Phát triển ngành chăn nuôi: Không làm ào ào, chung chung

(HQ Online)- Sáng 5-3, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo tham vấn lần 1 kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

Ngành chăn nuôi sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm có lợi thế nhằm tăng sức cạnh tranh. Ảnh: Trần Việt

Ông Tống Xuân Chinh- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Thời gian tới, thách thức đặt ra cho ngành chăn nuôi Việt Nam rất lớn. Muốn tăng sức cạnh tranh, không để bị tụt hậu, lép vế, ngành chăn nuôi phải nhanh chóng tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Mục tiêu đặt ra trong Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi là, phấn đấu mức tăng trưởng toàn ngành đạt từ 6,5-7%/năm và tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp hẹp (chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ) đạt 30-35% năm 2020.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, điểm mấu chốt cần xác định được, tái cơ cấu là sắp xếp lại cho hợp lý, chứ không phải làm ào ào, phát triển chung chung. Trong Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi lần này, Bộ chỉ đạo nhất quán chủ trương, phải lựa chọn phát triển những sản phẩm chăn nuôi chiến lược, có sức cạnh tranh như lợn, vịt, gà lông màu.

Đặc biệt, phải đẩy mạnh tái cơ cấu lại vùng chăn nuôi, xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để không chỉ phục vụ tốt thị trường trong nước mà còn đẩy mạnh XK, nâng cao giá trị gia tăng cho toàn ngành.

Liên quan tới vấn đề này, ông Tống Xuân Chinh khẳng định, trong quá trình xây dựng Đề án, Cục Chăn nuôi đã vạch ra những giải pháp cụ thể nhằm mở rộng thị trường XK cho sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cụ thể như tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại để XK các sản phẩm có thế mạnh, đặc biệt là thịt lợn, thịt vịt và trứng vịt muối.

Đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại song, đa phương để đẩy mạnh XK vào thị trường mới; khơi thông và mở rộng các thị trường truyền thống, đặc biệt chú trọng thị trường Trung Quốc; xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước XK sản phẩm…

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) bổ sung: Muốn tái cơ cấu ngành chăn nuôi đạt hiệu quả, một trong những giải pháp hữu hiệu là phải thu hút được các DN tư nhân tham gia vào chuỗi sản xuất, chăn nuôi.

Các giải pháp có thể tính đến như: Xây dựng chính sách ưu đãi đặc biệt để phát triển một số tập đoàn thức ăn chăn nuôi trong nước; thí điểm cơ chế hợp tác công-tư (PPP) trong phát triển chuỗi giá trị; tổ chức diễn đàn thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển liên doanh liên kết…

Uyển Như

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tai-co-cau-nganh-chan-nuoi-nhan-manh-xuat-khau.aspx