Phận người muối, máu

- Phù Vân có lẽ là làng chài "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam với những phận người phải bán muối, máu - những thứ chẳng liên quan gì đến sông nước. Đơn giản vì nghề chài lưới không thể đem lại cho họ cuộc sống ở mức thấp nhất như mong đợi.

Thu ba tay lưới không được con cá nào

Ven cạnh đường quốc lộ 1A bên dòng sông Đáy là cầu Phù Vân nối liền TP Phủ Lý với huyện Kim Bảng, Hà Nam. Nép dưới chân cầu là nơi neo đậu của một làng chài. Trước đây, xóm chài chỉ có khoảng chục thuyền. Nay đã lên tới hàng trăm thuyền lớn nhỏ. Làng chài đông đúc lên một phần do sự sinh sôi tự nhiên - dựng vợ gả chồng, một phần do nhiều gia đình trên đất liền thiếu đất để lo cho con cái nên buộc họ phải "xuống thuyền". Gần 300 nhân khẩu là bấy nhiêu nỗi niềm, éo le riêng tư. Nhưng họ đều gặp nhau ở một điểm: Nghèo khó và thất học!

Làng chài đối mặt với cái đói khi sông Đáy ô nhiễm.

Người làng chài làm đủ nghề gắn với sông nước: Buôn muối, bán than, kiếm củi trôi sông... Tuy vậy, nguồn sống chủ yếu vẫn là nghề đánh cá, cào hến. Cái nghề cha truyền con nối, buộc số phận mình vào dòng nước. Nhưng một điều ít ai biết rằng, mấy chục năm nay họ sống được là nhờ nghề bán máu.

Từ mờ sáng, những chiếc thuyền "lá tu" (thuyền nhỏ 1 - 2 người ngồi - PV) đã khỏa nước đi tìm cá. Họ phải chèo đi xa tới hàng chục cây số mới mong kiếm được chút ít. "Bây giờ khó lắm anh ơi. Có khi thu ba tay lưới không được con nào", một em gái chừng 12 tuổi ghé thuyền lên chợ Phù Vân bán cá nói với tôi.

Tưởng tôi mua cá, em kéo mảnh nilon đậy rổ cá chìa ra: Khoảng hơn chục con cá rô, vài con cá mán nhỏ, mấy con tôm. Em nói đó là toàn bộ cá đánh được trong cả đêm qua. Nếu giá hời cũng chỉ 10 ngàn mà ế chợ thì chưa biết chừng. Công lặn lội cả đêm chỉ được có vậy. Nhìn tấm áo nhăn nhúm không rõ mầu, mái tóc lõa xõa ướt sương sớm, bàn tay nhợt nhạt vì lạnh tôi chợt nghĩ có lẽ em chưa một lần được tới trường.

Ông Trần Anh Tuấn
(chi cục trưởng Phát triển Nông thôn, Sở NN&PTNT Hà Nam)

Một đặc trưng của làng chài đó là tỷ lệ trẻ em chiếm tới hơn 50% nhân khẩu. Với cuộc sống chồng chất âu lo, dằn vặt như ở đây thì những từ "kế hoạch hóa gia đình" chỉ là lời nói suông. Trung bình một cặp vợ chồng có từ 4 - 5 con nên cuộc sống đã khó ngày càng trở nên bế tắc.

Nhìn mái chợ Phù Vân lèo tèo người mua bán, người lạ đến cũng cảm nhận được sự hiu hắt, nghèo nàn của một vùng quê dù đó là xã ven đô. Cái mùi ngai ngái, ẩm mốc của rác chợ ngày đầu đông càng trùm lên cái chợ ấy một không khí buồn.

10 năm tuổi đời - 4 năm tuổi nghề

Tuổi dựng vợ gả chồng ở làng chài Phù Vân đối với trai là 18 và gái là 16. Gia đình nào may mắn, khéo chắt chiu thì có được chiếc thuyền nhỏ cho con làm vốn ra ở riêng. Còn nếu không thì tất cả cùng chung sống trên một chiếc thuyền. Ba thế hệ cùng ăn ngủ trong một khoang thuyền là chuyện không có gì ngạc nhiên ở đây.

Nhìn những đám cưới ở làng chài này, người ta không biết nên vui hay buồn. Khi có đám cưới, làng chài chụm thuyền lại. Tiếng nhạc, tiếng chúc tụng, cười nói râm ran cả khúc sông. Niềm vui quá ngắn ngủi bởi nàng dâu và chàng rể còn quá trẻ. Không biết đọc, biết viết. Những kiến thức sơ đẳng của người làm cha làm mẹ cũng nào biết.

Và với cái nghề kéo hến nơi khúc sông cạn này thì tương lai đứa con đã liền kề người cha chúng. Chúng sẽ là người kế nghiệp. Nghiệp kéo hến! Hiếm nơi đâu tuổi lao động lại đến sớm như ở làng chài này. 10 năm tuổi đời - 4 năm tuổi nghề. Những mảnh thuyền nhỏ len lỏi khắp vùng sông nước. Đứa lớn cầm chèo, đứa nhỏ ngồi ở mũi vừa buông lưới vừa gõ mái chèo đuổi cá.

Cái nghèo dẫm đạp lên chữ nghĩa

Nhìn vẻ mê mải với công việc của những đứa trẻ nơi đây, tôi hiểu chúng đã buộc phải quên đi mái trường, quên đi niềm vui với bạn với thầy cô. Cũng có em học tới lớp 4 - 5 thì lại dang dở. Lời giải thích của cha mẹ chúng là "do chúng chán học chứ gia đình có ép buộc gì đâu".

Chợ Phù Vân hiu hắt người mua bán.

Với cảnh sống lênh đênh sông nước, bữa đói bữa no, xa cách bạn bè thì làm sao chúng có thể vững bước tới trường. Một khoảng cách quá xa giữa người dưới nước và người trên bờ đã hình thành và hằn in trong đầu lũ trẻ. Ở làng chài, ai cũng biết câu chuyện cảm động về hai em Duyên, Thấu học giỏi, chăm ngoan, mà đành nghỉ học vì không có tiền mua sách vở, đóng học phí. Cái nghèo đã dẫm đạp lên chữ nghĩa.

Rồi lớn lên chút nữa, Duyên, Thấu được bố mẹ đưa lên bờ vào viện bán máu. Họ thật thà, ai muốn bán máu đâu, nghèo nên phải bán thôi. Bán máu phải có quy trình, thời gian nhưng họ làm liều tặc lưỡi rằng: "Cứ bán thoải mái, bán xong rồi về ăn uống vài bữa cho lại người rồi lại đi bán tiếp".

Kiếm ăn dưới sông, lên bờ bán máu

Tôi gặp anh Thực, tuổi chưa đầy 50 đã lên chức... ông nhiều năm. Anh nói giọng đầy suy tư: "Không ai ở làng chài thích sống cảnh này. Nhưng ai có tiền mà lên được được bờ. Nghề nghiệp lại càng không có nên cha mẹ bán máu thì con cái cũng phải tham gia. Nghề bán muối giờ cũng khó rồi, người ta ít mua muối biển nên hàng đem về chỉ ế mà thôi".

"Ai cũng biết dân làng chài khổ. Chúng tôi cũng đã định hướng cho họ lên bờ nhưng họ lên rồi lại xuống. Việc đưa họ lên bờ vừa dễ vừa khó, cái đó thuộc chức năng của Chi cục định canh định cư, các anh lên đấy mà hỏi".

Bà Nguyễn Thị Thùy Ngân
(phó chủ tịch UBND xã Phù Vân)

Chưa hết, dòng sông Đáy mấy năm nay lâm vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Cá chết nổi trắng sông bốc mùi hôi thối. Nước sinh hoạt trăm thứ uế tạp mà người làng chài cũng phải chấp nhận sử dụng ăn uống sinh hoạt.

Ngồi dưới thuyền anh Thực, tôi bật ho bởi khói bếp, mặc dù đã cố kìm. Khoang thuyền nhỏ chưa đầy 9m2 nhưng diễn ra đủ mọi sinh hoạt. Nuôi lợn, nấu bếp, chỗ ngủ, nơi để chài lưới... Đặt bếp ra ngoài thì gió tạt hết lửa không đun được, để trong khoang thì cả nhà cùng... hít khói.

Tỉnh Hà Nam từ khi tái lập tỉnh, cùng với việc san lấp hàng loạt hồ ao, mở rộng quỹ đất ở, xây trụ sở mới lẽ nào không có đủ đất dành cho dân làng chài? Việc đầu tư ồ ạt vào các công ty bia - nước giải khát, xi măng... có phải là hướng đầu tư đúng đắn? Nhìn dây chuyền sản xuất hiện đại giá bạc tỷ, hoạt động thoi thóp ai không thấy đau lòng. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa có lẽ không bắt đầu từ việc nhập ồ ạt các máy móc đắt tiền mà phải bắt đầu từ những trang thơ, phép toán của trẻ nhỏ. Đó là tri thức.

Trần Hòa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1988/201111/Phan-nguoi-muoi-mau-1817866/