Phạt nặng doanh nghiệp vi phạm quy định về dịch vụ viễn thông

Căn cứ theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ vừa mới ban hành, từ 1/7, doanh nghiệp viễn thông di động nào không kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hoặc của Bộ Công an, sẽ phải chịu mức phạt tiền lên tới 200 triệu đồng.

Cũng theo nghị định này, các doanh nghiệp viễn thông phải tuân thủ đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quy định, chỉ được cung cấp dịch vụ viễn thông di động cho thuê bao sau khi đã hoàn thành việc rà soát, kiểm tra, bảo đảm thông tin thuê bao của các cá nhân, tổ chức trong cơ sở dữ liệu tập trung của mình đã được đối chiếu, nhập, lưu giữ, quản lý đúng quy định.

Các doanh nghiệp viễn thông cũng phải hoàn tất việc xây dựng hệ thống kỹ thuật, cơ sở dữ liệu tập trung để nhập, lưu giữ, quản lý thông tin trong suốt thời gian sử dụng dịch vụ của thuê bao, bao gồm thông tin ngày bắt đầu sử dụng dịch vụ của thuê bao; trạng thái hoạt động của thuê bao: Đang hoạt động, tạm dừng dịch vụ một chiều (chỉ nhận được cuộc gọi đến) hoặc tạm dừng dịch vụ hai chiều (không thực hiện được cuộc gọi đi và không nhận được cuộc gọi đến); lượng số thuê bao mà cá nhân, tổ chức đang sử dụng; ngày chấm dứt sử dụng dịch vụ (đối với các thuê bao đã chấm dứt sử dụng dịch vụ hoặc đã chuyển quyền sử dụng).

Khách hàng trẻ ngày càng ưa chuộng các dịch vụ viễn thông (ảnh minh họa: Internet).

Đối với các thuê bao đã chấm dứt sử dụng dịch vụ hoặc đã chuyển quyền sử dụng dịch vụ cho cá nhân, tổ chức khác, phải tiếp tục lưu giữ thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tối thiểu 2 năm. Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp viễn thông phải tổ chức, thực hiện quy trình nội bộ, thường xuyên rà soát, kiểm tra, bảo đảm thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tập trung của mình tuân thủ đúng quy định.

Đại diện Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, doanh nghiệp viễn thông di động nào không thông báo hoặc không yêu cầu các thuê bao thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung khi phát hiện thông tin thuê bao không đúng quy định, sẽ bị phạt tiền từ 80-100 triệu đồng.

Được biết, trong những năm qua, thị trường viễn thông tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu từ Cục Viễn thông, Việt Nam có hơn 126 triệu thuê bao di động đang hoạt động, đứng đầu trên thế giới về mật độ thuê bao viễn thông trên 100 dân. Hầu hết các thuê bao di động hiện nay là thuê bao di động trả trước (chiếm hơn 95%), tuy nhiên đa số thuê bao di động trả trước đều có thông tin không chính xác.

Pháp luật hiện hành liên quan đến lãnh vực viễn thông khá đầy đủ, bao gồm: Luật Viễn thông, Nghị định 25/2011/NĐ-CP, Nghị định 174/2013/NĐ-CP, Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT về quản lý thuê bao trả trước. Tuy nhiên, kết quả triển khai chưa đạt được yêu cầu, các mức xử phạt còn quá nhẹ so với doanh thu thu được của các đối tượng làm ăn sai trái, gian lận, dẫn đến tình trạng sim thuê bao kích hoạt sẵn, thông tin thuê bao không đúng, sim rác xuất hiện nhiều trên thị trường.

Nay Chính phủ ban hành Nghị định 49/2017/NĐ-CP nhằm hạn chế việc bán sim tràn lan tại các đại lý, hộ kinh doanh. Nghị định này cũng quy định cụ thể trách nhiệm của nhà mạng trong việc kinh doanh và điều hành dịch vụ viễn thông, đồng thời đưa ra mức phạt thích đáng đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Anh Trinh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/phat-nang-doanh-nghiep-vi-pham-quy-dinh-ve-dich-vu-vien-thong-d57947.html