Phát hành chứng chỉ tiền gửi: tại sao chọn thời điểm này?

Việc các ngân hàng đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi (Certificate of Deposits- CDs) các kỳ hạn dài trong thời điểm hiện tại có nguyên nhân trực tiếp từ quy định tại Thông tư 06. Ngoài ra, nhu cầu tăng vốn nhằm hướng đến chuẩn Basel II cũng ngày được các ngân hàng chú trọng.

.Ngân hàng Việt Á là một trong số các ngân hàng có phát hành chứng chỉ tiền gửi đợt này với lãi suất cao nhất lên đến 8,2%/năm.

Lãi suất cao “ngất ngưởng”

Kể từ đầu tháng 3 đến nay, cuộc đua phát hành chứng chỉ tiền gửi (CDs) trở nên khá sôi động tại một số ngân hàng. Hơn thế nữa, cuộc đua này còn thu hút sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư do có mức lãi suất rất cao, vượt xa so với biểu lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay.

Mở đầu là Sacombank. Ngày 15/3/2017, ngân hàng này thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng tiền đồng (VND) trên toàn hệ thống dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức với lãi suất đầu tư rất hấp dẫn: 8,48%/năm cho kỳ hạn 5 năm 1 ngày và 8,88%/năm cho kỳ hạn 7 năm. Với mức lãi suất cao đột biến, chỉ sau gần 3 ngày triển khai (từ ngày 15/3 đến ngày 17/3/2017), Sacombank đã hoàn tất kế hoạch phát hành.

Trong khi đó, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) phát hành chứng chỉ tiền gửi trung hạn (18 tháng, 24, tháng, 36 tháng và 60 tháng) chỉ yêu cầu khách hàng mua chứng chỉ với mệnh giá từ 1 triệu đồng và bội số của 100.000 đồng. Khách muốn mua bao nhiêu cũng được, lãi suất thì lên đến 8,8%/năm.

Ngân hàng Việt Á thậm chí còn chào bán loại chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn khá ngắn (từ 6 tháng đến 18 tháng) nhưng vẫn được được hưởng mức lãi suất rất hấp dẫn, cao nhất lên đến 8,2%/năm.

Vì sao chứng chỉ tiền gửi hấp dẫn?

Trước hết cần lý giải vì sao các ngân hàng chọn phát hành chứng chỉ tiền gửi thay vì điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động hiện có?

Nguyên nhân dễ thấy nhất là CDs có những ưu điểm mà tiền gửi tiết kiệm thông thường không có được. Đó là không cho phép người mua rút tiền trước hạn (gửi tiết kiệm thông thường vẫn có thể tất toán trước hạn nhưng chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn).

Đặc điểm này của CDs giúp các ngân hàng chủ động được nguồn vốn, tránh hiện tượng xáo trộn giữa chừng, nhất là khi các ngân hàng đã có những cam kết cho vay các dự án vốn lớn, đòi hỏi nguồn vốn phải được giải ngân liền mạch.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng được chủ động trong các đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi. Riêng ở đặc điểm này thì CDs tối ưu hơn so với việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu bởi khi phát hành trái phiếu, các ngân hàng buộc phải lập hồ sơ phát hành và có sự chấp thuận của cả NHNN và Ủy ban Chứng khoán. Bên cạnh đó, nhà đầu tư khi mua trái phiếu sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân trong khi đầu tư vào CDs thì sẽ không phải nộp thuế. Do đó, so với kênh trái phiếu thì huy động vốn thông qua phát hành CDs rõ ràng là nhanh gọn, đơn giản và thu hút nhà đầu tư hơn.

Về phía người mua, chứng chỉ tiền gửi hấp dẫn nhất ở góc độ lãi suất, kế đến là mức độ tiếp cận khá dễ dàng (nhà đầu tư cá nhân có thể thoải mái mua, không giới hạn trong phạm vi nhà đầu tư tổ chức). Tuy vậy, điểm bất lợi là người mua khi có nhu cầu rút vốn thì buộc phải chờ đến thời điểm đáo hạn. Do đó, người mua phải thực sự chắc chắn về nguồn vốn nhàn rỗi của mình. Nếu chứng chỉ tiền gửi chưa đến hạn thanh toán mà người mua có nhu cầu về vốn thì có thể thế chấp CDs tại ngân hàng phát hành, tuy nhiên mức lãi suất cho vay sẽ không hề dễ chịu.

Như tại ngân hàng Việt Á, mức lãi suất cho vay sẽ bằng lãi suất của CDs cộng với biên độ 2,5%, tức lên đến 10,7%/năm. Còn LienVietPost Bank thì thậm chí áp mức lãi suất cao hơn, bằng 1,5 lần lãi suất của chứng chỉ tiền gửi, tức lên tới 13,2%/năm.

Một đặc điểm khác nữa của CDs so với gửi tiết kiệm thông thường là có thể chuyển nhượng cho người khác. Trong trường hợp này, các ngân hàng sẽ đóng vai trò trung gian xác nhận chuyển quyền sở hữu. Tuy nhiên theo nhiều ngân hàng thì thị trường gần như không có người mua. Có chăng giao dịch chỉ xảy ra khi người sở hữu chứng chỉ tiền gửi cần tiền nhưng không muốn dùng làm tài sản thế chấp để vay lại vì ngại thủ tục rườm rà, đồng thời người có tiền nhàn rỗi cần mua nhưng ngân hàng đã dừng phát hành chứng chỉ tiền gửi.

Vì sao chọn thời điểm này?

Việc các ngân hàng đẩy mạnh phát hành CDs các kỳ hạn dài tại thời điểm này có nguyên nhân trực tiếp từ quy định tại Thông tư 06. Theo đó, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 60% xuống còn 50% kể từ năm 2017 và xuống 40% vào năm 2018.

Theo thống kê, tỷ lệ về nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của toàn hệ thống đã tăng từ mức 31% lên gần 35% trong năm 2016, trong đó trung bình của nhóm ngân hàng TMCP là 40%. Dù tỷ lệ này vẫn chưa lên mức 50% nhưng chỉ cần tín dụng tăng tốc, tỷ lệ này sẽ nhanh chóng tăng lên. Khi đó, những ngân hàng nào không có sự chuẩn bị chu đáo về nguồn vốn huy động trung và dài hạn sẽ rất dễ bị “hụt hơi” trong mục tiêu phát triển tín dụng. Do đó, phát hành chứng chỉ tiền gửi hiện được coi là cách nhanh và hiệu quả nhất để tăng tỷ lệ vốn trung và dài hạn trong tổng nguồn vốn huy động.

Thêm một lý do nữa chính là nhiều ngân hàng đang hướng đến mục tiêu tuân thủ Basel II. Theo đó, bên cạnh những rủi ro tín dụng thì các ngân hàng phải song hành với kiểm soát rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Nếu chiếu theo khung chuẩn mới, chắc chắn hệ số CAR của các ngân hàng Việt Nam sẽ thấp hơn mức hiện tại khá nhiều. Để đạt được tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mới, không cách gì khác là các ngân hàng phải tăng vốn (CDs được tính vào vốn cấp II của ngân hàng).

Còn về tác động của hiện tượng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao liệu có khiến cho mặt bằng lãi suất tăng lên trên diện rộng hay không?

Điều này phụ thuộc vào số lượng các ngân hàng tham gia làn sóng này. Hiện mới chỉ ghi nhận dưới 5 ngân hàng có phát hành chứng chỉ tiền gửi, còn lại chưa thấy sự nhập cuộc của các NHTM thuộc tốp đầu. Nhóm các ngân hàng này cũng chưa thấy điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Ước tính phần chênh giữa tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 và tăng trưởng tín dụng tại thời điểm 20/2/2017 là khoảng 65.000 tỉ đồng. Số vốn dư thừa này chủ yếu nằm tại các NHTM có quy mô lớn nhất hệ thống nên nhóm này chưa chịu nhiều sức ép tăng lãi suất huy động.

Tuy nhiên, chính hiện tượng “lồi lõm” trong thanh khoản đã khiến các NHTM quy mô vừa và nhỏ phải tiên phong trong cuộc đua lãi suất. Với việc phát hành các CDs với lãi suất cao đột biến như thời gian vừa qua, chi phí vốn trung và dài hạn của các ngân hàng phát hành chắc chắn sẽ có sự nhích lên, qua đó có thể sẽ tác động đến mặt bằng lãi suất cho vay. Mặc dù vậy, mức độ tăng được đánh giá sẽ không lớn do số vốn huy động từ các đợt phát hành này nhiều khả năng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/158364/phat-hanh-chung-chi-tien-gui-tai-sao-chon-thoi-diem-nay.html/