Phát triển khu công nghiệp bền vững: Cần lắm một 'lối đi' riêng

Phát triển khu công nghiệp bền vững đang là xu hướng mới, song, nhiều quy định pháp luật liên quan chưa cụ thể và đồng nhất, gây nhiều cản trở cho lối đi này…

Hoạt động kinh tế trong khu công nghiệp, khu kinh tế đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, giữa hiện thực và thể chế pháp lý chưa có sự đồng điệu. Có nhiều điểm nghẽn pháp lý khiến cho sự phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn.

PHÁP LÝ CHƯA RÕ RÀNG

Phát biểu tại phiên thảo luận diễn đàn “Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp”, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội cho biết, xem xét từ hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế ở nước ta vẫn còn tồn tại cản trở sự phát triển bền vững của khu công nghiệp, khu kinh tế.

Cụ thể, những thể chế, chính sách về khu công nghiệp, khu kinh tế chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và chưa có sự đột phá để phát huy vai trò và đóng góp của các khu công nghiệp, khu kinh tế trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tính pháp lý về quy định khung đối với khu công nghiệp, khu kinh tế chưa cao, mới “dừng lại” ở loại hình văn bản dưới luật.

Chất lượng, hiệu quả quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển cần có tầm nhìn tổng thể, dài hạn; đặt trong mối quan hệ tương quan với các ngành kinh tế khác, với sự phát triển vùng và với xã hội.

Cùng với đó, loại hình phát triển của các khu công nghiệp, khu kinh tế chậm được đổi mới; quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế có sự khác biệt với các luật chuyên ngành. Đồng thời, còn nhiều chồng chéo giữa các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế…

Từ những vướng mắc đó, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến đã đưa ra một số giải pháp khắc phục. Cụ thể, cần xây dựng các chính sách đầu tư bắt buộc nhằm đồng bộ hóa quá trình đầu tư, đảm bảo việc khai thác quỹ đất và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người công nhân làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội

Việc hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế là một trong những vấn đề quan trọng, nhằm tạo khung pháp lý hoàn chỉnh, đầy đủ cho hoạt động đầu tư phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.

Hơn nữa, dựa trên cơ sở quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2024, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, soạn thảo ban hành các quy định về phân khúc bất động sản công nghiệp góp phần đưa hoạt động của phân khúc này đi vào nề nếp, thông suốt, lành mạnh.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước các cấp trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, đồng thời tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm xây dựng Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế là cơ quan “đầu mối, tại chỗ” với quy trình thủ tục hành chính đơn giản; xây dựng và triển khai chính sách phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế.

“Ngoài ra, cần nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế. Phải xây dựng các chính sách, pháp luật đảm bảo gắn kết đồng bộ quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế với phát triển đô thị, dịch vụ trong một phương án tổng thể, thống nhất…”, vị chuyên gia nói.

KHÓ TỪ CÁC ĐỊNH NGHĨA

Đồng quan điểm với ông Tuyến, ông Lê Hữu Phúc, Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh cho rằng, thể chế chính sách liên quan tới khu công nghiệp, khu kinh tế cần được xây dựng ở ngưỡng cao hơn. Bởi, hiện nay mới ở mức Nghị định, do đó, cần ban hành Luật về khu công nghiệp, khu kinh tế để tạo hành lang pháp lý. Toàn bộ quy trình quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế đang rải rác ở các Luật chuyên ngành, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Thậm chí, ông Phúc nhấn mạnh, Luật Đất đai mới lại đi “thụt lùi” đối với quy định liên quan khu công nghiệp, khu kinh tế khi không còn quy định riêng mà việc quản lý đất đai chung như các khu vực khác, không còn cơ chế giao lại đất, chính sách ưu đãi về đất đai cho khu kinh tế gần như không có.

Do đó, vị này cho rằng, các bên làm luật cần nghiên cứu các cơ chế chính sách tạo động lực phát triển hơn cho các khu công nghiệp, khu kinh tế mà đặc biệt là đặc khu.

Về huy động nguồn lực ngân sách đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh đánh giá còn hạn chế. Nguồn lực phân bổ hạn chế, chính sách thu hút nguồn lực vào các khu vực đấu nối hạ tầng cũng thấp hơn. Do đó, cần chính sách hiệu quả.

Dưới góc nhìn về doanh nghiệp, bà Trần Thị Tố Loan, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ cho hay, rất nhiều quy định chưa rõ ràng, gây cản trở cho khu công nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình.

Thực tế, trong Nghị định 35/2022 có giới thiệu về mô hình khu công nghiệp sinh thái, khi nói về việc khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn có đưa ra một chỉ tiêu cụ thể đó là phải có 20% doanh nghiệp trong khu phải thực hiện các sản xuất sạch hơn.

“Nhưng quy định này không cụ thể thế nào là "sạch hơn" hay như thế nào là "sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn". Để sử dụng tài nguyên sạch hơn, hiệu quả hơn, thì bản thân khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu cũng phải đầu tư một nguồn tài chính rất lớn để thay đổi toàn bộ công nghệ, dây chuyền. Trong khi đó, lại không có quy định cụ thể thì rất khó để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi”, bà Loan nêu.

Hơn nữa, để sử dụng hiệu quả tài nguyên, cần tái sử dụng tài nguyên nhưng thực tế qua quá trình thu hút đầu tư, bản thân khu công nghiệp gặp khó khăn khi thu hút các dự án tái chế đến từ quy định pháp luật về việc khu công nghiệp có được thu hút các ngành nghề đó không?

Và nếu thu hút, thì phải thay đổi toàn bộ hệ thống như báo cáo tác động tài nguyên, môi trường, giấy phép hệ thống quan trắc để phù hợp với việc thu hút những ngành nghề đó.

Bà Loan còn đề cập đến một vấn đề nữa là về nước thải. Hiện toàn bộ nước thải theo quy định đều phải xả thải ra ngoài môi trường thông qua hệ thống quan trắc và xử lý tự động, nghĩa là không được tái sử dụng trong khu công nghiệp.

Trong khi hiện nay, với hệ thống xử lý nước thải mới, với quyết tâm về việc giữ gìn môi trường, thì khu công nghiệp đã xử lý nước thải cấp A, ít nhất có thể sử dụng vào việc tưới tiêu trong khu công nghiệp, nhưng vẫn rất khó khăn trong việc vận hành.

Đối với vấn đề về quy định liên kết hợp tác trong sản xuất để thực hiện cộng sinh công nghiệp. Đứng ở góc độ là các doanh nghiệp trong khu khi có liên kết sản xuất, theo định nghĩa có rất nhiều loại cộng sinh, có thể là cộng sinh về dịch vụ, chia sẻ tiện ích, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, hay tái sử sụng rác thải... Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để xử lý các chất thải, mà chỉ có một số doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận rác thải.

“Hiện nay, toàn bộ rác thải trong khu công nghiệp đều được đưa ra ngoài khu công nghiệp để xử lý và có rất ít báo cáo cũng như các vấn đề theo dõi về việc xử lý rác thải như ra sao. Thông thường, việc dễ gây ô nhiễm môi trường đó là chôn lấp hay đốt rác thải, mà bản thân các doanh nghiệp thì ít theo dõi được các nguồn thông tin về rác thải là vấn đề rào cản rất lớn”, bà Loan chỉ ra.

Phan Mỹ

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/phat-trien-khu-cong-nghiep-ben-vung-can-lam-mot-loi-di-rieng-post550722.html