Pháp “đau đầu” cắt giảm điện hạt nhân

Cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima khiến nhiều nước phải suy nghĩ lại về việc sử dụng năng lượng hạt nhân. Đức có kế hoạch từ bỏ hoàn toàn, còn Pháp muốn cắt giảm mạnh sản lượng điện hạt nhân - xuống 1/3 trong vòng 20 năm; nhưng đây là một vấn đề vô cùng khó khăn với một nước đang phụ thuộc đến 75% vào điện hạt nhân.

Nếu kế hoạch của Pháp được thực hiện đầy đủ, nước này sẽ phải đóng cửa 20 trong số 58 lò phản ứng - Giáo sư Laurence Tubiana, nguyên cố vấn chính phủ - nói. Đây là một nhiệm vụ lớn, nhưng bà Tubiana mô tả là một "diễn tiến hợp lý". Pháp nhận ra rằng Nhật Bản vẫn sống sót khi tất cả các nhà máy điện hạt nhân bị đóng cửa nhờ nguồn năng lượng đa dạng của mình. Ở Nhật Bản, trước thảm họa Fukushima, điện hạt nhân chiếm khoảng 30% tổng sản lượng điện. Với Pháp, tình hình không đơn giản như vậy, bởi nước này phụ thuộc lớn vào điện hạt nhân, hơn thế lại trông chờ vào sự phát điện duy nhất từ các nhà máy năng lượng hạt nhân. Theo bà Tubiana, điều này dễ dẫn đến "độ rủi ro chung", chẳng hạn chỉ cần một lò phản ứng có vấn đề là toàn bộ hệ thống sẽ gặp sự cố. Bà cho rằng trong thời kỳ chuyển tiếp đóng cửa 20 lò phản ứng, Pháp có thể thay thế bằng nguồn năng lượng tái tạo, giúp nước này vừa có khả năng độc lập về điện, vừa ổn định và an toàn.

Tuy nhiên, cho đến nay, Chính phủ Pháp mới xác định đóng cửa 1 nhà máy điện hạt nhân già cỗi ở Fessenheim - gần biên giới với Đức. Điều này làm dấy lên những nghi ngờ về việc thực hiện lời cam kết của Tổng thống Francois Hollande. Bản thân trong nội các cũng có sự miễn cưỡng. Bộ trưởng Công nghiệp Arnaud Montebourg cho biết, Fessenheim sẽ là nhà máy điện hạt nhân duy nhất đóng cửa. Trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 12 năm ngoái, ông khẳng định điện hạt nhân là "lĩnh vực của tương lai" và sẽ tiếp tục cung cấp ít nhất 50% sản lượng điện của toàn nước Pháp. Một nghị sĩ Đảng Xã hội của Tổng thống Hollande - ông Christian Bataille - nói rằng điện hạt nhân là "nguồn năng lượng duy nhất" của Pháp. "Chúng ta không còn than đá, xăng dầu và khí đốt. Điện hạt nhân là thứ duy nhất chúng ta có".

Điện hạt nhân của Pháp là "dự án tối thượng" từ những năm 1970 và được thiết kế để biến Pháp trở thành nước độc lập về năng lượng. Các lò phản ứng của nước này thải ra carbon mức độ thấp với mức giá được xếp vào loại rẻ nhất Châu Âu trong vòng nhiều năm, khiến nền công nghiệp Pháp có tính cạnh tranh lớn. Người dân Pháp cũng có những quan điểm trái chiều về điện hạt nhân. Một số nói rằng họ cần điện hạt nhân và coi đây là sự sống còn. Một số khác sợ sẽ xảy ra sự cố tương tự như Fukushima và lo ngại về sự an toàn cũng như chất thải hạt nhân. Những người này ủng hộ năng lượng tái tạo, nhưng cũng phải thừa nhận rằng cần có thời gian dài để chuyển đổi.

Trong khi đó, chi phí về điện hạt nhân cũng đang có sự thay đổi. Việc nâng cấp độ an toàn cho các nhà máy sẽ ngốn khoảng 10 tỉ euro, chi phí bảo trì dự kiến tăng mạnh bởi hầu hết các nhà máy đều cũ kỹ. Đến cuối năm 2012, hơn 1/3 số lò phản ứng của Pháp đã hoạt động được 40 năm hoặc lâu hơn. Đó chính là một lý do khiến thời kỳ hoàng kim của điện giá rẻ ở Pháp đã kết thúc - Giáo sư Patrice Geoffron của Đại học Dauphine, Paris nói.

Tất cả những chi phí trên khiến giá điện buộc phải tăng lên 30% vào năm 2020.

Nhà phân tích năng lượng độc lập Mycle Schneider nói rằng, trong môi trường này, những nguồn năng lượng tái tạo đắt nhất có thể trở nên cạnh tranh hơn so với điện hạt nhân trong vòng 5 năm tới. Trong khi đó, bà Cecile Maisonneuve - nguyên thành viên quản trị Nhà máy điện hạt nhân Areva - mô tả kế hoạch chuyển đổi của chính phủ là “quá nhanh và không đáng tin cậy trong thời điểm hiện tại”. Bà nói rằng Pháp sẽ trở lại với gas, thậm chí than với hậu quả gia tăng lượng khí thải CO2.

Giáo sư Tubiana cho rằng, vì quá chú trọng vào điện hạt nhân mà Pháp đã trượt dài về phía sau đối với những công nghệ đối thủ như điện gió hay điện mặt trời và giờ đây, Pháp cần tiến hành các biện pháp để bắt kịp nhanh chóng. Nếu không tạo dựng được một thị trường năng lượng tái tạo, Pháp sẽ không bao giờ có thể cạnh tranh được trong lĩnh vực này, trong khi ngành công nghiệp hạt nhân có thể vẫn hùng mạnh, thậm chí đến tận năm 2050. Nếu 50% sản lượng điện xuất phát từ điện hạt nhân, đó vẫn là một con số khổng lồ. Tuy nhiên, ngay cả khi kế hoạch chuyển đổi năng lượng của Tổng thống Hollande giậm chân tại chỗ, ít nhất điều đó cũng chứng tỏ Pháp sẽ không mở rộng điện hạt nhân trong tương lai.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/phap-dau-dau-cat-giam-dien-hat-nhan-174620.bld