Pháp luật quy định chức năng khởi kiện của tổ chức Công đoàn như thế nào?

Tại văn bản 105/TANDTC-PC&QLKH của Tòa án nhân dân tối cao về việc thi hành Luật Bảo hiểm xã hội (hiệu lực thi hành ngày 1.1.2016), Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động. Đối với những vụ án đã thụ lý trước ngày 1.1.2016 mà chưa giải quyết thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn người khởi kiện thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Như vậy, trách nhiệm khởi kiện đòi quyền lợi BHXH cho NLĐ được giao lại cho tổ chức CĐ. Điều này được quy định trong pháp luật như thế nào? Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ (Văn phòng luật sư Luật Tín Nghĩa, Đoàn Luật sư TPHCM), những quy định của pháp luật quy định về quyền khởi kiện đòi quyền lợi BHXH cho NLĐ được quy định cụ thể như sau:

Căn cứ Bộ luật Lao động 2012:

Điều 201. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Căn cứ Luật Công đoàn năm 2012:

Mục 1: Quyền, trách nhiệm của CĐ

Điều 10. Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

8. Đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động ủy quyền.

Căn cứ Luật BHXH năm 2014:

Điều 14. Quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận

1. Tổ chức công đoàn có các quyền sau đây:

a) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội;

d) Khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn.

Căn cứ Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ 1.7.2016):

Điều 187. Quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước.

2. Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/phap-luat-quy-dinh-chuc-nang-khoi-kien-cua-to-chuc-cong-doan-nhu-the-nao-591012.bld