Lúa chín đầy đồng không bán được, nông dân ĐBSCL 'méo mặt'

Sau Tết, mùa thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2018 - 2019 ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào cao điểm. Thế nhưng, lúa chín đầy đồng mà nông dân không bán được, giá lúa lại sụt giảm từng ngày.

 Thu hoạch lúa ở Long An.

Thu hoạch lúa ở Long An.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An – ông Nguyễn Kinh Kha – cho biết, vụ Đông Xuân 2018-2019, toàn huyện xuống giống 20.598ha.

Trong đó, chỉ khoảng 190ha gieo sạ đợt 1 đã thu hoạch xong, gần 3.000ha gieo sạ đợt 2 chuẩn bị thu hoạch và 17.500ha gieo sạ đợt 3 đang trong giai đoạn làm đòng. Hiện giá lúa đã giảm từ 500 - 800 đồng/kg, nông dân chỉ có lãi từ 7-10 triệu đồng/ha, chưa bằng một nửa so với năm rồi.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An – ông Nguyễn Chí Thiện – cho biết, hiện nay, nông dân gặp nhiều khó khăn vì giá lúa giảm trong vụ Đông Xuân 2018 - 2019.

Trước tình hình trên, ngành đang phối hợp các sở, ngành liên quan, cùng với địa phương, doanh nghiệp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong đó tăng cường thông tin thị trường xuất khẩu gạo để doanh nghiệp nắm bắt và tìm kiếm thị trường tiêu thụ lúa Đông Xuân, hạn chế giảm giá khi thu hoạch rộ. Năm nay, toàn tỉnh Long An gieo sạ 231.005 ha lúa Đông Xuân, bằng 98,8% so với năm rồi; đã thu hoạch 32.973ha, năng suất khô ước đạt 51,4 tạ/ha.

Lúa chín tới, chưa có người mua. Ảnh minh họa.

Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở Công thương Long An – chia sẻ: Năm nay lượng lúa Đông Xuân sản xuất không cao hơn năm rồi, nhưng thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, lúa tồn nhiều nên giá xuống thấp. Tỉnh Long An đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ nông dân bằng cách phát triển thị trường và mua gạo tạm trữ.

Về lâu dài, theo ông Đức, nông dân không nên sản xuất đại trà vụ 3, mà cần chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Lượng lúa gạo tăng cao, dư thừa, theo quy luật cung cầu, giá bán khó mà tốt được, nông dân luôn chịu thiệt.

Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang – ông Ngô Thanh Vân - cho biết, lúa Đông Xuân làm ra không bán được hoặc bán với giá thấp vì nhiều lý do. Một trong những lý do có tính chất quyết định là các thị trường lớn tiêu thụ gạo của Việt Nam là Trung Quốc và Philippines chưa được khơi thông khi bước vào năm mới.

Các công ty xuất khẩu gạo của Việt Nam chưa có nhiều hợp đồng xuất khẩu. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đang bị “siết lại” nguồn vay tín dụng mua gạo dự trữ, chỉ khi có hợp đồng xuất khẩu mới được giải ngân để thu mua. Nhiều doanh nghiệp còn lượng hàng tồn lúa gạo từ vụ Thu – Đông, nên họ không thể mua tiếp gạo tạm trữ.

Theo ông Vân, tình hình có thể sẽ được cải thiện trong thời gian tới khi 2 thị trường Trung Quốc và Philippines được khơi thông.

Kỳ Quan

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/lua-chin-day-dong-khong-ban-duoc-nong-dan-dbscl-meo-mat-658330.ldo