Phát hành 'Giấy chứng nhận tiền gửi' có đúng pháp luật?

Để huy động vốn, nhằm bù đắp tài chính, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Simco Sông Đà (Công ty Simco) đã ra Nghị quyết để phát hành 'Giấy chứng nhận tiền gửi' có trả lãi cho người gửi tiền vào công ty với số tiền lên tới 6 tỷ đồng.

Trụ sở Công ty Simco. Ảnh: TH

Từ phản ánh của các tu nghiệp sinh tại Nhật Bản theo đơn vị phái cử là Công ty Simco về việc phát hành “Giấy chứng nhận tiền gửi”, chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Thiện Mỹ, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty Simco.

"Giấy chứng nhận tiền gửi" do Công ty Simco phát hành. Ảnh TH

Trao đổi với phóng viên, ông Mỹ cho biết: Đây đúng là những “Giấy chứng nhận tiền gửi” do chúng tôi phát hành. Thời điểm năm 2011, khi đó Công ty Simco là công ty cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Để huy động vốn, HĐQT đã họp và thống nhất ban hành Quyết định số 63/SIMCO-HĐQT, ngày 26/7/2011 về việc phê duyệt phương án nhận tiền gửi của thân nhân gia đình tu nghiệp sinh Nhật Bản để bù đắp tài chính tạm thời. Chúng tôi đã phát hành nhiều tờ giấy chứng nhận tiền gửi, đến nay đã cơ bản thanh toán hết, chỉ còn khoảng trên 20 cái.

Khi được hỏi về tính pháp lý của những tờ giấy chứng nhận này, ông Mỹ nói: Đây chỉ như là tờ phiếu thu, chứng nhận việc Công ty Simco có nhận tiền của thân nhân, gia đình tu nghiệp sinh. Trong đó, Công ty đã ghi rõ thời hạn gửi tiền và lãi suất tiền gửi. Đồng thời chúng tôi đã sử dụng số tiền gửi đó đúng mục đích.

Thế nhưng, nội dung của Quyết định số 63/SIMCO-HĐQT không hề nói đến mục đích sử dụng số tiền đó vào mục đích gì, hay đúng như tinh thần ghi trong đó là “nhận tiền gửi” để “bù đắp tài chính” cho Công ty Simco.

Trong khi đó, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung, thì chỉ có ngân hàng thương mại, công ty tài chính có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước mới được huy động vốn và cho vay, nhận ủy thác đầu tư và cho vay.

Tại Khoản 2 Điều 8 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.(Khoản 12 Điều 3 của luật này quy định: Hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây: a) Nhận tiền gửi; b) Cấp tín dụng; c) Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.)

Ở một diễn biến khác, theo tìm hiểu của phóng viên, thực chất số tiền gửi này của thân nhân, gia đình tu nghiệp sinh Nhật Bản là dùng để bảo lãnh cho con em họ đi lao động tại Nhật Bản theo đơn hàng của Công ty Simco. Trong khi, tiền bảo lãnh là một hình thức khác của tiền ký quỹ do người lao động khi đi lao động ở nước ngoài phải nộp, theo quy định của pháp luật thì số tiền này phải được gửi tại ngân hàng.

Phải chăng với việc thực hiện ký các hợp đồng nhận tiền gửi này, Công ty Simco đã “lách” để không phải gửi số tiền đó vào ngân hàng như quy định, và có tiền để “bù đắp tài chính” cho công ty?

Công ty Simco có tư cách pháp nhân để nhận tiền gửi có trả lãi như pháp luật đã quy định? Có được phép phát hành “Giấy chứng nhận tiền gửi”? và những tờ giấy chứng nhận này có hợp pháp? Câu hỏi này xin dành cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Trung Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/phat-hanh-giay-chung-nhan-tien-gui-co-dung-phap-luat_t114c39n124616