“Phần mềm” hoàn hảo

Bị liệt toàn thân, chỉ còn cử động được hai ngón tay song Nguyễn Quốc Toàn đã vượt lên nỗi bất hạnh, tự học và trở thành giám đốc công ty

11 tháng tuổi, cơn sốt ác tính đã khiến Nguyễn Quốc Toàn (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) bị liệt toàn thân, mất 100% sức lao động. Từ đó, cậu bé không thể đi đứng, cầm nắm vật gì; mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc vào người khác. Hằng ngày, bố mẹ đi làm, các anh đi học, còn Toàn “nửa nằm, nửa ngồi” bên ô cửa sổ nhìn cuộc sống bên ngoài với những ước mơ cháy bỏng của tuổi thơ. Học vi tính với 2 ngón tay 6 tuổi, nhìn các bạn háo hức đến trường, Toàn khát khao được đi học như các bạn. Thấy vậy, ông Nguyễn Như Pháp, bố Toàn, đã mua bảng chữ cái và dạy chữ cho con. Hằng đêm, ông kiên trì dạy con đọc từng chữ bằng tấm lòng yêu thương vô hạn của một người cha. Đọc được chữ nhưng Toàn lại không thể cầm bút để viết vì ngón tay quá yếu. Thậm chí, nếu không có dây chằng, Toàn không thể ngồi vững trên xe lăn. Nhưng không vì thế mà cậu bé buông xuôi. Toàn bắt đầu tìm đến sách như một cách khám phá thế giới. Đọc rất nhiều sách về triết học, lịch sử, văn học... trong nước và thế giới do bạn bè và người thân mang về, Toàn cảm thấy cuộc sống đầy thú vị và tha thiết ước mong được hòa nhập vào cuộc sống ấy. Toàn kể, năm 1998, người anh trai của Toàn đi xuất khẩu lao động, biết em ham học đã gửi về một chiếc máy tính xách tay. Cùng với sự giúp đỡ của mọi người và sự kiên trì sẵn có, Toàn làm quen với máy vi tính qua một bàn tay gõ phím và dùng cằm để nhấn “Enter”. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trò chuyện với Nguyễn Quốc Toàn tại hội nghị biểu dương người tàn tật Từ đây, chiếc máy vi tính trở thành người bạn thân thiết dù không ít lần, Toàn phải cắn răng chịu đựng những cơn đau khi phải cử động các ngón tay vốn không lành lặn của mình. Với 2 ngón tay còn cử động được, Toàn đã mày mò tự học và sử dụng thành thạo máy vi tính, đọc hiểu tiếng Anh. Lúc đầu anh chỉ sử dụng máy tính cho nhu cầu học tập và làm việc thông thường, nhưng về sau, máy tính thường xuyên gặp sự cố, anh mày mò tìm cách khắc phục, dần dần trở thành “chuyên gia” sửa chữa máy tính. Tài năng, nghị lực phi thường Từ một cậu bé tật nguyền, sau mấy năm, Toàn đã trở thành người giỏi tin học nhất xã nghèo miền trung du. Năm 2002, Toàn nài nỉ bố mẹ “đầu tư” cho mình một “trung tâm tin học”. Trước sự kiên trì và niềm đam mê mãnh liệt của con, cuối cùng cha mẹ anh cũng chấp thuận. Toàn cùng một người bạn về Hà Nội mua máy vi tính, kết nối internet và trở thành người đầu tiên đưa internet về làng. Căn nhà của Toàn trở thành trung tâm tin học lớn nhất vùng với 16 máy vi tính dùng làm nơi trao đổi thông tin và dạy tin học miễn phí cho các bạn trẻ. Hình ảnh Toàn lọt thỏm trên xe lăn cùng thợ kỹ thuật đến sửa chữa máy tính cho khách tại nhà lúc đầu là chuyện lạ, gây sửng sốt cho không ít người nhưng chẳng bao lâu sau đã trở nên quen thuộc với người dân thị xã Phú Thọ. Năm 2004, Toàn được dự hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ nhất. Anh tâm sự: “Từ hội nghị này, tôi càng nung nấu ước muốn làm được nhiều việc hơn để khẳng định giá trị bản thân”. Năm 2005, Toàn về Hà Nội học nghề ở một số công ty chuyên sửa chữa và cài đặt máy tính. Hai năm sau, anh thành lập Công ty TNHH Thương mại NQT với quyết tâm bước ra thương trường. Trên chiếc xe lăn do bạn bè đẩy đi, Toàn rong ruổi khắp xã để lắp đặt máy, cài đặt chương trình và tư vấn cho khách hàng. Nhiều hợp đồng lắp đặt máy, bảo trì mạng... đã được ký kết với các doanh nghiệp, công ty lớn ở Phú Thọ. 31 tuổi, không một ngày đến trường, chỉ với hai ngón tay cử động được và một nghị lực sống phi thường, Nguyễn Quốc Toàn đã làm tất cả để vượt lên sự nghiệt ngã của số phận và chiến thắng. Anh ví von: “Thân xác tôi là phần cứng, tâm hồn tôi là phần mềm. Tôi phải sống và sẽ sống có ích để chứng tỏ “phần mềm” của tôi hoàn hảo”. Là người chiến thắng Nguyễn Quốc Toàn là một trong số gần 300 đại biểu tham dự hội nghị biểu dương người tàn tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu do Bộ LĐ-TB-XH và Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi VN tổ chức ngày 12-4 tại Hà Nội. Đánh giá cao những nỗ lực của người tàn tật, trẻ mồ côi trong việc hòa nhập với xã hội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng những người tàn tật và trẻ mồ côi VN đã thể hiện được khí phách VN, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng là người chiến thắng. Tuy nhiên, thời gian qua, người khuyết tật và trẻ mồ côi còn gặp nhiều khó khăn. Các tổ chức, cá nhân cần tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần để người khuyết tật, trẻ em mồ côi hòa nhập hơn nữa với cộng đồng.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20100417113247371p0c1051/phan-mem-hoan-hao.htm