Phát triển điện mặt trời khu vực nuôi tôm quảng canh

Ngày 7/5, tại xã Tân Thuận (Đầm Dơi) diễn ra Hội nghị tồng kết nghiên cứu thí điểm 'Mô hình phát triển điện mặt trời trên khu vực nuôi tôm quảng canh - Dự án Điện gió, điện mặt trời để sản xuất hydro xanh Cà Mau'.

Công trình do Công ty Cổ phần đầu tư năng lượng tái tạo Cà Mau (CMC) cùng đơn vị tư vấn Công ty Cổ phần công nghệ BIOFLOC BĐA thực hiện.

Ông Vũ Hùng Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng tái tạo Cà Mau (CMC) giới thiệu tính khả thi của dự án “Mô hình phát triển điện mặt trời trên khu vực nuôi tôm quảng canh - Dự án Điện gió, điện mặt trời để sản xuất hydro xanh Cà Mau”.

Nắm bắt xu thế chung của toàn cầu, với quyết tâm phục vụ nhu cầu đổi mới và tạo tiền đề cho những thay đổi tích cực trong tương lai về khía cạnh năng lượng mới, an toàn môi trường và xây dựng những mô hình kinh tế xanh tiên tiến, Công ty Cổ phần đầu tư năng lượng tái tạo Cà Mau (CMC) đã nghiên cứu phát triển cụm năng lượng điện gió, điện năng lượng mặt trời sản xuất hydro xanh tại địa bàn xã Tân Thuận (Đầm Dơi) và được sự đồng ý của UBND tỉnh Cà Mau về việc thực hiện mô hình thí điểm làm cơ sở đánh giá ảnh hưởng đến môi trường sống, tăng trưởng và sản lượng tôm thu hoạch để đầu tư dự án với quy mô lớn trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đại biểu tham quan mô hình thí điểm “Mô hình phát triển điện mặt trời trên khu vực nuôi tôm quảng canh".

Ông Vũ Hùng Hải, Giám đốc CMC, cho biết: “Mô hình được thí điểm trên phần đất 4.000 m2 của công Cao Hoàng Diễn, ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi. Công suất lắp đặt pin năng lượng150kWp, số lượng 400 tấm, công suất 375W/tấm; Loại thủy sản nuôi là tôm sú. Theo đó, dự án thí điểm được thiết kế thành 2 ao nuôi, mỗi ao có diện tích 2.000 m2. Ao số 1 có lắp đặt pin năng lượng mặt trời chiếm 40% diện tích ao. Ao số 2 làm ao đối chứng, không lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời. Hệ thống cấp và thoát nước được bố trí riêng biệt, có cống xổ bằng bê-tông; bờ ao cao hơn mức triều cường tối thiểu 0,3 m; độ sâu của ao nuôi từ 1,2-1,5m; nước trên mặt trảng 0,4-0,6 m khi lấy nước đầy; kênh, mương và ao nuôi được xây dựng chắc chắn, ngăn ngừa được sự thẩm lậu, sạt lở…

Qua thời gian 1 năm (tháng 4/2023-4/2024) thử nghiệm thả tôm giống gồm 3 đợt, mỗi đợt 10.000 con/1 ao, kết quả cho thấy: ao số 1 có lấp tấm pin năng lượng mặt trời, thu hoạch 1.485 con, trọng lượng bình quân khi thu hoạch 30,98 g/con, sản lượng thu hoạch 45,877 kg/2.000 m2, năng suất bình quân 229,38 kg/ha/năm. Ao số 2 không lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời cho thu hoạch 1.375 con, trọng lượng bình quân 30,85 g/con, sản lượng thu hoạch 42,427 kg/2.000 m2, năng suất bình quân 212,13 kg/ha/năm.

Người dân nuôi tôm quảng canh khu vực Nam Cà Mau nói chung, Tân Thuận (Đầm Dơi) nói riêng, hiệu quả thấp, cần có nhiều dự án, mô hình kết hợp trên cùng một diện tích để giúp bà con phát triển kinh tế.

Qua tổng kết đánh giá của nhà đầu tư cũng như đại diện các ngành chưc năng về thí điểm nghiên cứu “Mô hình điện mặt trời trên khu vực nuôi tôm quảng canh - Dự án Điện gió, điện mặt trời để sản xuất Hydro xanh tại xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi” cho kết quả rất khả quan. Tốc độ tăng trưởng, năng suất và sản lượng khá cao so với mô hình nuôi của người dân; các thông số môi trường pH, kiềm, oxy hòa tan, H2S, NH3 giữa ao nuôi có tấm pin năng lượng và ao không có lắp pin năng lượng không có sự chênh lệch nhiều; chủ yếu chỉ có nhiệt độ và độ mặn ao nuôi có tấm pin luôn thấp hơn ao không có tấm pin từ 1-2 độ. Sự chênh lệch nhiệt độ và độ mặn cũng là dấu hiệu khả quan cho mô hình nuôi, vào mùa hạn thời tiết nắng nóng, nhiệt độ nước tăng cao, tỷ lệ bốc hơi nước cao, độ mặn tăng nhanh và tấm pin che phủ tạo ra vùng trú ẩn cho tôm nuôi vào những thời điểm nắng nóng, nhiệt độ cao. Mặt khác, ao nuôi có tấm pin năng lượng lại giúp ổn định nhiệt độ, hạn chế bốc hơi nước, ổn định độ mặn và là nơi trú ẩn tốt cho tôm khi thời tiết nắng nóng, mưa nhiều và không ảnh hưởng đến môi trường nuôi tôm.

“Mô hình phát triển điện mặt trời trên khu vực nuôi tôm quảng canh - Dự án Điện gió, điện mặt trời để sản xuất hydro xanh Cà Mau” triển khai tại xã Tân Thuận đem lại hiệu quả rất khả quan. Mô hình sẽ phát triển với quy mô lớn trên vùng đất này trong thời gian tới.

Để nhân rộng mô hình với quy mô đầu đầu tư lớn, CMC cần có quá trình theo dõi, đánh giá chính xác hơn, đặc biệt là chính quyền địa phương cần quan tâm để khuyến khích bà con nuôi tôm tham gia mô hình này. Đồng thời, cần có báo cáo với UBND tỉnh cũng như các sở, ngành liên quan như Sở Nông ghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương cũng như chính quyền địa phương để kết quả mô hình được triển khai rộng rãi và đạt hiệu quả như mong muốn trong thời gian tới./.

Huỳnh Lâm

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/phat-trien-dien-mat-troi-khu-vuc-nuoi-tom-quang-canh-a32441.html