Phản ứng của thị trường trước chính sách tiền tệ

Năm 2010, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ có sức bật mạnh mẽ. Nhưng đến thời điểm hiện tại, kinh tế lại có nhiều dấu hiệu lặp lại năm 2009 khi Nhà nước tiếp tục chính sách tiền tệ thận trọng để kiểm soát lạm phát. Chính sách tiền tệ phải theo đuổi cùng lúc ba mục tiêu: ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, nhưng đến nay giữa các mục tiêu trên vẫn còn có những nhân tố hạn chế lẫn nhau dẫn đến những “khó đoán” về biến động của thị trường tiền tệ, ngoại hối cũng như lạm phát.

Nhạy cảm Diễn biến thị trường tính từ đầu năm 2010 cho thấy các thay đổi trong chính sách tiền tệ tác động rất mạnh đến xu hướng thị trường. Bắt đầu từ việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chính sách tiền tệ tập trung vào việc thiết lập một mặt bằng lãi suất mới, ổn định theo xu hướng giảm dần để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, NHNN kiểm soát chất lượng cũng như tốc độ tăng trưởng tín dụng gắn với tăng trưởng nguồn vốn; từng bước hạn chế những mất cân đối kỳ hạn vốn đã tồn tại từ lâu trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ được kiểm soát chặt chẽ gắn với tăng trưởng nguồn vốn ngoại để đảm bảo thanh khoản, góp phần đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu hàng hóa thiết yếu, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá. Mặt khác, để ổn định thị trường ngoại hối, tăng cung ngoại tệ cho các NHTM và hạn chế việc găm giữ ngoại tệ của các doanh nghiệp, NHNN đã sử dụng công cụ tiền tệ gián tiếp, khuyến khích các doanh nghiệp bán ngoại tệ cho ngân hàng (NH). Cụ thể, cơ quan này đã thực hiện hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, hạ lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp và nâng tỷ giá danh nghĩa lên thêm 3,36%. Cùng lúc, NHNN bán ngoại tệ ở mức hợp lý để hỗ trợ ngoại tệ cho doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất. Ngoài ra, cơ quan này cũng tiến hành đóng cửa sàn vàng, góp phần quan trọng ổn định tỷ giá cũng như ổn định thị trường ngoại hối... Những chính sách trên đem lại không ít thành tựu kinh tế cùng với các diễn biến tiền tệ đã dần đi vào ổn định (nguồn vốn trên thị trường cơ bản là thông suốt, thanh khoản của các NH được bảo đảm, tỷ giá tương đối ổn định, các NHTM đủ nguồn ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu mua ngoại tệ của doanh nghiệp) là những điều kiện thuận lợi cho việc thực thi chính sách tiền tệ những tháng cuối năm. Thậm chí, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc NH Thế giới tại Việt Nam, khẳng định, Việt Nam đã công bố những biện pháp kinh tế vĩ mô quan trọng mà tất cả đều đúng hướng xét về mặt bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, điều mà tất cả chúng ta đều cho là quan trọng để tiếp tục có được tăng trưởng. Thành công này được cộng đồng toàn cầu ghi nhận. Song theo một số chuyên gia, vấn đề chưa dừng lại ở đó. Bởi nhiều người cho rằng, những hệ lụy về chính sách sẽ bộc lộ rất rõ trong những tháng cuối năm, và nếu chính sách tiền tệ đưa ra không thận trọng, chủ động thì những thách thức ở phía trước là chuyện dễ hiểu. Nói như vậy bởi thời gian vừa qua, dù NHNN đã có nhiều biện pháp can thiệp nhưng nguồn vốn vẫn có dấu hiệu căng thẳng. Hiện nhiều NH buộc phải hạn chế cho vay vào cuối năm khi "room tín dụng" gần hết. Lãi suất trên thị trường liên NH vì thế đạt mức cao... Khó đoán Ngày 25/8, Thống đốc NHNN tiếp tục ký Quyết định số 2020/QĐ-NHNN thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 141/2006/NĐ-CP, trong đó đề cập khả năng nâng mức vốn pháp định của các NHTM lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2012 và 10.000 tỷ đồng trong năm 2015. Trước đó, NHNN ban hành Thông tư 13, những lần điều chỉnh này tỏ ra mạnh hơn so với lần điều chỉnh trước đó khiến thị trường có sự thay đổi lớn và tất cả dường như đều nhận được nhiều phản ứng từ phía người thực hiện. Ổn định lãi suất, Nhà nước hy vọng thu hút được USD Hay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 23/NQ-CP, trong đóChính phủ chỉ đạo NHNN phải thực hiện giảm mặt bằng lãi suất. Giải pháp chính sách này là phù hợp với thực tế, nhưng khó khăn duy nhất để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất nằm ở chính các NHTM, có liên quan đến vấn đề cạnh tranh thị phần, bảo tồn nguồn vốn và sự bất cập trong cấu trúc của khu vực NH hiện nay. Trong hệ thống NH, nhiều NHTM có vốn và thị phần thấp thường có những hành vi hạn chế cạnh tranh hay cạnh tranh không lành mạnh. Không chỉ vậy, ngay khi NHNN đưa ra những tín hiệu về "thắt chặt" như: hạ lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc từ 3,6%/năm xuống còn 1,2%/năm, đồng thời hạ hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 30% xuống 27%, nhiều nhà đầu tư lo ngại quá trình phục hồi của thị trường chứng khoán bị chấm dứt. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư đồn đoán NHNN sẽ phát hành tín phiếu bắt buộc và tỷ giá vẫn trong vòng luẩn quẩn. Theo ông Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hoàn toàn có lý do để lo ngại sự tác động của chính sách tiền tệ, NHNN luôn chú ý đến việc bảo vệ giá trị của tiền đồng Việt Nam và kiểm soát lạm phát. Ví dụ: vào tháng 6/2008, khi giá USD trên thị trường tự do đạt trên mức 19.000 đồng, cao hơn 2.000 đồng so với mức trần giá chính thức, NHNN đã thực hiện tăng lãi suất cơ bản từ 12%/năm lên 14%/năm. Tương tự, vào ngày 25/11/2009, sau khi giá USD trên thị trường tự do tiến gần mức 20.000 đồng và cũng cao hơn so với giá chính thức trên 2.000 đồng, NHNN đã nâng lãi suất cơ bản từ mức 7%/năm lên 8%/năm nhằm hạ nhiệt thị trường. Điều này cho thấy, nếu như tình hình lạm phát và tỷ giá tiếp tục căng thẳng trong năm 2010, khả năng tăng lãi suất cơ bản hoàn toàn có thể xảy ra. Mặt khác, những động thái gần đây cũng cho thấy, NHNN có vẻ nghiêng về chính sách ổn định tiền tệ. NHNN đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 25% trong năm 2010. Do đó, dựa trên mối tương quan giữa tín dụng và chứng khoán, VN-Index khó thể tăng trưởng mạnh trong năm tới. Bắt đuôi? Ngày 25/8, Thống đốc NHNN ký quyết định số 2024/QĐ-NHNN duy trì lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam ở mức 8%/năm. Đây là tháng thứ mười liên tiếp, lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam được NHNN công bố ổn định ở mức 8%/năm. Ổn định lãi suất, Nhà nước hy vọng thu hút được USD vì với lãi suất thấp, doanh nghiệp và tư nhân đổi USD ra tiền đồng có lãi suất cao hơn. Nếu giảm lãi suất tiền đồng, tác động sẽ ngược lại, và những khó khăn của khâu dự trữ ngoại tệ hẳn chồng chất thêm nữa. Biến động giá vàng thời gian gần đây là phản ứng của thị trường trước các thông tin về chính sách tiền tệ Tuy nhiên, NHNN phá giá tiền đồng (khoảng 2%) lần thứ hai kể từ đầu năm nay, dẫu chỉ “bắt đuôi” thị trường cung cầu tiền tệ, nhưng chắc hẳn sẽ gây thêm bất ổn tâm lý: cầu USD tăng, và để đổi, cung tiền đồng lớn hơn, tạo thêm lạm phát trong nền kinh tế. Về lý thuyết, những nhóm ngành có giá trị vốn hóa lớn và dẫn dắt thị trường như NH hay bất động sản đều nhạy cảm với chính sách tiền tệ. Ngành NH đương nhiên chịu ảnh hưởng theo chính sách tiền tệ, vì nó tác động trực tiếp đến môi trường kinh doanh của ngành. Trong khi đó, ngành bất động sản bị tác động mạnh do cơ cấu nợ vay của ngành này khá lớn. Theo thống kê của một công ty nghiên cứu thị trường, ngành bất động sản có đòn bẩy tài chính chiếm tỷ trọng 53,3% trong tổng tài sản. Trong đó, nợ vay có lãi chiếm 55% tổng nợ. Bên cạnh đó, phần lớn người mua trên thị trường cũng sử dụng đến đòn bẩy tài chính do bất động sản có giá trị lớn so với thu nhập của người dân Việt Nam. Do đó, một sự thắt chặt tín dụng tác động đồng thời lên cả người mua và người bán trên thị trường bất động sản. Theo TS. Lê Thẩm Dương, Đại học Ngân hàng TP.HCM, điều cần quan tâm nữa là việc sử dụng nợ vay của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ dựa vào một nguồn tài trợ là NH, nên chỉ cần những động thái hạn chế cho vay của hệ thống NH thì ngay lập tức tác động đến nguồn vốn hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Ở những thị trường phát triển, doanh nghiệp chủ yếu tài trợ nợ thông qua việc phát hành trái phiếu trên thị trường hơn là dựa dẫm vào nguồn vốn vay NH. Chính đặc trưng này mà những thay đổi trong chính sách tiền tệ tác động trực tiếp lên hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế và trong thị trường chứng khoán. TS. Nguyễn Thu Hiền, Đại học Bách khoa TP.HCM: Chính sách tỷ giá bước đầu của lộ trình đúng đắn - NHNN đang đúng trong một số chính sách về tỷ giá vì trước triển vọng phục hồi kinh tế trong năm 2010 cần phản ứng nhanh với áp lực trên thị trường ngoại hối và nguy cơ lạm phát ngày một gia tăng. Tuy nhiên, tôi nghĩ biện pháp đó mới chỉ là bước đầu theo lộ trình đúng. Không phủ nhận rằng hiện tại việc cung cấp USD bị kiểm soát chặt chẽ đã gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Cung cầu không được đáp ứng và doanh nghiệp phải đối mặt với sự hao phí đáng kể trong việc thu mua USD để thực hiện các hợp đồng giao dịch bằng USD. Vấn đề ngày càng trầm trọng khi các cơ quan tài chính miễn cưỡng bán USD tại các hệ thống mua bán ngoại tệ của Chính phủ, nơi mọi người tin là có tỷ lệ ngoại tệ giá thấp. Để trung hòa sự chênh lệch tỷ lệ giữa giá USD niêm yết và chợ đen, Chính phủ chấp nhận chính sách cân bằng cung và cầu của đồng USD để giám sát giao dịch đồng USD được dễ dàng hơn. Tôi ủng hộ Chính phủ thay đổi vấn đề cơ bản gây sức ép đối với tiền tệ và cân bằng trong việc chi trả, và một lần nữa chứng minh cho năng lực quản lý chính sách tài chính và tiền tệ hợp lý. Ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên giảng dạy Kinh tế Fulbright: Một số vấn đề cần xem xét thêm từ Thông tư 13 - Về cơ bản, Thông tư 13 và những quy định khác về đảm bảo an toàn trong hoạt động NH có nhiều tiến bộ, nhưng một số vấn đề như những quy định về định nghĩa vốn huy động tại Điều 18, hay tiến độ thực hiện là những vấn đề có thể cần được xem xét để đảm bảo văn bản luật này đi vào cuộc sống và có tác dụng tích cực đến sự phát triển của hệ thống tài chính NH Việt Nam. Việc định nghĩa nguồn vốn huy động không rõ ràng sẽ gây ra những tác dụng ngược làm cho hệ thống kế toán và công bố thông tin kém minh bạch hơn. Việc phản ứng một cách công khai của các tổ chức tài chính cho thấy một bước tiến đáng kể trong các tương tác giữa quản lý giám sát và điều tiết hoạt động của NH với các đối tượng chịu sự điều chỉnh. Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa : Sức ép lên doanh nghiệp - Chính sách tiền tệ, trong đó có tín dụng, quản lý ngoại tệ, vàng hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, khiến các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngoài quốc doanh gặp rất nhiều khó khăn. Tôi quan ngại về việc điều hành kinh tế vĩ mô liên quan đến các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, vàng hiện không có sự điều tiết thống nhất dẫn đến mỗi sự biến động của thị trường thế giới đều tác động đến hành vi đầu cơ, do vậy đầu vào của doanh nghiệp sản xuất không thể kiểm soát và hiệu quả xuất khẩu có thể bằng không hoặc âm. Với đồng Việt Nam liên tục mất giá so với USD, giá cả nhu yếu phẩm tiếp tục tăng, các mặt hàng chiến lược như xăng dầu luôn được điều chỉnh theo thị trường thế giới và tỷ giá ngoại tệ, sức ép lên doanh nghiệp và người lao động ngày càng gia tăng. Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân, Đại học Libre de Bruxelles: Ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng - Gần 70% lợi nhuận của NH đến từ hoạt động tín dụng. Vì thế, một sự thay đổi nhỏ trong chính sách cũng làm thay đổi nguồn lợi nhuận này. Thực tế đã kiểm chứng việc siết lại tăng trưởng tín dụng (khiến sáu tháng đầu năm mức tăng trưởng của các NH thấp hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái), việc can thiệp vào lãi suất đầu vào, đầu ra cũng như sắp tới, khi tác động của Thông tư 13 về yêu cầu tăng tỷ lệ an toàn vốn CAR từ 8 - 9% của Nhà nước được thực thi trong dài hạn thì nhiều NH đang chưa đạt được chỉ tiêu lợi nhuận hiện thời, và trong tương lai, mức sinh lời của khu vực NH cũng có thể sẽ giảm.

Nguồn Vinacorp: http://vinacorp.vn/news/phan-ung-cua-thi-truong-truoc-chinh-sach-tien-te/ct-410824