Phan Quang - Cuộc đời tràn đầy năng lượng với nghề

Tôi có cơ may gắn bó với Phan Quang suốt mấy chục năm liền (từ 1990 cho tới tận bây giờ - 2017). Gắn với ông, đi, tới cùng ông chăm lo “Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam” ở các tỉnh, thành của đất nước...

Tôi có cơ may gắn bó với Phan Quang suốt mấy chục năm liền (từ 1990 cho tới tận bây giờ - 2017). Gắn với ông, đi, tới cùng ông chăm lo “Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam” ở các tỉnh, thành của đất nước...Ông thường nhắc nhở: Báo chí phải đổi mới mới mong đáp ứng quyền tiếp nhận thông tin của công chúng! Tôi quý trọng, thấy ông như một tấm gương trong.

Phan Quang là nhà văn-nhà báo tài năng, làm giỏi và sáng tạo thực hiện công việc trong cương vị và trọng trách của mình. Hơn 70 năm cầm bút, gói lại, ông cho in và phát hành tới 40 đầu sách thuộc nhiều thể loại. Một số đầu sách tái bản nhiều lần, như bút kí Đồng bằng sông Cửu Long in lần thứ 5, Một mình giữa đại dương in lần thứ 5... Dịch và giới thiệu 12 đầu sách, trong đó tập truyện Ả Rập Nghìn lẻ một đêm in tới 37 lần; tập tùy bút của nhà thơ Nga Olga Bergholtz Những ngôi sao ban ngày in lần thứ 5; tập truyện Ba Tư Nghìn lẻ một ngày in lần thứ 12... Tài năng và đức hạnh của Phan Quang luôn được Đảng, Nhà nước, xã hội và đồng nghiệp trọng dụng, giao gánh nhiều việc lớn: Ủy viên Bộ Biên tập báo Nhân Dân; Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương; Thứ trưởng Bộ Thông tin; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (3 khóa liên tiếp); Bí thư Đảng - Đoàn, Tổng thư ký-Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (khóa V & VI); Phó Chủ tịch Liên đoàn Tổ chức các nhà báo Quốc tế (OIJ); tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Hữu nghị Việt Nam; Tổng Giám đốc kiêm Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam (1988 - 1999)... Nay ở tuổi 90, chính thức nghỉ hưu đã 15 năm nhưng xã hội và đồng nghiệp vẫn thấy Phan Quang luôn đúng nghĩa với danh xưng nhà văn-nhà báo: vẫn viết báo, viết văn; vẫn đều đều tham gia nhiều sự kiện chính trị-văn hóa, báo chí của đất nước...

Cuộc chuyện tình cờ của nhà báo Phan Quang với khách du lịch Pháp tại Bảo tàng Lịch sử Điện Biên Phủ.

Tài năng Phan Quang với Hội Nhà báo Việt Nam thì lớp lớp hội viên nối tiếp nhau nói về ông, kể về ông, tri ân công lao của ông với niềm hãnh diện. Bởi ông đã cùng với Thường trực Ban Thư ký (khóa V) định ra và triển khai cấp Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam (nay là Kỷ niệm chương) cho các nhà báo có đóng góp lớn vào sự nghiệp báo chí. Chính ông chứ không ai khác cùng lãnh đạo Hội triển khai mở Hội báo Xuân ngày một hoành tráng theo ý kiến của Tổng Bí thư Đỗ Mười. Đề xướng Giải Báo chí Toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam, mở màn từ 21/6/1991 liên tục cho tới nay là Giải Báo chí Quốc gia, góp sức nhân rộng tài năng, khích lệ đam mê nghề nghiệp báo giới. Thôi thúc Thường trực Hội cùng các Ban chuyên môn soạn thảo “Quy ước đạo đức Báo chí Việt Nam” trình Ban Chấp hành để Đại hội thông qua (nay là “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”). Ông cũng là người chăm lo cho tương lai nên sớm đề xướng, thúc bách: Khởi động Bảo tàng Báo chí; tổ chức, biên tập Lịch sử Hội Nhà báo Việt Nam...

Duyên kỳ ngộ giữa vị lương y với thảo dược cai thuốc lá

Giải pháp nào cho bệnh phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới ?

Ngày xa ấy, điều kiện về cán bộ, tài chính của Hội đều hết sức eo hẹp. Tài năng của Chủ tịch Hội, phong thái đĩnh đạc dồn hết tâm sức cho công việc (dù kiêm nhiệm) nhưng sát sao, cụ thể, chia sẻ, tạo cảm hứng cho thuộc cấp, nói đi đôi với làm nên ông như ngọn đèn thần dẫn dắt chúng tôi chỉ một hướng vươn lên. Công bằng để nói thì nhiệm kỳ Quốc hội bàn thảo và thông qua Luật Báo chí năm 1998 thì ông là người góp công, góp sức sát thực nhất. Bởi khi ấy, ông là đại biểu Quốc hội. Bởi tài năng và cũng bởi khi ấy ông có cương vị trong tổ chức Đảng, Nhà nước, chủ trì việc sơ thảo Dự luật Báo chí trước khi trình Quốc hội, có tiếng nói trách nhiệm tại chính trường... Thời điểm ông làm Chủ tịch Hội (1989 - 1999) góp sức thực sự cùng cơ quan chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam tăng sức, tăng lực để báo giới cả nước phấn đấu “Vì sự nghiệp đổi mới và hiện đại hóa đất nước” như mục tiêu Đại hội V & VI của Hội định ra. Bên cạnh sự trưởng thành, lớn mạnh và hoàn thiện tổ chức Hội Nhà báo các cấp, cơ quan Trung ương Hội cũng được củng cố từ nhiệm vụ, chức năng đến đội ngũ tham mưu giúp việc và cơ sở vật chất kỹ thuật. Dù còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng đã là thời hoàng kim nếu nhìn về phía sau và tạo đà quan trọng cho chặng đường tương lai, rạng ngời phía trước...

Đồng nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam viết về ông trong tuyển tập Kí ức người và nghề rằng: Với Phan Quang - Viết là tồn tại, nhưng lại dành tới nhiều ngàn từ để nói về tài năng đích thực của ông trong công việc quản lý, phát huy sức mạnh tiếng nói quốc gia. Rằng mùa hè năm 1988, nghĩa là sau 40 năm gắn bó với báo viết, giờ theo quyết định của Trung ương, Phan Quang giữ chức Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam thay nhà báo Trần Lâm nghỉ hưu. Bản tính khiêm tốn và ý chí vươn tới, ông xin Ban Bí thư cho thôi chức Thứ trưởng để tập trung vào việc mới. Ông thổ lộ: Báo chí theo loại hình nào cũng chỉ một chức năng: phục vụ con người! Quan niệm ấy thôi thúc ông thực hiện “hai nghe”. Nghe thính giả và nghe cán bộ công nhân viên nhà Đài. Kết cục, rút ra: Bạn nghe đài đã chỉ lối! “Hai nghe” giúp nhận ra: Đài Quốc gia chỉ có hai hệ đối nội và đối ngoại. Thính giả ít được lựa chọn... Lập tức các Ban chức năng được thành lập hướng tới đích đổi mới, sáng tạo, vì người nghe. Và việc tách hệ được thực hiện, kéo theo việc đổi mới toàn hệ thống, đổi mới nội dung, phát triển đa hệ chương trình. Quý III năm 1994, Đài Tiếng nói Việt Nam phát 2 hệ chương trình Đối nội song song hàng ngày từ 4h55 đến 23h. Hệ 1 - Thời sự Chính trị Kinh tế. Hệ 2 - Văn hóa Xã hội Khoa giáo cùng Ban Bạn nghe Đài, bên cạnh Ban Văn học Nghệ thuật. Ban Biên tập Đối ngoại riêng hệ... tạo bước chuyển lớn về chất để phát triển hiện đại. Hàm lượng thông tin tăng nhanh, diễn đàn, giao lưu, tư vấn mở rộng. Người nghe lựa chọn tùy thích... Thời ấy đánh dấu mốc đổi mới toàn diện của Đài Tiếng nói Việt Nam - Thời của Tổng Giám đốc Phan Quang đa tài! Ấy là lời đồng nghiệp nhà Đài bộc bạch với tôi!

Đời ngả chiều. Phan Quang tự bạch: Ta viết, tức là ta tồn tại! Vậy là Phan Quang vẫn tràn đầy năng lượng, bút lực của ông vẫn rất sung mãn. Không tuần nào, tháng nào vắng bài viết của ông trên báo và tạp chí... Nhớ lần tôi cùng ông lên Tây Bắc, tới nhà Bảo tàng Lịch sử Điện Biên Phủ, tình cờ gặp mấy cựu binh da trắng có, da màu có thuộc quân đội viễn chinh Pháp thuở xưa; nhà báo Phan Quang và mấy viên cựu binh xấp xỉ tuổi nhau xoắn xuýt chuyện cũ, chuyện mới bằng ngôn ngữ Pháp; khi chia tay, đôi mắt viên cựu binh đỏ hoe!... Có lần, họp cơ quan Hội bàn công việc thường ngày, nhưng anh em có người thẳng tính phát biểu có khí gay gắt. Chủ trì hội nghị, Phan Quang khuyên nên cân nhắc lời lẽ, ông cha chúng ta từng dạy: Dao đâm có lúc lành thương tích/ Lời nói đâm nhau hận suốt đời. Ấy là tài ứng xử; trí tuệ uyên bác và phong cách bình dị thu phục lòng người của Phan Quang!...

Những ngày cùng ông, đi dọc miền Trung tới Hội Nhà báo các tỉnh; ghé thăm quê nhà bên bờ sông Thạch Hãn, tôi mới hiểu ông sinh ra trên vùng đất khó, đất anh hùng, đất của những chiến công. Nơi đây, bố mẹ sinh ra ông, Đảng kết nạp ông vào đội ngũ cách mạng. Phan Quang rủ tôi tới thăm trường tiểu học của xã, trường xây mới trên nền đất xưa ông từng học. Thầy cô giáo đều rất trẻ, vui vẻ đón ông thân thiết như ông nội, ông ngoại. Quà tặng trường là 5 - 7 hộp sách quý, phần nhiều do ông viết và dịch, trẻ rất ưa chuộng như: Nghìn lẻ một ngày Mười hai sử thi huyền thoại... Tâm đức ấy, tình cảm thế ấy của ông với quê cứ ở mãi trong tôi...Cũng dịp ấy, tôi thêm nhận ra Phan Quang là người có trí nhớ đặc biệt. Trên đường ghé thăm di tích Kinh thành Huế, ông kể vanh vách với tôi về 13 đời vua triều Nguyễn nối tiếp nhau tồn tại suốt 143 năm (1802 - 1945)...Về các vua bị phế đế, các vua bị thực dân Pháp đẩy ra khỏi nước; các vua yêu nước thương dân như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Ông lộ vẻ hãnh diện khi vua Hàm Nghi xuất bôn (5/7/1885), lập căn cứ chống thực dân Pháp ở vùng thượng lưu sông Gianh trong suốt 3 năm (10/1885-10/1888) đã lưu nghỉ ở quê ông bên bờ Thạch Hãn...

Với nghề báo, người viết phải tự tạo ra cảm hứng, kịp thời, đúng lúc; khát khao xã hội tốt đẹp. Hẳn vì thế nên “50 năm hoạt động báo chí qua nhiều giai đoạn, Phan Quang có mặt và là thành viên tích cực trong những bước chuyển biến quan trọng của phong trào. Điều này thật không dễ dàng với những người viết lâu năm. Và quan trọng hơn, ông đã kết hợp được giữa công tác quản lý và sức viết đều đặn, chín chắn và mới mẻ. Bởi thế, con số thành của một đời hoạt động qua tác phẩm và cho phong trào là phong phú, đáng trân trọng” (GS. Hà Minh Đức - nhà báo, nhà văn Phan Quang). “Trong thời gian làm việc ở báo Nhân Dân, Phan Quang là một trong mấy đồng chí đi nhiều nhất, viết nhiều nhất. Đi bằng xe đạp dưới sự gầm rú của máy bay và tiếng nổ của bom Mỹ... Anh viết nhiều thể loại: xã luận, bình luận, phóng sự, điều tra, bút kí. Phong cách làm việc và viết của anh rất nghiêm chỉnh, khoa học” (Hoàng Tùng - nguyên Bí thư Trung ương Đảng: Một phong cách làm việc). Đọc Phan Quang, tôi cảm nhận trong văn của ông có báo vì sát thực đời sống. Trong báo của ông luôn có văn bởi nghệ thuật chuyển tải rất nhân văn, rất uyên bác. Điều này rất đậm trong văn dịch của ông vì “Dịch văn học là một công việc sáng tạo ngôn ngữ, là sáng tác. Dịch chẳng qua là lấy hiện thực từ một tác phẩm đã có, diễn đạt lại bằng ngôn ngữ mẹ đẻ” (Thúy Toàn - Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch: Sáng tạo thì không thể trùng lặp). Bởi thế nên tôi mới cảm nhận Phan Quang rất dồi dào năng lượng với nghề, thôi thúc những nhà báo chúng ta luôn vì một xã hội tốt đẹp!

Bài, ảnh: Nguyễn Uyển

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/phan-quang-cuoc-doi-tran-day-nang-luong-voi-nghe-n133109.html