Phát hành cổ phiếu Esop, nhân viên KiotViet không còn là 'người đi làm thuê'

Theo bà Vũ Nguyễn Thùy Vân, phụ trách marketing của KiotViet, tháng 1/2017, sau khi hoàn thành vòng gọi vốn Serie B, công ty sẽ phát hành cổ phiếu Esop (employee stock ownership plan – quyền sở hữu cổ phần cho nhân viên công ty) để nhân viên được trao 'quyền lực' thay vì tâm lý 'làm thuê' như trước.

Mỗi nhân viên là một người chủ của công ty

Bà Vân cho rằng, mặc dù cổ phiếu Esop là hình thức chia sẻ mà những người sáng lập KiotViet nghĩ tới ngay từ những ngày đầu thành lập, tuy nhiên điều kiện lúc đó chưa cho phép nên chưa thực hiện được. Khi các nhà đầu tư thuộc quỹ Seedcom đầu tư vào KiotViet, mang theo tinh thần chia sẻ từ Thế giới di động, các nhà đầu tư đã hướng dẫn và giúp đỡ KiotViet xây dựng được kế hoạch Esop của mình.

Trên cơ sở đó, tháng 1/2017, sau gọi vốn Serie B thành công, KiotViet đã quyết định triển khai Esop ngay trong năm nay. Khi triển khai Esop, KiotViet tạo ra được 2 giá trị lớn. Giá trị đầu tiên là giá trị Chia sẻ. Với mong muốn thực sự chia sẻ lợi ích và trách nhiệm gánh vác công ty với nhân viên, kế hoạch Esop của KiotViet được xây dựng và thực hiện nghiêm túc về định mức chia, nghĩa là kế hoạch đưa ra bao nhiêu sẽ chia hết bấy nhiêu, đồng thời cam kết tính thanh khoản cổ phiếu này theo từng giai đoạn.

Theo bà Vũ Nguyễn Thùy Vân, phụ trách marketing của KiotViet, khi phát hành cổ phiếu Esop, mỗi nhân viên sẽ được trao “quyền lực” để cùng nỗ lực phát triển công ty thay vì tâm lý “đi làm thuê” như trước.

Giá trị thứ 2 là giá trị Niềm tin, theo đó, cổ phiếu Esop thực sự có giá khi giá trị công ty tăng trưởng. Việc phát hành Esop nhận được sự đồng thuận của tất cả các nhà đầu tư và Hội đồng quản trị của công ty, bởi các cổ đông này tin tưởng vào khả năng tăng trưởng của KiotViet trong tương lai. Về phía nhân viên, khi tham gia Esop giúp củng cố thêm sự gắn bó và nâng cao chất lượng cũng như trách nhiệm công việc. Bởi khi này mỗi nhân viên đã là một người chủ của công ty, làm việc cho chính mình, không còn là "người làm thuê".

Theo bà Vân, khi không còn tâm lý “đi làm thuê” mỗi nhân viên chính là một chủ sở hữu của KiotViet, điều này sẽ thúc đẩy nỗ lực của từng cá nhân bởi khi này họ đang làm việc cho chính mình. Với kế hoạch tăng trưởng rõ ràng, nhân viên biết rõ họ được lợi ích bao nhiêu trong mỗi năm cống hiến. “Đây là bài toán rất công bằng cho cả phía công ty và nhân viên khi cùng nhìn chung một mục tiêu là nỗ lực cho sự tăng trưởng công ty của chính mình”, bà Vân cho biết thêm.

Trong năm 2017 , mục tiêu của KiotViet là nâng tổng số lượng cửa hàng sử dụng phần mềm lên con số 50.000.

Tỷ lệ thay đổi nhân sự thấp hơn 3 lần so với trung bình công ty công nghệ

Xuất phát từ một công ty có gần 10 năm làm gia công phần mềm cho các đối tác tại Mỹ, Úc, Singapore… Chịu sự ảnh hưởng của văn hóa làm việc phương Tây, một trong những mục tiêu chiến lược của KiotViet đó chính là chính sách minh bạch. Mức lương thưởng của KiotViet hiện nay thực sự rất cạnh tranh, chính sách đãi ngộ tốt dựa trên hiệu quả công việc với các KPI rõ ràng, đặc biệt là các nhân sự thuộc mảng IT. Tỷ lệ thay đổi nhân sự tại KiotViet trong năm 2016 chỉ 7-8%, một tỷ lệ khá ngạc nhiên khi con số trung bình của các công ty công nghệ là khoảng 20-30%.

Tình đến tháng 10/2016, KiotViet đã đạt mục tiêu cung cấp phần mềm cho 20.000 cửa hàng bán lẻ, hiện đã "phủ sóng" 63/63 tỉnh thành, trong đó có cả các huyện đảo (như Phú Quốc, Kiên Giang) và các tỉnh miền núi. Với nguồn lực hiện tại, mục tiêu của KiotViet là duy trì mức tăng trưởng khoảng 200% trong 3 năm tiếp theo (2017 - 2019). Riêng năm 2017 của KiotViet là nâng tổng số lượng cửa hàng sử dụng phần mềm lên con số 50.000. Đến hết năm 2019 sẽ cán mốc 200.000 cửa hàng sử dụng phần mềm KiotViet và tiếp tục trở thành phần mềm quản lý bán hàng phổ biến nhất.

NK

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/phat-hanh-co-phieu-esop-nhan-vien-kiotviet-khong-con-la-nguoi-di-lam-thue-149221.ict