Phát hiện một thần đồng “Thánh Gióng”

(CATP) Hơn hai tháng nay, dư luận tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang xôn xao về tin đồn cháu bé năm tuổi tự nhiên biết viết, biết đọc và vẽ kể từ sau ngày cháu bật miệng kêu được tiếng “ba”. Trung tuần tháng 10-2013, phóng viên Báo CATP đã đến xã Tam Bình để tìm hiểu.

Chúng tôi đến căn nhà lá nhỏ - nơi cư ngụ của anh Lê Văn Chửng (SN 1964, ấp Bình Thạnh) và đứa con trai năm tuổi Lê Phạm Hiếu Ân (sinh ngày 22-7-2008).

Cháu Ân vừa viết vừa đọc to các chữ số và nội dung bên trong giấy CMND

Nước da ngăm đen, nhỏ chỉ bằng một cháu lên ba, cháu Ân lại có một năng khiếu kỳ lạ. Trông thấy chúng tôi, cháu vui mừng chạy đến rồi thân thiện đưa tay sờ lên biển hiệu quân phục công an. Cháu lẳng lặng cầm cục phấn đi đến bên chiếc tủ thờ rồi vừa viết vừa đọc to từng con số giống hệt dãy số hiệu của tôi. Dãy số và chữ do cháu viết đường nét rất rõ ràng, chững chạc y như chữ người lớn. Tiếp theo, Trưởng công an xã Nguyễn Văn Hoàng đưa giấy chứng minh nhân dân của mình cho cháu cầm. Ân chăm chú đọc và viết đúng tất cả các nội dung số và chữ bên trong giấy chứng minh... Quan sát các cánh tủ thờ, cạnh bàn và các cánh cửa nhà, ở đâu cũng đều có các con số, chữ viết và hình biển báo giao thông do chính tay cháu Ân viết, vẽ, mặc dù cháu chỉ vừa mới biết nói cách đây hai tháng và cũng chưa hề được ai dạy viết, đọc chữ, số bao giờ.

Anh Chửng kể Ân là con thứ hai của vợ chồng anh. Khi đang mang thai, dù chưa tới 25 tuần tuổi, vợ anh đã vỡ ối, được đưa đến Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM và buộc phải mổ. Lúc ấy, ít ai tin có thể cứu được cháu bé còn quá non ngày tháng (thai nhi chỉ được 6 tháng 8 ngày tuổi). Ca mổ thành công, cháu Ân cân nặng khoảng 900 gram, như con cá lóc đồng. Dù chào đời sớm nhưng cháu Ân rất khỏe: da căng hồng chứ không tái nhợt hay nhăn nheo như những đứa bé sinh non khác. Nằm hấp điện chưa đầy tháng, cháu được xuất viện.

Niềm vui của anh Chửng sớm tắt khi con lên năm tuổi mà vẫn không biết nói. “Cháu chỉ dùng tay chân ra hiệu để bày tỏ, ám thị ý muốn và suy nghĩ của mình. Bất ngờ, từ sau Tết Nguyên đán 2013, cháu bỗng ọ ẹ rồi bật ra thành tiếng “ba”. Ban đầu, giọng nói của cháu không rõ ràng, rất khó nghe, dần dần trở nên trong trẻo và âm vang lớn hơn từ hơn 2 tháng qua” - anh Chửng cho biết thêm.

Do bất đồng, anh Chửng và vợ đã ly hôn, anh “gà trống nuôi con”. Dù phải xa mẹ nhưng Ân không buồn. Mỗi khi cha bận bịu đi làm, Ân được gửi cho các cô ruột chăm giữ. Ân không khóc la, nhõng nhẽo hay quậy phá, nghịch ngợm mà ngoan ngoãn tự lấy chai nước uống mỗi khi thấy khát. Em không thích chơi đồ vật và cũng không thích đi chơi lung tung quanh xóm như bọn trẻ ở gần nhà. Ân thích xem sách, xem tivi. Hễ thấy có chữ số hay chữ viết, chương trình nào lạ là em hỏi để cha giải thích cho bằng được. Những con số và chữ viết đã thuộc, em đều gạch chéo để làm dấu rồi khăng khăng giữ đúng nguyên tắc “không viết lại” vì không muốn làm “chuyện bình thường”.

Cháu Ân thường có thói quen nói rất nhanh khiến cha nghe không kịp. Những lúc như vậy, anh Chửng kêu con viết hoặc vẽ ra để hiểu, liền bị cháu cự nự và tỏ vẻ không hài lòng. Riêng những điều mà cháu được cha yêu cầu, thông thường cháu thường không làm ngay mà sau một lúc cháu mới làm.

Anh Lê Công Minh - chủ cửa hàng trái cây ở chợ Tam Bình - cho biết: “Hôm trước, tôi và nhiều bà con ở chợ đã kinh ngạc khi được tận mắt chứng kiến cháu Ân đọc ro ro những nội dung trong các tờ vé số...”.

Cầm tờ giấy bạc do chúng tôi trao tặng, cháu Ân nói được mệnh giá, đọc được cả dòng chữ “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. Thấy chúng tôi cầm tờ Báo Công an TPHCM trên tay, cháu liền khăng khăng đòi cho bằng được rồi đọc ngấu nghiến từng đề mục.

Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Tam Bình - nói: “UBND xã đã báo cáo sự việc trên lên huyện và tỉnh nhằm tìm phương hướng giúp đỡ cháu có điều kiện được chăm sóc, phát triển cơ thể, trí tuệ một cách toàn diện”.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=681&id=505996&mod=detnews&p=