Phát triển kinh tế số phải gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ

Tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số sáng 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát triển kinh tế số phải gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ. Ảnh: TTXVN

Sáng 24/4, đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban) chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.

Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với đầu cầu các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh dự và chủ trì tại điểm cầu Hải Dương.

Kết luận phiên họp, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như việc ban hành kế hoạch hoạt động của Ủy ban còn chậm, chưa có cơ chế hiệu quả để kiểm tra, giám sát, theo dõi, tổng hợp, đánh giá việc triển khai công tác chuyển đổi số tại bộ, ngành, địa phương.

Quang cảnh phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số tại điểm cầu trụ sở Chính phủ. Ảnh: TTXVN

Đó là, còn tình trạng lãnh đạo ban, bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số; công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ những bài học kinh nghiệm, nhấn mạnh phải có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Nắm chắc tình hình thực tế, có phản ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; chỉ đạo điều hành đồng bộ, linh hoạt, tổ chức triển khai quyết liệt, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm; lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm của chuyển đổi số quốc gia.

Về quan điểm phát triển kinh tế số, Thủ tướng nêu rõ phải quán triệt, bám sát và hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy chuyển số quốc gia nói chung, phát triển kinh tế số nói riêng thực chất, hiệu quả. Phát triển kinh tế số là đòi hỏi, yêu cầu bắt buộc trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, phù hợp xu thế phát triển hiện nay. Phát triển kinh tế số phải gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Phát triển kinh tế số là một quá trình liên tục, bền bỉ, không ngừng nghỉ, không có điểm dừng; phải đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược, tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công tư để tiến kịp với khu vực, thế giới.

Phát triển kinh tế số một cách tổng thể, toàn diện, ưu tiên chất lượng hơn số lượng; kết hợp đồng bộ, hiệu quả phát triển hạ tầng số, dịch vụ số, dữ liệu số, kỹ năng số, thể chế số và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, các bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư, chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai chuyển đổi số quốc gia.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng dự và chủ trì tại điểm cầu Hải Dương

Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3 Chiến lược về phát triển Chính phủ số; kinh tế số, xã hội số; dữ liệu số. Trong đó, khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2022-2023.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc tăng ít nhất 5 bậc và chỉ số an toàn an ninh mạng thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban và các nhiệm vụ trong Đề án 06. Các bộ, ngành khẩn trương tổ chức các phiên họp chuyên đề số hóa các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.

Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Hải Dương

Các địa phương phối hợp với chặt chẽ các doanh nghiệp viễn thông xóa bỏ các vùng lõm sóng di động tại các thôn, bản đã có điện lưới quốc gia, hoàn thành trước tháng 12/2024; tiếp tục nâng cao chất lượng mạng băng rộng di động. Tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hoàn thành triển khai 12/53 dịch vụ công thiết yếu còn lại theo Quyết định 06/QĐ-TTg. Đồng thời khẩn trương tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.

PV

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/phat-trien-kinh-te-so-phai-gan-voi-kinh-te-xanh-kinh-te-tuan-hoan-kinh-te-tri-thuc-kinh-te-chia-se-379781.html