Phát thanh số DRM với biển đảo

Phát thanh số DRM khá phù hợp với các điều kiện tự nhiên ở nước ta như: Địa hình đồi núi, biển đảo, dân cư phân bố rải rác, thường xuyên bị thiên tai...

Bờ biển Việt Nam dài, có 29/63 tỉnh, thành phố ven biển với tỷ lệ người dân sống bằng nghề biển rất lớn. Nghe Đài Tiếng nói Việt Nam để biết thông tin là nhu cầu không thể thiếu của họ. Để phủ sóng tầm xa cho các khu vực biển đảo, thế giới sử dụng chuẩn DRM30, phát trên băng tần SW sẽ có những lợi ích vượt trội so với phát thanh sóng ngắn hiện nay.

Đặc thù của nghề đánh bắt xa bờ là lênh đênh trên biển hàng tháng trời và xa đất liền hàng trăm hải lý. Ở đó không có truyền hình, không Internet, không điện thoại, mọi liên lạc với đất liền chỉ bằng một sợi dây mỏng manh là chiếc máy thông tin liên lạc hoặc đài thông tin Duyên hải chủ yếu để thông tin cảnh báo khẩn cấp. Đây chính là nơi phát thanh cần phát huy vai trò và sức mạnh của mình trước sự cạnh tranh khốc liệt của các phương tiện truyền thông khác như ông Dennis Wharton, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát thanh - Truyền hình Mỹ (NAB) nói “Phát thanh sẽ luôn là người sống sót cuối cùng”.

Nhận thức được điều này, năm 2009, Đài Tiếng nói Việt Nam đã đầu tư hệ thống phát sóng biển Đông gồm 3 máy phát sóng ngắn, công suất mỗi máy 100kW, phát trên 3 tần số cho khu vực Hoàng Sa; Trường Sa và Vịnh Thái Lan lần lượt là: 7435kHz; 9635kHz; 11720kHz.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ bấm nút phát sóng chính thức vào ngày 29/8/2009, làn sóng Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1) của Đài Tiếng nói Việt Nam đã lan tỏa hầu hết các khu vực của biển Đông, ngư dân có thêm một người bạn tâm giao, một nhà tư vấn các chủ trương đường lối của Đảng và chính sách pháp luật Nhà nước, một nguồn thông tin tin cậy về các sự kiện đang diễn ra trong nước và trên thế giới.

Tuy nhiên, nhu cầu về thông tin là vô hạn, nhất là ở những nơi mà “bốn phía nhìn không bóng một hàng cây” thì chỉ một Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp vẫn chưa đủ. Mặt khác, đặc thù của sóng ngắn là tín hiệu luôn bị thăng giáng, phụ thuộc vào các khoảng thời gian trong ngày, chất lượng tín hiệu rất xấu, rất khó nghe trong khi các loại hình truyền thông khác đang cạnh tranh với nhau vô cùng mạnh mẽ cả về mặt nội dung, phương thức và chất lượng chương trình.

Như vậy, một hệ thống phát sóng ngắn nói trên chưa làm thỏa mãn nhu cầu của ngư dân và các lực lượng chức năng đang ngày đêm bám biển và canh giữ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Cũng vì những lý do này mà nhiều nước trên thế giới đã và đang dần từ giã với sóng ngắn và phát triển phát thanh số. Phát thanh số có nhiều chuẩn khác nhau, hoạt động trên các băng tần khác nhau và phù hợp với từng địa hình khác nhau như: thành phố, đồng bằng, miền núi và hải đảo.

Phát thanh số DRM khá phù hợp với các điều kiện tự nhiên ở nước ta như: Địa hình đồi núi, biển đảo, dân cư phân bố rải rác; thường xuyên xảy ra các thảm họa, thiên tai như bão biển, sóng thần, lở núi... Ngoài ra, DRM còn lợi thế hơn các chuẩn phát thanh số mặt đất khác ở khả năng tận dụng cơ sở hạ tầng và chuyển đổi “mềm” trong giai đoạn chuyển tiếp.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất cho việc triển khai phát thanh số ở nước ta hiện nay là giá thành máy thu. Một máy thu DRM như hiện nay có giá khoảng 5 triệu đồng, nó quá đắt so với các máy thu thanh thông thường, nhưng nó lại thay thế được hoàn toàn máy thu trực canh, một thiết bị không thể thiếu đối với người đi biển và còn mang lại nhiều thông tin đa dạng, nóng sốt về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội cho những khu vực đang thiếu vắng tất cả các loại hình thông tin khác. Ngoài sóng phát thanh thì giá thành nói trên có thể chấp nhận và hoàn toàn có thể thực hiện được chúng ta có một cái nhìn công bằng hơn trong việc đầu tư và hỗ trợ cho người dân tiếp cận các loại hình truyền thông.

Tại sao với đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình lại được Quĩ viễn thông công ích hỗ trợ/trợ giá Setop Box khi dừng phát sóng Analog ở các khu vực trong đất liền, những nơi đang có rất nhiều loại hình thông tin song song tồn tại?

Trong khi cả nước đang hướng về biển đảo, nơi mà ngư dân và các lực lượng chức năng đang ngày đêm bám biển để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, nơi không có bất kỳ loại hình thông tin nào khác ngoài sóng phát thanh lại không được một Quĩ nào đó hỗ trợ/trợ giá máy thu DRM cho người đi biển.

Hy vọng trong thời gian tới, biển đảo vừa là nơi đầu sóng ngọn gió, cũng là nơi đầu tiên được ứng dụng phát thanh số DRM, mở đầu cho việc thực hiện Quyết định “Phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ./.

Th.S Vũ Hải Quang/báo VOV

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/dau-an-vov/phat-thanh-so-drm-voi-bien-dao-474088.vov