Phát triển Công nghiệp hỗ trợ: Việt Nam đang lãng phí cả tài lực lẫn vật lực

Theo các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Mitsubishi (MRI), Nhật Bản, mặc dù Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nhưng với cách làm bấy lâu nay, Việt Nam đang lãng phí cả tài lực lẫn vật lực cho việc hỗ trợ mà DN thì không nhận được…

Rất cần nhà cung cấp linh kiện tại thị trường Việt Nam, song cũng chỉ có rất ít DN Việt Nam len được vào đoạn cuối của chuỗi cung ứng sản xuất điện thoại của Samsung

Cái “cần” thì không được “hỗ”

Tại Hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu “Thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam” do Việt Nghiên cứu quản lý Kinh tế (CIEM) tổ chức mới đây, ông Kazuhito Hagiwara - Phó giám đốc điều hành MRI đã rất thẳng thắn khi đưa ra đề nghị Việt Nam nên nghiên cứu lại để có mô hình phát triển CNHT hiệu quả. Theo chuyên gia Nhật Bản này, từ nhiều năm nay, Việt Nam vẫn đang loay hoay với phát triển CNHT, với việc hỗ trợ DN và đang lãng phí cả tài lực lẫn vật lực cho việc hỗ trợ mà DN thì không nhận được.

Dẫn chứng Việt Nam có 63 tỉnh thành và tỉnh thành nào cũng có 1 trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trực thuộc Sở KH&ĐT, 1 trung tâm khuyến công thuộc Sở Công thương, TS Yoichi Sakurada - chuyên gia MRI cho rằng chức năng và nội dung hỗ trợ của các trung tâm này na ná như nhau. Các Trung tâm chủ yếu họ hỗ trợ DN về thủ tục hành chính, tìm hiểu các văn bản, chính sách, thủ tục đầu tư, hỗ trợ DN điều tra thị trường, kết nối kinh doanh, tham gia hội trợ triển lãm, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư… trong khi cái DN cần là hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ thì không có.

TS. Sakurada cho biết, ông đã hỏi DN, thì nhiều DN nói không biết về những trung tâm này, một số khác nói trung tâm không giúp họ được về công nghệ là thứ họ cần… Nguyên nhân do một số trung tâm không có cán bộ biết về công nghệ, kỹ thuật, một số trung tâm có cán bộ nhưng lại không có phương tiện máy móc… “Như vậy Chính phủ đang đầu tư nguồn lực tài chính, con người cho các trung tâm này mà DN không biết tới, đó là sự lãng phí!”, TS Yoichi Sakurada phân tích.

Chính sự đầu tư không đúng chỗ nên mặc dù đến nay, Việt Nam đã có rất nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ DNNVV, phát triển CNHT, nhưng DN vẫn chưa đủ lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số DN cũng chỉ mới len được vào đoạn cuối của chuỗi cung ứng như sản xuất bao bì, vỏ điện thoại… “Chân tình mà nói, Việt Nam đang lạc hậu so với các nước châu Á khác tới 40 năm”, TS Yoichi Sakurada thẳng thắn.

Chính sách ra lò từ … bàn giấy (!?)

Trước ý kiến của các chuyên gia Nhật Bản, Phó Viện trưởng CIEM, PGS.TS.Nguyễn Thị Tuệ Anh, người có nhiều năm nghiên cứu về chiến lược phát triển CNHT ở Việt Nam cho rằng, cứ quan tâm đến chính sách và giải pháp vĩ mô, trong khi chuyên gia Nhật Bản đang giúp Việt Nam phát triển CNHT lại “đi” từ chính nguyên nhân vì sao DNNVV chưa tham gia được chuỗi giá trị, vì sao DNNVV đông, nhiều cũng hoạt động trong lĩnh vực CNHT nhưng lại không tham gia được vào chuỗi cung ứng cho DN lớn…

Theo PGS.TS.Nguyễn Thị Tuệ Anh, thực tế hiện nay các DN Việt Nam còn đang thiếu các liên kết dọc, ngang giữa các DN hoạt động trong ngành CNHT. Nguyên nhân một phần là do chúng ta thiếu thông tin năng lực giữa các DN trong và ngoài nước, năng lực cung cấp các sản phẩm trung gian của Việt Nam còn yếu về chất lượng, giá thành và thời gian…

“Có thể nói, Việt Nam có rất nhiều chính sách cho ngành CNHT. Đánh giá chính sách về lĩnh vực này, Ngân hàng Thế giới nói Việt Nam thuộc hàng đầu thế giới, nhưng về mặt thực thi, chúng ta kém nhất thế giới”- GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) phát biểu.

Theo ông, đừng quá tham trong các nghiên cứu kinh tế ngồi bàn giấy, nghiên cứu phải từ thực tế điều tra khảo sát, nếu không thì không có chính sách mang lại hiệu quả thực tế…

Hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm

Theo TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, điểm yếu của DNNVV của Việt Nam hiện nay là quy mô và công nghệ. “Chúng ta nên loại bỏ bớt các trung tâm trợ giúp để gom vào lập ra một trung tâm hỗ trợ có tính liên kết ở nhiều địa phương với nhau theo hình thức xã hội hóa, trợ giúp và có thu phí, không sử dụng nguồn ngân sách và có sự tham gia của nhiều bên…”, Phó Viện trưởng CIEM đề nghị.

Không chỉ mỗi tỉnh có 2 trung tâm hỗ trợ DN (thuộc Sở KH&ĐT và Sở Công thương) như các chuyên gia Nhật Bản khảo sát, theo GS Nguyễn Mại, thực tế mỗi địa phương còn có các trung tâm, dự án hỗ trợ của Sở KH&CN; các hợp tác xã...Theo ông, những trung tâm này được lập ra với những nhiệm vụ quan trọng nhưng về cơ sở và con người thì chưa đáp ứng được nên đó là sự rất lãng phí.

“Không nước nào có nhiều chính sách CNHT như Việt Nam. Các nước không lập trung tâm tư vấn phát triển CNHT chung cho các ngành như Việt Nam mà chỉ có CNHT riêng cho từng ngành một. Địa phương nào, ngành nào có lợi thế CNHT thì họ lập trước, những gai góc thì lập sau…”, GS Nguyễn Mại chia sẻ.

Theo ông, chỉ cần lập 2 trung tâm hỗ trợ DN với đầy đủ thiết bị, năng lực như Nhật Bản đã làm, ở Hà Nội và TP. HCM nơi có tới 300.000 DN đang hoạt động (trong số 450.000 DN cả nước). “Không thể có CNHT chung chung, Việt Nam phải xác định rõ các ngành công nghiệp mũi nhọn, từ đó mới phát triển CNHT,công nghiệp mũi nhọn. Cách khôn ngoan và hiệu quả là hãy chọn từ ngành Việt Nam đang có lợi thế. Dễ làm trước, gai góc làm sau…”- GS đưa ra lời khuyên.

Tri Nhân

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-viet-nam-dang-lang-phi-ca-tai-luc-lan-vat-luc-296157.html