Phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại

ND - Siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại... là những kênh bán lẻ hiệu quả trong việc đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, không phải dễ dàng để doanh nghiệp trong nước có thể xây dựng và phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại này.

CO.OPMART Sài Gòn được biết đến như một hệ thống siêu thị hàng đầu dành cho những đối tượng khách hàng bình dân với 90% số hàng hóa được bán tại đây là hàng sản xuất trong nước. Mới đây, siêu thị Co.opMart Sài Gòn đầu tiên tại Hà Nội đã được Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) khai trương, đánh dấu sự tham gia chính thức thị trường bán lẻ miền bắc của Saigon Co.op. Đến nay, Saigon Co.op đã có tất cả 44 siêu thị Co.opMart Sài Gòn trên cả nước và dự kiến đến năm 2015 sẽ nâng con số này lên 115 siêu thị. Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Thị Hạnh cho biết, việc khai trương siêu thị Co.opMart Sài Gòn tại Hà Nội là nhằm thực hiện chiến lược mở rộng mạng lưới của Co.opMart Sài Gòn trên cả nước, từ thị trường Hà Nội sẽ tiếp tục vươn rộng ra các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên... Cũng theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Hạnh, việc mở rộng mạng lưới ra các tỉnh phía bắc, đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội là dự định từ nhiều năm nay của Saigon Co.op nhưng đến bây giờ mới trở thành hiện thực. Lý do chủ yếu là việc tìm kiếm mặt bằng rất khó khăn. Xây dựng một hệ thống siêu thị quy mô lớn như Co.opMart Sài Gòn đòi hỏi diện tích mặt bằng rất lớn (khoảng 5.000 m2), lại phải gần trung tâm, các khu dân cư lớn... trong khi đó, những mặt bằng đáp ứng tiêu chí này lại không nhiều. Hơn nữa, giá thuê đất tại Hà Nội cũng rất cao. Nhiều vị trí đẹp, thuận lợi được Saigon Co.op tìm thấy nhưng khi đàm phán thuê mặt bằng thì thất bại vì giá thuê quá cao. Có thể thấy, tìm kiếm mặt bằng bán lẻ tại những trung tâm đô thị, thành phố lớn là một trong những khó khăn lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp gặp phải khi thực hiện mở rộng hệ thống bán lẻ. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần May Đồng Nai Bùi Thế Kích cho biết, công ty loay hoay tìm kiếm mặt bằng để mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội trong suốt hai năm trời mà đến nay vẫn chưa tìm được. Tổng Thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện còn rất sơ khai, các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại... mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu thị trường. Vì vậy, đây chính là "mảnh đất màu mỡ" hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia khai thác. Do có tiềm lực tài chính cho nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn được những vị trí đẹp, thuận tiện để xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị lớn như Parkson, Big C, Metro... Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể tìm được vị trí đẹp, giá rẻ. Chính sự khó khăn tìm kiếm mặt bằng làm cho nhiều nhà bán lẻ bỏ lỡ cơ hội phát triển thị trường. Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ: Co.opMart Sài Gòn có mặt tại Hà Nội là quá muộn so với những hệ thống siêu thị lớn của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài như Big C, Metro... hay của một số doanh nghiệp trong nước như Fivimart, Citymart, Hapro... Gia nhập thị trường muộn khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh thu hút khách hàng. Khi khách hàng đã trở nên quen thuộc với một điểm mua sắm nào thì thường có sự gắn bó trung thành với điểm mua sắm đó, khó có thể thay đổi. Không chỉ vậy, các nhà bán lẻ trong nước còn chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các tập đoàn bán lẻ nước ngoài vừa có tiềm lực tài chính, trình độ quản lý, vừa nhiều kinh nghiệm quảng cáo tiếp thị, khuyến mại... trong khi doanh nghiệp trong nước thường bị hạn chế ở những điểm này. Do đó, để cạnh tranh, doanh nghiệp trong nước cần tạo ra sự khác biệt để thu hút khách hàng. Chẳng hạn như triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thành viên, khách hàng thân thiết nhằm tạo ra một lượng khách hàng trung thành; phong cách phục vụ chuyên nghiệp; cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng như gói hàng, giao hàng miễn phí... Hay cần nghiên cứu kỹ đặc thù, tâm lý người tiêu dùng tại từng địa bàn để lựa chọn cung cấp cho khách hàng những sản phẩm, hàng hóa phù hợp. Mặc dù cạnh tranh tại thị trường bán lẻ Việt Nam là khá gay gắt nhưng tiềm năng thị trường này rất lớn. Tổng Thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan nhấn mạnh, các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh, nhanh chóng vươn lên chiếm lĩnh thị trường này. Đến nay, doanh nghiệp trong nước cũng đã bước đầu thành công trong việc xây dựng những thương hiệu bán lẻ được nhiều người tiêu dùng biết đến như Pico, Topcare, Nguyễn Kim, Trần Anh... Cùng với Co.opMart Sài Gòn, những thương hiệu này đang từng bước khẳng định doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường bán lẻ trong nước.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=175611&sub=127&top=39