về phân loại chất thải tại nguồn được Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ áp dụng thử nghiệm và đã có những kết quả bước đầu trong giai đoạn 2006 - 2010. Tuy nhiên, đến nay, do thiếu nguồn lực tài chính để mua sắm trang thiết bị, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cũng như nguồn nhân lực triển khai thực hiện nên sau một thời gian tiến hành người dân không còn được cung cấp các bao bì để bỏ rác phân loại thì họ lại dùng mọi phương tiện có sẵn để chứa tất cả rác thải trong nhà trước khi bỏ ra ngoài cho đơn vị thu gom mang đi. Thêm vào đó, do chưa thực sự quen với việc phân loại CTR tại nguồn nên tỷ lệ người dân tự nguyện tham gia phân loại rác không cao. Công tác tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu, không hiệu quả dẫn đến dự án thất bại.

Để mô hình phân loại rác tại nguồn thực sự có hiệu quả, cần hình thành hành lang pháp lý liên quan cũng như các quy định về quản lý CTR sinh hoạt, nhân lực, tài chính phục vụ chương trình. Phân loại rác tại nguồn cần thực hiện liên tục, không nóng vội và thay đổi nhận thức người dân không phải ngày một ngày hai, vì thế, công tác tuyên truyền giữ vai trò hết sức quan trọng.

Làm thế nào cho hiệu quả?

Các chuyên gia môi trường nhận định, hoạt động phân loại rác thải tại nguồn chỉ thực sự thành công khi chính các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhà khoa học và người dân Việt Nam có chuyển biến về nhận thức và sẵn sàng tham gia hành động phân loại, tái chế rác thải. Khó khăn nhất hiện nay trong thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt là sự tham gia của người dân. Trong khi người dân vẫn chưa thật sự mặn mà với việc phân loại rác thì công tác tuyên truyền một cách thường xuyên là quan trọng nhất. Bên cạnh kinh phí tổ chức thực hiện, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội để người dân có ý thức chung tay bảo vệ môi trường trong lúc môi trường hiện đang ngày càng bị đe dọa trầm trọng.

Mới đây, sau một thời gian triển khai thí điểm tại một số quận, UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tiếp tục mở rộng chương trình phân loại rác tại nguồn ở những khu vực công cộng. Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2020 sẽ thực hiện trên địa bàn 24 quận huyện toàn thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và giảm chôn lấp CTR sinh hoạt tại thành phố.

Hiện nay, mỗi ngày TP. Hồ Chí Minh phát sinh khoảng 7.500 tấn chất thải sinh hoạt. Để người dân thuận tiện trong phân loại chất thải tại nguồn, chính quyền thành phố cũng lên kế hoạch bố trí các thiết bị lưu chứa, phương tiện thu gom và các phương án thu gom ở từng khu vực. Các CTR sinh hoạt sau khi phân loại được vận chuyển đến 2 khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố là Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (Củ Chi) và Khu liên hợp Đa Phước (Bình Chánh). Tại những nơi này, các đơn vị xử lý chất thải sẽ tiếp nhận, xử lý riêng các nhóm CTR sau phân loại theo công nghệ xử lý đã cam kết với thành phố.

Song song với việc đầu tư các cơ sở tái chế rác có đủ năng lực tiếp nhận và tiếp tục phân loại, tái chế toàn bộ lượng rác thải được phân loại sơ bộ từ nguồn được đưa đến hàng ngày, TP. Hồ CHí Minh sẽ ban hành các chính sách khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn, khuyến khích sử dụng các sản phẩm tái chế từ rác cùng với việc đầu tư cho các nhà máy tái chế, tăng cường vận động và bắt buộc các cơ quan, gia đình và từng người dân tham gia phân loại rác tại nguồn. Khi đó, rác tập kết đến nhà máy xử lý sẽ được phân loại và chất lượng sản phẩm tái chế sẽ tốt hơn.

Hy vọng từ mô hình này của TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh thành trong cả nước sẽ học tập nhân rộng để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chung tay bảo vệ môi trường bền vững, vì sức khỏe chung của cộng đồng.

Thục Viên

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/phan-loai-rac-tai-nguon-vi-sao-chua-hieu-qua-n131785.html