Phát triển các làng nghề cần nhiều sự hỗ trợ

Cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ của anh Nghiêm Xuân Hiệp, xóm Thù Lâm, xã Kha Sơn giải quyết việc làm cho 7 lao động Huyện Phú Bình (Thái Nguyên) hiện có 3 làng nghề, trong đó có 2 làng nghề thủ công mỹ nghệ và 1 làng nghề mây – tre đan. Cả 3 làng nghề này đều mới được tỉnh công nhận hồi cuối năm 2009. Việc công nhận này được xem là yếu tố quan trọng để Phú Bình tiếp tục hình thành và phát triển một số ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp, từ đó xây dựng thêm các làng nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, các làng nghề ở đây đang gặp một số khó khăn và có 2/3 làng nghề chưa có được một quy chế hoạt động chung để rằng buộc những người làm nghề… Tên gọi các làng nghề của Phú Bình hiện nay là: Mây - tre đan Ngọc Lý (xã Tân Đức) và 2 làng nghề thủ công mỹ nghệ Phú Lâm (xã Kha Sơn) và Phương Độ (xã Xuân Phương). Cả 3 làng nghề này đều được hình thành cách đây khoảng 10 năm và phát triển mạnh khoảng 3-4 năm trở lại đây. Với 2 làng nghề thủ công mỹ nghệ, hầu hết các cơ sở sản xuất đều có khả năng làm được các mặt hàng theo mẫu mã của sản phẩm Đồng Kỵ (Bắc Ninh), với chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng, cho thu nhập tương đối cao, vì thế xu hướng phát triển ngày càng mạnh. Trước đây, khi chưa được công nhận là làng nghề thì việc các cơ sở sản xuất "độc lập tác chiến", mạnh ai lấy làm. Thậm chí, cùng loại sản phẩm, mỗi nhà bán một giá, chênh nhau đến vài triệu đồng/sản phẩm cũng là hết sức bình thường, có thể chấp nhận. Nhưng nay, nếu những điều đó không được chấn chỉnh sẽ trở thành những trở ngại lớn trong việc xây dựng thương hiệu cho làng nghề. Về lâu dài, giữa các làng nghề cùng nghề cũng cần thiết phải có những quy định thống nhất về chất lượng, giá thành để mỗi sản phẩm sẽ trở thành thương hiệu chung cho cả một địa phương. Ngoài ra, hiện nay, các làng nghề này cũng đang gặp phải một số khó khăn về mặt bằng, vốn sản xuất và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đến thăm làng nghề thủ công mỹ nghệ Phú Lâm, chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc khá tấp nập, sôi động của các cơ sở sản xuất ở đây. Trước Tết khoảng 2 tháng, hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng đều dừng việc nhận hàng bởi số lượng đơn đặt hàng đã đủ làm. Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng xóm Phú Lâm cho biết: Nghề mộc bắt đầu xuất hiện xóm khoảng 10 năm trước. Khi đó, cả xóm chỉ có vài xưởng, sản xuất chủ yếu các sản phẩm truyền thống. Khoảng 3-4 năm trở lại đây, nghề này bắt đầu phát triển mạnh ở Phú Lâm. Và hiện cả xóm có 37 cơ sở sản xuất. Các xưởng mộc trong làng đều đóng được các sản phẩm đồ gỗ theo mẫu mã Đồng Kỵ. Trung bình mỗi cơ sở thuê từ 5-7 lao động. Nghề này sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở Phú Lâm vì hiện có rất nhiều con em trong làng đang học nghề tại Bắc Ninh. Tuy nhiên do các xưởng sản xuất đều nằm trong khuôn viên nhà ở nên về lâu dài, nhiều chủ xưởng và các hộ dân xung quanh mong muốn Nhà nước sẽ quy hoạch thành một khu sản xuất để đưa các cơ sở vào đó hoạt động tập trung, hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường ra khu vực xung quanh. Anh Nghiêm Xuân Hiệp, chủ cơ sở sản xuất trong xóm tâm sự: Sau 3 năm mở xưởng, đến nay, cơ sở sản xuất của anh đã đảm bảo việc làm thường xuyên cho 7 lao động, với mức lương trên dưới 2 triệu đồng/người/tháng. Cũng như các cơ sở sản xuất trong xóm, khách hàng tìm đến với anh ngày một nhiều. Ngay cả một số cơ sở sản xuất ở Bắc Ninh cũng đến đặt hàng. Năm 2007, anh chỉ lãi được khoảng 10 triệu đồng thì đến năm 2009, anh đã lãi được trên 80 triệu đồng. Anh Hiệp tự tin: Với đà phát triển như hiện nay, trong một tương lai không xa, quy mô xưởng của anh sẽ có thể mở rộng gấp 2 lần hiện nay. Tuy nhiên, do diện tích đất của gia đình anh đã được sử dụng hết nên việc mở rộng xưởng đang đối diện với khó khăn và anh đã phải tính đến việc thuê một địa điểm khác. Ngoài nguyện vọng được vào sản xuất trong khu vực quy hoạch, anh Hiệp còn mong muốn Nhà nước sẽ dành cho các hộ làm nghề như anh được vay vốn với lãi suất ưu đãi, để có khả năng thực hiện các đơn đặt hàng có giá trị lớn. Không chỉ có anh Hiệp và những chủ cơ sở sản xuất của Phú Lâm mới có những mong muốn đó mà hầu hết các chủ xưởng ở làng nghề Phương Độ và các đồng chí lãnh đạo xã Xuân Phương cũng rất mong sớm có được một khu đất dành riêng cho làng nghề. Còn đối với làng nghề mây tre đan Ngọc Lý, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của Làng lại chính là nhà xưởng để tập kết sản phẩm trước khi giao hàng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, do mới được hình thành, kỹ thuật còn hạn chế nên người dân chỉ làm được sản phẩm mộc khiến giá thành sản phẩm không cao, thu nhập bình quân/người/tháng chỉ đạt 500-700 nghìn đồng/người/tháng. Do đó, việc phát triển, mở rộng quy mô làng nghề sẽ gặp một số khó khăn nhất định. Với 110 hộ, xóm Ngọc Lý hiện mới có 35 gia đình tham gia làm nghề thường xuyên với số lượng 1 người/hộ và có khoảng 10 hộ khác tham gia thời vụ. Vì thế, để nghề phát triển mạnh hơn, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ngành chức năng trong việc chuyển giao kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị máy móc và xây dựng nhà xưởng. Trao đổi về vấn đề vấn đề nay, đồng chí Dương Văn Hưng, Trưởng phòng Công Thương huyện Phú Bình cho biết: Các làng làng nghề của huyện vẫn còn thiếu thốn rất nhiều thứ, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, tiếp đó là về đào tạo nghề và chuyển giao KHKT. Huyện cũng đã tính đến việc quy hoạch đất cho các làng nghề để phát triển bền vững, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, đảm bảo điều kiện sống cho các hộ dân xung quanh. Đồng thời, cũng sẽ tạo những điều kiện tốt nhất để giúp các làng nghề khắc phục một số khó khăn đang gặp phải. Bên cạnh đó huyện cũng chú trọng đến việc gây dựng thêm một số làng nghề khác mà trên địa bàn huyện đã bắt đầu hình thành nghề và có khả năng thực hiện, như: mây tre đan ở xã Thượng Đình; sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm và đúc nhôm ở xã Thanh Ninh; sản xuất bún bánh ở xã Nhã Lộng; làm gạch ở xã Xuân Phương, Nga My… từ đó giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách cho địa phương. Cùng với những nỗ lực của chính quyền, các cơ quan chức năng, mỗi hộ dân làng nghề cũng cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn nữa trong việc tạo ra các sản phẩm, để mỗi sản phẩm làm ra giữ gìn và phát triển được thương hiệu của làng nghề trong tâm trí người tiêu dùng.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=390843&co_id=30361