Phan Mai Hương Khi 'Cầu thang không có chín bậc'

Tháng 4 năm ấy, tôi được tham gia cùng anh, chị em văn nghệ sĩ Hòa Bình trải nghiệm lòng hồ Hòa Bình. Nhờ chuyến thực tế hai ngày, tôi kịp biết về Phan Mai Hương là người cá tính, hiểu biết và yêu nghề dạy học. Đó là những cảm nhận ban đầu.

Và rồi tôi đọc “Sóng đá”, NXB Hội Nhà văn năm 2016; “Chín vía gọi về”, NXB Hội Nhà văn năm 2020; “Cầu thang không có chín bậc”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của chị. Phan Mai Hương đã in 10 tập văn xuôi, độc giả còn biết chị làm thơ, với tập thơ đầu tay “Con nhện bên khe cửa”, NXB Hội Nhà văn năm 2023.

Phan Mai Hương là hội viên của các hội: Hội Nhà văn Việt Nam; Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam; Hội Văn học Nghệ thuật Hòa Bình. Chị có chuyên môn thạc sĩ ngành Văn học Việt Nam hiện đại, vốn là giáo viên dạy Văn ở Trường THPT Chuyên Hòa Bình.

Nhà văn Phan Mai Hương tại một sự kiện văn học.

Nhà văn Phan Mai Hương tại một sự kiện văn học.

Từ ngày nghỉ hưu, không còn “ràng buộc” với giáo chức, Phan Mai Hương chuyển hẳn về Hà Nội sinh sống. Thế là thêm cơ hội để “tìm hiểu”, có nhiều lần “chạm trán” tại các sự kiện sinh hoạt nghề nghiệp, từ cấp câu lạc bộ mà chị tham gia, cổ vũ đến hội chuyên nghiệp.

Phan Mai Hương, trước hết là nhà văn “chịu đi”. Tôi nhận ra điều đó qua trang cá nhân. Chỉ riêng Trường Sa, chị đã tham gia đoàn phóng viên báo chí ra quần đảo này đến hai lần, sang Viên Chăn và một số địa phương khác của Lào; tham gia trại viết này các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số; trại viết kia với các nhà văn Hội Nhà văn Việt Nam. Sau “chịu đi” là “chịu viết”. Các tác phẩm của Phan Mai Hương cứ “đẻ sòn sòn”, không chỉ in báo nọ, tạp chí kia mà còn xuất bản ra sách đều đặn.

Mấy năm nay Phan Mai Hương còn “đứng mũi chịu sào”, lãnh trách nhiệm chủ biên một ấn phẩm văn học mang tên “Đường văn”, xuất bản từng quý, theo giấy phép của NXB Hội Nhà văn Việt Nam. “Đường văn” là một trong các hoạt động của Công ty truyền thông Thi Nhân Các - một đơn vị tư nhân “chịu chơi” dấn thân vì văn hóa đọc và văn chương.

Đầu năm 2024, Phan Mai Hương “réo” và “kết nạp” tôi tham gia “Trại sáng tác truyện ngắn Đường văn 2024” được tổ chức tại Tam Đảo. Tại Tam Đảo, tôi được gặp các “trại viên” là những nhà văn đã được định danh tên tuổi như Hà Phạm Phú, PGS.TS. Văn Giá, Phạm Thanh Khương, Lê Ngọc Minh, Đoàn Hữu Nam (Lào Cai), Đinh Ngọc Lâm (Ninh Bình). Xa nhất là nhà văn Bùi Minh Vũ, tận Đắk Lắk vẫn bay ra tham gia trại viết.

Nghĩ trong bụng, tính chuyên nghiệp đến từng xăng-ti-mét. Nhà văn Phan Mai Hương xuất hiện không chỉ với vai trò “kiến tạo” mà còn là trưởng ban tổ chức. Thật là “chịu chơi”, “dám chơi” và “biết chơi”.

*

Đầu năm 2024, Phan Mai Hương ra tập truyện ngắn “Cầu thang không có chín bậc” gồm 11 truyện, dày 250 trang. Ngoài đời thường, Phan Mai Hương rổn rảng nói cười vui vẻ, nhưng trong tác phẩm, chị là người chỉn chu, cẩn trọng. Cầm cuốn “Cầu thang không có chín bậc”, tôi khá ấn tượng. Tác giả đã rất cầu kỳ ngay từ tranh bìa, chọn khổ sách, trình bày chữ, câu nói “Người làm sao của chiêm bao làm vậy” thật đúng với nữ nhà văn này.

Lại nhớ chuyến thực tế lòng hồ Hòa Bình, khi đoàn ghé thuyền vào các làng bản dọc sông Đà, Phan Mai Hương hồ hởi giới thiệu như một “tour guide” có nghề. Bên tai tôi vẫn còn phảng phất giọng chị khi nói về nhà sàn người Mường và các bậc cầu thang. Vì thế, khi cầm “Cầu thang không có chín bậc”, tôi tò mò. Ý nghĩa từ hiện thực thì đã nghe, tác phẩm chị gửi thông điệp gì?

Truyện ngắn “Cầu thang không có chín bậc” được xem là truyện ngắn ruột gan của cả tập truyện, chỉ riêng số trang in đã là 24, chiếm gần 10% số lượng trang in cả tập sách.

Truyện “Cầu thang không có chín bậc”, xoay quanh cuộc đời bà Mon. “Tên thời con gái của bà là Mến. Tục xứ Mường, khi có con thì gọi theo tên con cả, chỉ khi về với tổ tiên mới dùng tên cha mẹ đặt cho. Bà có con gái lớn tên là Mon thì được gọi là bà Mon, còn chồng là ông Mon” (trang 91).

Bà Mon thuộc hộ dân cá biệt của bản. Với người Mường, cầu thang không chỉ là “xương sống” của ngôi nhà, theo cách gọi của Phan Mai Hương mà còn phân biệt “đẳng cấp” xã hội. “Luật nhà Lang mấy trăm năm nay đặt ra quy tắc: cầu thang chín bậc là nhà Lang, nhà thầy cúng cai quản vía của dân trong Mường; Cầu thang bảy bậc là nhà Âu Cun; cầu thang năm bậc dành cho dân thường; Còn thân phận mẹ góa con côi chỉ được làm nhà có cầu thang ba bậc” (trang 92).

Dù cầu thang cũ kỹ, vẹt mòn, lỏng lẻo, “đặt chân lên cứ chực lật nhào vào trong”, nhưng bà Mon thuộc mặt ba bậc, nhắm mắt lại hình dung ra từng bậc. Bà “thuộc” cầu thang như ý thức về thân phận. Bà Mon có hai đứa con gái, cả 13 tuổi tên Mon, út tên Điệp. Mẹ góa con côi, nhưng số phận đưa đẩy bà Mon gặp người đàn ông đi rừng, bây giờ gọi là ông Mon, trong hoàn cảnh cũng éo le không kém.

Trong một lần đi lấy măng giang, bà Mon bị trượt chân ngã xuống chân đồi. Cả cái ớp măng trên lưng đã đầy măng giang đổ lên người bà. Bà ngất và đẻ ra cái Mon trong hoàn cảnh ấy. Sau khi đỡ đẻ, bà Mon “mẹ tròn con vuông”, ông cõng sản phụ trên vai, ôm đứa bé trước ngực, men theo khe suối về đến nhà mình trước khi sẩm tối.

Tác phẩm mới của nhà văn Phan Mai Hương.

Tác phẩm mới của nhà văn Phan Mai Hương.

Nhà ông Mon bên dòng suối Khó, nơi có Ma Gà. Ông có một số phận đặc biệt, không biết bố mẹ, trong một lần đi rừng, đói lả, ông được người đàn bà có tên Ma Rừng cho ăn và nhận làm con nuôi. Nhưng rồi bà cũng bỏ ông Mon mà đi. Trong ngôi nhà cũng chỉ có cầu thang ba bậc, ông Mon lớn lên, thui thủi một mình. Thế nhưng “Có nằm mơ thì bà Mon cũng không nghĩ được rằng, có ngày bà được đến ở trong ngôi nhà sàn có cầu thang ba bậc” (trang 99).

Ông Mon cần cù hay lam hay làm, tài đi rừng, giỏi nuôi gà trống thiến, ngăn dòng suối thành nơi thả cá... Hạnh phúc với hai ông bà và hai đứa trẻ vèo cái cũng đã qua 14 năm, kể từ đận bào Mon trượt chân rơi xuống đồi. “Cầu thang không có chín bậc” là những lát cắt về đời sống nghèo khó, hôn nhân ở thời văn hóa còn là khái niệm xa xỉ ở những làng bản sâu trong thung rừng. Ngoài ông bà Mon, ông Mo Vưng - người đã lợi dụng bà Mon sinh ra con Điệp, dì Bân... đều có thân phận, được nhà văn Phan Mai Hương khắc họa lên diện nạo.

Với truyện ngắn này, người đọc sẽ thấy ấm áp về tình người. Dù hoàn cảnh nào, sự yêu thương, những người yếm thế càng cần biết sẻ chia để vươn lên, vượt qua cảnh ngộ. Và nữa, sau cánh rừng còn biết bao điều nhức nhối, nhất là văn hóa. Đó phải là thứ ánh sáng, cời lên hạnh phúc.

*

Nhà văn Phan Mai Hương có mẹ là người Mường, cha mẹ đều sinh ra từ Mường, bản thân chị lớn lên cùng Mường, mang nặng ân nghĩa của Mường. Không “ngoa ngôn” mà phải ghi nhận, Phan Mai Hương cũng là một “pho" thư tịch về Mường, một cộng đồng dân tộc có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời nhất trong 54 dân tộc anh em Việt Nam.

Tác phẩm của Phan Mai Hương đều được đặt trong không gian văn hóa Mường đặc sắc. Bên cạnh đó, những đề tài về cuộc sống, sinh hoạt của giáo chức với tất cả cung bậc, kể cả tiêu cực ngoài xã hội “tấn công” giảng đường, cũng được “mổ xẻ” với những lát cắt mỏng, nhưng đầy đặn thông điệp ngoài văn bản. Tôi nghĩ, Phan Mai Hương đã chọn được lối đi riêng, đầy cá tính cho ngòi bút của mình.

Ngoài những truyện ngắn đầy chất thế sự, là nhà văn nữ nên Phan Mai Hương hẳn nhiên viết về tình yêu. Truyện ngắn về đề tài tình yêu của Phan Mai Hương gây nhiều thổn thức, về sự bình đẳng giới, về nữ quyền trong đời sống hiện đại.

“Cầu thang không có chín bậc” còn cho thấy trách nhiệm xã hội của một nhà văn. Trong tập sách có chùm truyện: “Rừng gửi món nợ”, “Rừng ma”, “Con ngựa buộc vào gốc cây mận”, tôi cho rằng đây là những truyện ngắn thuộc dòng văn học sinh thái. Thông điệp của các truyện ngắn này rất rõ ràng, con người không thể hủy hoại rừng, hủy hoại môi trường sống của chính mình; con người phải biết lắng nghe tiếng kêu cứu khẩn thiết của rừng.

Dẫu là hậu chiến hay đương đại, hiện thực hay hiện thực huyền ảo, bút pháp hư cấu hay phi hư cấu thì đều được đặt trong hai không gian “chủ đạo” đó. Chính nó, góp phần tạo nên sự khác biệt trong văn chương của Phan Mai Hương. Với quán chiếu này, “Cầu thang không có chín bậc” là tập truyện ngắn đáng đọc, xác quyết sự phát triển cả về năng lượng cảm xúc lẫn bút pháp riêng của chị.

Phan Mai Hương ngoài đời người cá tính. Văn của chị, vì thế là “cá tính Phan Mai Hương”, từng câu gãy gọn, có phần “đanh đá”, “đời thực” nhưng không kém phần hấp dụ. Đọc truyện ngắn của chị, ngỡ như đang được chị kể chuyện, chân thành, hóm hỉnh. Đọc Phan Mai Hương, nhận ra văn chương luôn đi ra từ chính cuộc đời và trở lại lại đẹp cho cuộc sống.

Hà Nội, ngày 1/5/2024

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/phan-mai-huong-khi-cau-thang-khong-co-chin-bac-i731481/