Phát triển Công nghiệp an ninh đáp ứng yêu cầu công tác và chiến đấu

Để tạo hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển công nghiệp an ninh và quản lý doanh nghiệp, Cục Công nghiệp an ninh đã tập trung tham mưu cho Bộ Công an và Chính phủ xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp an ninh trong thời kỳ mới...

Trước tình hình an ninh khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh với các thế lực thù địch và phòng, chống tội phạm, nhất là trước những thách thức mới từ an ninh phi truyền thống và các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện nay đã đặt ra cho lực lượng CAND những yêu cầu, nhiệm vụ mới, hết sức nặng nề. Điều đó không chỉ đòi hỏi lực lượng CAND phải đổi mới toàn diện về đối sách, biện pháp nghiệp vụ, mà còn cần được trang bị, hiện đại hóa các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dụng tiên tiến, hiện đại nhằm tự lực, tự cường, chủ động đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng.

Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban công tác kế hoạch, tài chính, hậu cần, kỹ thuật CAND Quý I/2024, ngày 29/3/2024.

Tạo hành lang pháp lý để phát triển

Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ hết sức quan trọng này, thời gian qua, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an về lĩnh vực công nghiệp an ninh và trực tiếp quản lý các doanh nghiệp Công an, Cục Công nghiệp an ninh đã chủ động tham mưu triển khai có hiệu quả Nghị quyết 08 của Đảng ủy Công an Trung ương về phát triển công nghiệp an ninh theo hướng hiện đại. Tham mưu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu xây dựng, triển khai nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, mang tính chiến lược, định hướng cao nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển công nghiệp an ninh và các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trong CAND.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng, triển khai Dự án tổng thể phát triển công nghiệp an ninh và các dự án thành phần theo Quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” giai đoạn 2021 – 2025, gắn với thực hiện các Đề án thành phần của Kế hoạch 118 của Bộ Công an trong thực hiện Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị. Chủ động đề xuất phương án sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu các doanh nghiệp của Bộ Công an, bảo đảm cơ chế tinh, gọn, hiệu quả.

Để tạo hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển công nghiệp an ninh và quản lý doanh nghiệp, Cục Công nghiệp an ninh đã tập trung tham mưu cho Bộ Công an và Chính phủ xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp an ninh trong thời kỳ mới, trong đó phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng Bộ Công an và Bộ Quốc phòng tập trung hoàn thành xây dựng dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp báo cáo lãnh đạo hai Bộ, trình Quốc hội lấy ý kiến đúng lộ trình. Hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp CAND ngày càng được nâng cao.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức, nhất là từ sau đại dịch COVID-19 đến nay, nhưng Cục đã quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp CAND chủ động khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh, làm chủ công nghệ, sản xuất nhiều chủng loại phương tiện, trang thiết bị phục vụ ngành và dân sinh. Năm 2023 vừa qua, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trực thuộc Cục đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao, tổng doanh thu ước đạt trên 3.380 tỷ đồng.

Các đại biểu tham dự hội thảo giới thiệu sản phẩm công nghiệp an ninh trong kỷ nguyên số do Cục Công nghiệp an ninh tổ chức vào tháng 6/2023.

Đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới

Xác định đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 12 ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, trong đó phát triển công nghiệp an ninh chính là động lực để đổi mới trang bị tiên tiến, hiện đại theo tinh thần“người trước - súng sau”. Thời gian qua, công tác nghiên cứu, thực hiện các đề tài khoa học, ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới luôn được Cục Công nghiệp an ninh quan tâm, chú trọng. Chỉ riêng trong năm 2023, Cục Công nghiệp an ninh đã chủ trì thực hiện 6 đề tài khoa học, trong đó có 2 đề tài khoa học cấp Bộ.

Đặc biệt, thực hiện Nghị định 16 ngày 25/4/2023 của Chính phủ về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh, Cục Công nghiệp an ninh đã tích cực, chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an triển khai các chương trình, đề án, dự án và chỉ đạo, giao các đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp CAND trực thuộc Cục tập trung nguồn lực để nghiên cứu, tìm hiểu, hợp tác với các đơn vị trong và ngoài ngành trong việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm an ninh chuyên dụng. Đồng thời, tận dụng năng lực công nghệ, sản xuất các mặt hàng lưỡng dụng tham gia thị trường, phát triển các sản phẩm, giải pháp, phần mềm quản lý, phục vụ yêu cầu công tác Công an và nhu cầu xã hội theo hướng tích hợp công nghệ cao.

Đơn cử như, liên danh, hợp tác giữa Công ty Thanh Bình - doanh nghiệp của Bộ Công an có chức năng chuyên nghiên cứu, sản xuất vũ khí, công cụ hỗ trợ, các sản phẩm công nghệ cao về điện tử và giám sát an ninh với Công ty cổ phần Biển Bạc là đơn vị ngoài ngành có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết bị điện tử viễn thông, các phần mềm, giải pháp kiểm soát, giám sát đảm bảo an ninh công cộng. Quá trình hợp tác, 2 đơn vị đã nghiên cứu, hoàn thiện một số sản phẩm ứng dụng trong công tác Công an như: hệ thống camera do Công ty Thanh Bình sản xuất tích hợp với phần mềm STM01 của Công ty cổ phần Biển Bạc; sản phẩm tem chống làm giả TrueOrigin công nghệ Blockchain, khóa bảo mật cao CyLock... Trong đó, phần mềm giám sát, xử lý vi phạm TTATGT của Công ty cổ phần Biển Bạc đã được Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt làm cơ sở đưa vào trang bị, sử dụng tại cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Bên cạnh đó, Cục đã chỉ đạo, hướng dẫn Công ty Nam Triệu lập dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp, hoán cải, đóng mới xe chuyên dụng và phối hợp với một số doanh nghiệp trong nước như Công ty Thiên Việt, Công ty Vĩnh Phát nghiên cứu, chế tạo và giới thiệu sản phẩm xe chuyên dụng đến Công an đơn vị, địa phương để lấy ý kiến nhận xét, đánh giá, hiệu chỉnh thiết kế kỹ thuật, công năng phù hợp với nhu cầu sử dụng. Hướng dẫn Công tyThăng Long xây dựng phương án thiết kế cải tiến kỹ thuật sản phẩm xe chữa cháy cỡ nhỏ phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ và sản xuất thử nghiệm trong CAND...

Cục còn phối hợp các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an tổ chức các buổi làm việc, trao đổi, tăng cường hợp tác quốc tế như: làm việc với Đoàn doanh nghiệp cấp cao Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, đoàn doanh nghiệp Nhật Bản, Belarus…; cử cán bộ tham gia các đoàn công tác của Bộ Công an làm việc tại các nước: Nga, Hàn Quốc để tìm hiểu cơ hội, tiềm năng hợp tác về công nghiệp an ninh; tổ chức đón, làm việc với Đoàn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Cuba và các Cục nghiệp vụ Bộ Nội vụ Cuba; Đoàn Tổng cục Hậu cần -Tài chính của Bộ Nội vụ Campuchia; Đoàn Bộ tình trạng khẩn cấp Nga khi đến thăm Khu Công nghiệp an ninh Hoài Đức, Hà Nội. Bên cạnh đó, Cục còn chủ động tham gia các sự kiện, triển lãm liên quan công nghiệp quốc phòng, an ninh được tổ chức tại Việt Nam nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh lực lượng CAND Việt Nam và tăng cường học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ với bạn bè quốc tế; tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, hỗ trợ của các nước phát triển và các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp an ninh, nhất là các nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới sản xuất các sản phẩm an ninh có tính lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành, vừa cung cấp, đáp ứng nhu cầu xã hội và dân sinh.

Tâm Phạm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/phat-trien-cong-nghiep-an-ninh-dap-ung-yeu-cau-cong-tac-va-chien-dau-i729696/