Pháp thay đổi quan điểm về Tổng thống Assad - nước cờ cao

Tổng thống Macron có nước cờ cao khi đảm bảo cho Pháp không chịu bất kỳ sự bất lợi nào trong quan hệ với các bên liên quan đến ván cờ Syria...

Trước việc Tổng thống Emmanuel Macron thay đổi quan điểm, không xem việc ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad là điều kiện tiên quyết trong tiến trình tìm kiếm giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột tại Syria, khi tiếp Tổng thống Donald Trump đang ở thăm Pháp, Politico ngày 13/7 đã bình luận:

“Ông Macron đã cho thấy một cái nhìn rất thực tế về các mục tiêu quân sự và chính trị của Pháp ở Syria, chấp nhận cả khả năng Tổng thống Assad sẽ nắm quyền lẫn việc phối kết hợp với Nga để đạt được bất kỳ kết quả khả quan nào”.

Theo tờ Tạp chí Mỹ, cách tiếp cận của nhà lãnh đạo Pháp không mâu thuẫn với lập trường của chính quyền Tổng thống Trump trong ván cờ Syria, bởi ông Macron đã tuyên bố “sẵn sàng hành động đơn phương để đáp trả bất kỳ việc sử dụng vũ khí hóa học nào của chế độ Assad”.

Thay đổi quan điểm với Assad là nước cờ cao của Macron

Thay đổi quan điểm với Assad là nước cờ cao của Macron

Giới phân tích cho rằng, tân tổng thồng Pháp đã đánh dấu một sự khác biệt rõ ràng với người tiền nhiệm và đó được xem là một nước cờ cao của Macron khi đảm bảo cho Pháp không chịu bất kỳ sự bất lợi nào trong quan hệ với các bên liên quan đến ván cờ Syria.

Paris thể hiện sự nhất quán khi luôn xem Moscow đóng vai trò quyết định với ván cờ Syria

Tổng thống Macron thế hiện quan điểm không xem Tổng thống Assad là quân cờ bắt buộc phải loại bỏ trong tiến trình chính trị cho Syria, thực ra chỉ là nhắc lại, khẳng định lại quan điểm trước đó của ông với nhà lãnh đạo Mỹ.

Hẳn dư luận còn nhớ, ngày 21/6 trong cuộc trả lời phỏng vấn 8 hãng truyền thông tại châu Âu, tân Tổng thống Pháp đã cho rằng tại Syria hiện nay không có nhân vật nào có thể thay thế vai trò của Tổng thống Assad.

"Quan điểm của tôi về Syria là không xem sự ra đi của Tổng thống al-Assad là điều kiện tiên quyết cho mọi vấn đề, bởi không ai có thể là người kế nhiệm hợp pháp ông ấy trong thời điểm hiện nay”.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Điện Elysees còn khẳng định: “Lập trường của tôi cũng rất rõ ràng. Trước hết, cần một cuộc chiến toàn diện để chống lại các nhóm khủng bố. Chúng ta cần sự hợp tác của tất cả các lực lượng, đặc biệt là Nga”.

Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 27/5, sau kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G-7 tại Taormina, Sicily, Italia, Tổng thống Macron đã lên tiếng thừa nhận “rất nhiều vấn đề quốc tế không thể được giải quyết nếu thiếu Nga và tôi đang tìm kiếm những cuộc đối thoại với Moscow”.

Nhà lãnh đạo trẻ tuổi của nước Pháp đã hiện thực hóa lời nói của mình bằng việc tiếp đón Tổng thống Putin vào ngày 29/5 - vị quốc khách đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông - khi nhà lãnh đạo Nga có chuyến thăm tới đất nước hình lục lăng.

Người đứng đầu Điện Elysees cho biết ông đặt niềm tin vào Tổng thống Putin, khi cho rằng có thể làm việc với người đồng cấp Nga trong cuộc chiến chống khủng bố và tìm ra một giải pháp thích hợp cho vấn đề Syria.

Macron luôn nhất quán về vai trò của Moscow tại Syria

"Tôi không nghĩ ông ấy có một mối quan hệ tình bạn không thể lay chuyển với Assad. Ông ấy có hai nỗi ám ảnh, một là chống chủ nghĩa khủng bố và hai là tránh để Syria biến thành một quốc gia thất bại. Đây là quan điểm tương đồng với chúng tôi”.

Nay khi tiếp Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo Pháp nhắc lại quan điểm của Paris về Tổng thống Assad, dường như muốn chính thức khẳng định với người đồng cấp Mỹ về vai trò của Nga tại Syria và lập trường của Paris trong việc hợp tác với Moscow về vấn đề Syria.

Lập trường của Paris không mâu thuẫn với hành động của Washington trong cuộc chiến Syria

Tuyên bố của Tổng thống Macron về tương lai của Tổng thống Assad được đưa ra trong bối cảnh có những diễn biến quan trọng liên quan tới vai trò và vị thế của Mỹ cũng như những nước cờ của Washington đã, đang và sẽ thực hiện tại Syria.

Thứ nhất, Liên Hợp Quốc kiện toàn bộ máy và hoàn thiện cơ chế hoạt động của Ủy ban Hội thẩm Quốc tế qua việc bổ nhiệm Thẩm phán người Pháp Catherine Marchi-Uhel làm Trưởng ủy ban này vào ngày 3/7 vừa qua.

Động thái đó sẽ giúp công tố viên các quốc gia đang điều tra về tội ác tại Syria dễ dàng hơn trong phân tích và củng cố bằng chứng cho việc truy tố hình sự đối với tội phạm ở Syria. Như vậy, kịch bản lật đổ Tổng thống Assad bằng tiến trình luật pháp hóa chính trị đã được mở đường bằng những cơ chế quốc tế

Việc LHQ hoàn thiện cơ chế cho Ủy ban Hội thẩm Quốc tế hoạt động được nhận diện là định chế này đã nhìn nhận có hành vi phạm tội các chiến tranh và tội ác chống lại loài người tại Syria, nên tương lai sẽ có những "vòng kim cô" bao quanh Assad.

Do vậy Washington không cần phải quá quan tâm tới số phận của nhà lãnh đạo Syria và vì thế ngay cả khi Paris thay đổi quan điểm về tương lai của Tổng thống Assad thì cũng sẽ không làm khác được, nếu tiến trình luận tội ông Assad diễn ra.

Quan điểm của Paris không mâu thẫn với Washington

Thứ hai, sau cuộc gặp lần đầu tiên giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hamburg, giữa Washington và Moscow đã có những động thái tích cực xoay quanh cuộc chiến tại Syria.

Đặc biệt là thỏa thuận ngừng bắn tại nam Syria do Nga - Mỹ bảo trợ đã giúp cho Syria lần đầu tiên im tiếng súng, qua đó làm thay đổi rất lớn vai trò và vị thế của Washington trong ván cờ Syria - Washington đã trở thành đồng đạo diễn với Moscow.

Washington và Moscow được cho là sẽ tiếp tục có những phối kết hợp với nhau để có thề giúp cho khu vực ngừng bắn được mở rộng hơn trên lãnh thổ Syria, cùng với đó là những động thái tích cực như giám sát ngừng bắn hay điều chỉnh chiến thuật để giảm xung đột...

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/phap-thay-doi-quan-diem-ve-tong-thong-assad--nuoc-co-cao-3339213/