Phát hiện bộ Linga-Yoni văn hóa Chămpa tại núi Thiên Bút (Quảng Ngãi)

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ tháp núi Thiên Bút, TP Quảng Ngãi. Tại đây, các chuyên gia khảo cổ đầu ngành Việt Nam công bố đã phát hiện bộ linh vật Linga-Yoni được xếp vào loại lớn nhất của văn hóa Chămpa tại khu vực núi Thiên Bút.

Bộ Linga-Yoni được các nhà khảo cổ phát hiện, khai quật tại núi Thiên Bút (Quảng Ngãi).

Bộ Linga-Yoni được các nhà khảo cổ phát hiện, khai quật tại núi Thiên Bút (Quảng Ngãi).

Dự cuộc họp có lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực khảo cổ, lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh…

Sau một tháng khai quật khẩn cấp tháp núi Thiên Bút, tại phường Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi, các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện hơn 100 hiện vật ở khu vực tháp này (bao gồm các loại chất liệu đất nung, gốm sứ có men đá). Trong đó, chất liệu đất nung chiếm số lượng lớn nhất, chủ yếu là các loại gạch đa dạng về kích thước, sử dụng trong xây dựng và trang trí tháp núi Thiên Bút. Đặc biệt, có một số hiện vật được đánh giá là quý, hiếm, ít xuất hiện như: Hai tượng Kinnari, hai đầu tượng Nam thần, không còn nguyên vẹn; một đầu tượng rắn Naga chất liệu đá; bộ Linga-Yoni được phát hiện ở đây có kích thước lớn nhất từ trước đến nay (Linga có đường kính 40cm, cao 43cm. Yoni dài 168cm, rộng 124,4cm, dày 25,5cm).

Theo nhận xét sơ bộ của các chuyên gia, tháp núi Thiên Bút có phần tương đồng, gần giống với tháp chính của Tháp Bà (Nha Trang), tháp chính của tháp Bánh Ít (Bình Định) và tháp chính nhóm G ở thánh địa Mỹ Sơn (Mỹ Sơn G1 - Quảng Nam). Các tháp trên đều có niên đại nửa cuối thế kỷ XI và đầu thế kỷ XII. Các mảnh đá trang trí góc tháp núi Thiên Bút vừa gần giống phong cách chuyển tiếp, vừa gần giống phong cách Bình Định. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng niên đại của tháp núi Thiên Bút có thể ở cuối phong cách chuyển tiếp, đầu phong cách Bình Định, nghĩa là khoảng cuối thế kỷ XI.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã đề nghị các chuyên gia khảo cổ cần làm rõ một số nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của tháp núi Thiên Bút, cũng như đánh giá về ý nghĩa, tầm quan trọng của kết quả khai quật đối với địa phương. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân làm hư hỏng các tòa tháp này, bởi đây là công trình được xây dựng chủ yếu bằng nguyên liệu đá ong và gạch, do vậy có thể tòa tháp bị sụp đổ do thiên nhiên tàn phá, hoặc cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các cuộc chiến sắc tộc,... Các chuyên gia khảo cổ đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cần sớm bảo tồn và phục hồi lại nguyên trạng một cách khoa học bình đồ móng tháp Chăm núi Thiên Bút; bảo vệ và phát huy di tích đã được phục hồi bằng một kiến trúc vừa có chức năng bảo vệ, vừa có hình thức thẩm mỹ tương xứng với giá trị và phù hợp với cảnh quan đặc biệt của núi Thiên Bút và có thể xây dựng tại đây một ngôi đền để đặt và bảo vệ Linga-Yoni tháp núi Thiên Bút, cùng một số hiện vật có giá trị mới phát hiện để nhân dân và du khách tới chiêm bái và thờ phụng; xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận tháp núi Thiên Bút là di tích khảo cổ, nghệ thuật kiến trúc Chăm cấp quốc gia,...

Phát biểu chỉ đạo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi Nguyễn Thanh Quang cho rằng: Việc khai quật khảo cổ tháp núi Thiên Bút là một sự kiện quan trọng đối với khảo cổ Quảng Ngãi. Nhiều hiện vật khai quật được tại đây được các chuyên gia khảo cổ đánh giá vừa quý, vừa hiếm, điều này cho thấy giá trị to lớn của di tích khảo cổ này. Qua cuộc họp, các chuyên gia cũng đã làm rõ một số vấn đề liên quan đến khảo cổ, tuy nhiên, đây mới chỉ là những đánh giá mang tính sơ bộ, ban đầu. Tỉnh mong rằng các chuyên gia tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu hơn để đánh giá kỹ hơn về giá trị, thông số của các hiện vật.

Phó Bí thư nhấn mạnh, thực tế có rất nhiều hình thức để bảo tồn và phát huy giá trị di tích này, tuy nhiên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã thống nhất phương án phục hồi nguyên trạng bình đồ móng tháp và bảo tồn tại chỗ; giao ngành văn hóa tìm hiểu, nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh các biện pháp, giải pháp bảo tồn để vừa bảo đảm phát huy được giá trị của các hiện vật, bảo vệ được di tích vừa phát huy được cảnh quan của núi Thiên Bút để làm địa điểm tham quan, du lịch. Dự án tôn tạo núi Thiên Bút đã được giao cho Công ty Thiên Tân thực hiện, do đó Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm phối hợp Công ty Thiên Tân trong việc triển khai các nhiệm vụ công tác bảo tồn, phát huy di tích này một cách có hiệu quả.

Hiện vật được trưng bày sau khi khai quật tại tháp núi Thiên Bút.

MINH TRÍ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/32797802-phat-hien-bo-linga-yoni-van-hoa-champa-tai-nui-thien-but-quang-ngai.html