Phần lớn các nước thành viên G-20 phản đối can thiệp quân sự ở Syria

QĐND Online - Cuộc khủng hoảng Syria không phải là nội dung chính thức trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) được tổ chức vào ngày 5 và 6-9 tại St Petersburg, Nga. Nhưng khả năng can thiệp quân sự chống lại chế độ Damascus có thể làm “vỡ” chương trình nghị sự và làm gia tăng khoảng cách giữa nước chủ nhà Nga với Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, Hội nghị cũng là cơ hội cho các nước thành viên của G-20 nói lên tiếng nói của mình.

Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ: Ủng hộ cuộc chiến chống Syria

Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia đang ủng hộ, thậm chí sẵn sàng tham gia vào cuộc can thiệp ở Syria. Riyadh từ lâu đã công nhận tài trợ cho Hội đồng Quốc gia Syria, một liên minh chủ chốt chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad.

Trong khi đó, Ankara kêu gọi một sự can thiệp quân sự nhằm mục đích lật đổ chế độ, chứ không chỉ đơn thuần trừng phạt Damascus sử dụng vũ khí hóa học.

G-20 là Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi, gồm các nước Arab Saudi, Ấn Độ, Anh, Argentina, Brasil, Canada, Đức, Hàn Quốc, Mỹ, Indonesia, Mexico, Nam Phi, Nga, Nhật, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Australia, Italy và Liên minh châu Âu.

Ấn Độ kêu gọi chính sách đối thoại

Ấn Độ sẽ không ủng hộ một hành động quân sự chống lại Syria. Trong tuyên bố ngày 3-9 vừa qua, New Delhi nhắc lại nguyên tắc cơ bản của nước này là "không có giải pháp quân sự cho một cuộc xung đột " và kêu gọi các bên tiến hành cuộc đối thoại chính trị "toàn diện" liên quan đến chính phủ Damascus và lực lượng đối lập.

Trong khi nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với các công ước quốc tế cấm sử dụng vũ khí hóa học, New Delhi kêu gọi "cần chờ đợi kết quả đầy đủ" của nhóm điều tra LHQ trước khi quyết định tấn công Syria.

Thủ tướng Ấn Độ M. Singh.

Không đồng tình với chủ nghĩa đơn phương của Mỹ, Ấn Độ luôn đứng ra bảo vệ vai trò thiết yếu của LHQ như một nền tảng để giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế.

Brasil: Can thiệp quân sự là một "vi phạm luật pháp quốc tế"

Sau khi được bổ nhiệm thay người tiền nhiệm Antonio Patriota cuối tháng 8, tân Ngoại trưởng Brazil Alberto Figueiredo khẳng định, nước này không ủng hộ hành động quân sự mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an LHQ. Trước đó, cựu Ngoại trưởng Antonio Patriota cũng nhấn mạnh rằng, việc can thiệp quân sự vào Syria là "sự vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ".

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Figueiredo cũng khẳng định, sử dụng vũ khí hóa học là "không thể chấp nhận", đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế chờ đợi kết quả điều tra cuối cùng của nhóm thanh sát viên LHQ. Ông cho biết, Hội đồng Bảo an hiện đang bị chia rẽ trong vấn đề này, vì vậy, theo ông, điều cần thiết là LHQ phải cải cách. Trong nhiều năm qua, Brasil và các nước mới nổi khác luôn bảo vệ việc mở rộng và sửa đổi các quy tắc của cơ quan quyền lực nhất hành tinh này.

Argentina: Hành động quân sự sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình

Argentina hiện đang nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an LHQ, đã kịch liệt bác bỏ bất kỳ sự can thiệp quân sự của Mỹ và các đồng minh chống lại Syria. "Hành động quân sự sẽ làm trầm trọng thêm tình hình", Bộ Ngoại giao Argentina cho biết.

Trong khi cho rằng "không thể tha thứ" cho việc sử dụng vũ khí hóa học, chính phủ của Tổng thống Cristina Kirchner khẳng định, không thể để vũ khí tiếp tục tuồn vào khu vực xung đột để sau đó lại than vãn có nhiều người chết. "Argentina không bao giờ đề nghị hoặc ủng hộ sự can thiệp quân sự ở nước ngoài. Chính phủ và nhân dân Argentina không đồng lõa để có nhiều người chết hơn". Buenos Aires cũng kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên LHQ "phản đối" bất kỳ hành động quân sự chống Syria.

Mexico: Chỉ LHQ có thể "thông qua các biện pháp tập thể"

Ngoại trưởng Mexico Jose Antonio Meade tin rằng, can thiệp quân sự không phải là mục tiêu của LHQ. Ông cũng nhấn mạnh: "Tầm quan trọng của việc kết thúc và đưa ra kết quả điều tra của nhóm thanh sát viên LHQ về việc Syria có sử dụng vũ khí hóa học ngày 21-8 hay không”. Theo ông, Hội đồng Bảo an là cơ quan duy nhất được trao quyền để hành động tập thể trong trường hợp hòa bình và an ninh quốc tế bị đe dọa. “Tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột Syria nên gắn với các nguyên tắc và các quy định của Hiến chương LHQ, đặc biệt là liên quan đến việc sử dụng vũ lực", nhà ngoại giao Mexico nhấn mạnh.

Nam Phi: Cảnh báo vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế

Cũng như các nước trên, Nam Phi phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự vào Syria và kêu gọi một giải pháp chính trị mà không cần đặt ra sự thay đổi chế độ. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã công khai bày tỏ mối quan ngại về việc sử dụng sự phô trương để mở đường cho hành động quân sự, đồng thời cảnh báo chống lại các vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Ngày 3-9, ông nhấn mạnh: "Nam Phi không đủ điều kiện để xác định loại hình phạt để áp đặt lên quốc gia sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân của họ. Ông cũng tái khẳng định sự cần thiết phải tìm một giải pháp khuôn khổ LHQ.

Indonesia: Không nên làm trầm trọng thêm tình hình ở Syria

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã chính thức lên án việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, nhưng không đưa ra cáo buộc trực tiếp chống lại chính quyền Damascus. "Cộng đồng quốc tế không nên làm trầm trọng thêm tình hình ở Syria”. Jakarta muốn giải quyết mâu thuẫn phải được thông qua Hội đồng Bảo an LHQ và thúc đẩy tiếp tục đàm phán hòa bình còn được gọi là Geneva 2.

PHƯƠNG LINH (theo Lemonde.fr)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/3/102/102/260926/Default.aspx