Phát triển nguồn năng lượng tái tạo: Còn không ít rào cản

Việc quá phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trở thành bất lợi cho nền kinh tế và môi trường là điều mà ai cũng nhận thức rõ. Tuy vậy, sau 2 năm Chính phủ Phê duyệt định hướng Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dạng năng lượng này chưa được phát triển nhanh, rộng tại Việt Nam mà nguyên nhân của nó là còn không ít rào cản phát triển năng lượng này.

Nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và đa dạng

Theo một báo cáo nghiên cứu, đánh giá mới nhất của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), tiềm năng về các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam là khá lớn, trong đó, tiềm năng các nguồn thủy điện (khoảng 26.500 MW và có thể phát triển thêm hơn 200 dự án); tiềm năng các nguồn điện gió (khoảng trên 100 nghìn MW); tiềm năng các nguồn năng lượng sinh khối (khoảng 60 triệu TOE). Bên cạnh đó, số giờ nắng trung bình hàng năm của Việt Nam khoảng 1.500 giờ tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và lên đến 2.700 giờ tại các tỉnh Nam Trung Bộ.

Theo quy hoạch bậc thang thủy điện các dòng sông lớn và quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tại các địa phương đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Việt Nam có thể phát triển 1.279 dự án thủy điện với tổng công suất khoảng 26.500 MW. Một số địa phương có tiềm năng thủy điện lớn (chỉ tính thủy điện vừa và nhỏ) là Lào Cai, Quảng Nam có thể phát triển trên 1.000 MW; nhiều tỉnh có thể phát triển 500 - 800MW: Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Nghệ An, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng.

Đối với tiềm năng điện gió, các tỉnh, thành phố ven biển và các tỉnh cao nguyên của Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió ước tính trên đất liền có thể phát triển khoảng 40 - 50 nghìn MW công suất điện gió. Nếu tính thêm tiềm năng điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể phát triển khoảng trên 100 nghìn MW công suất điện gió.

Điện mặt trời là nguồn năng lượng vô tận và hầu như có thể tiếp nhận được quanh năm. Ước tính trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, số giờ nắng trung bình hàng năm khoảng 1.500 giờ tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và lên đến 2.700 giờ tại các tỉnh Nam Trung Bộ. Mật độ năng lượng mặt trời biến đổi trong khoảng 3.000 đến 5.000 kCal/m2 ngày.

Năng lượng sinh khối cũng là các dạng năng lượng có nguồn nguyên liệu dồi dào bởi nó có nguồn gốc từ các chất hữu cơ như: Gỗ, sản phẩm nông nghiệp, chất thải hữu cơ, chất thải rắn đô thị, tảo và các loài thực vật khác. Tiềm năng các nguồn năng lượng sinh khối của Việt Nam bao gồm các loại như: Củi gỗ, năng lượng từ nguồn gỗ củi của Việt Nam hiện nay khoảng 32 triệu tấn, tương đươn 11,6 triệu TOE (tấn dầu tương đương); Phế thải từ cây nông nghiệp bao gồm phế thải nông nghiệp sau thu hoạch như rơm rạ, ngọn và lá mía, thân và lá ngô, thân cây sắn... và phế thải sau chế biến công - nông nghiệp, như trấu, bã mía, vỏ lạc, vỏ hạt cà phê... Tổng nguồn phế thải nông nghiệp của Việt Nam khoảng 80 triệu tấn, tương đương 17,6 triệu TOE. Đặc biệt, Chất thải chăn nuôi là nguồn năng lượng sinh khối lớn, nếu không xử lý kịp thời sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, sản lượng khí sinh học có thể thu hồi từ chăn nuôi khoảng 11,3 tỷ m3/năm. Tuy vậy, nguồn khí sinh học này vẫn chưa được tận dụng và xử lý đúng mức. Ngoài ra, năng lượng sinh khối của Việt Nam còn đến từ rác thải  rác hữu cơ, thải từ sinh hoạt tại đô thị và nông thôn; rác thải từ các cơ sở sản xuất, cơ sở thương mại, các cơ quan; các nguồn chất thải hữu cơ  như  mật đường, dầu ăn đã sử dụng và mỡ cá da trơn…

Cần dỡ bỏ những rào cản phát triển

Tuy có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, song việc tận dụng nguồn năng lượng này để phục vụ đời sống còn không ít hạn chế. Theo các chuyên gia, rào cản lớn nhất đến từ thể chế. Khi nguồn điện từ năng lượng tái tạo mới manh nha song đã bị thị trường hóa các chi phí phát sinh. Chính vì vậy, năng lượng tái tạo sẽ không thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng với nguồn điện thông thường cho đến khi có các chính sách mới được áp dụng để đưa vào các chi phí của các nguồn nhiên liệu hóa thạch cũng phải theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, nước ta còn thiếu kinh nghiệm. Các đơn vị điện lực địa phương chưa quen với năng lượng tái tạo. Hầu hết, các đơn vị điện lực chưa nghiên cứu cách thức để các nguồn năng lượng tái tạo có thể phù hợp với hệ thống điện của đơn vị mình.

Thiếu hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu thực tế trong quá trình thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý khai thác vận hành các công trình năng lượng tái tạo (NLTT), nhất là các công trình điện gió, điện mặt trời cũng là một “lỗ hổng” lớn có thể phát sinh chi phí cũng như chưa thể kết nối nguồn điện nay khi đi vào sản xuất… Kết quả là các chi phí của các công trình kết nối vào lưới điện có thể trở thành rào cản đáng kể đối với các dự án nhỏ.

Bên cạnh đó rất khó huy động vốn tại các địa phương. Các nhà đầu tư tại các địa phương bị hạn chế về nguồn lực, mặc dù có nhiều dự án tại địa phương có hiệu quả. NLTT là lĩnh vực đầu tư mới, chưa quen thuộc với nhiều nhà đầu tư tại địa phương, có khả năng rủi ro trong việc bảo đảm thu được lợi nhuận chắc chắn. Trong khi đó, để phát triển các dự án NLTT đòi hỏi đầu tư lớn ban đầu để xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, cấp điện, nước thi công…).

Nhiều vùng được đánh giá tiềm năng cao, tuy vậy, việc tiếp cận các địa điểm này rất khó khăn do hạ tầng còn yếu, khiến việc phát triển dự án là gần như không thể. Hoặc, chủ đầu tư phải mất thêm chi phí để gia cố lại hạ tầng dẫn đến tổng chi phí đầu tư tăng lên đáng kể.

Đặc biệt là về thị trường, việc tính phí điều tiết ngành điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh là xu hướng tất yếu. Tuy vậy, cơ chế hoạt động của các dự án điện sử dụng NLTT cũng là một rào cản khi giá thành sử dụng nguồn năng lượng tái tạo còn cao, nhưngtrừ chi phí thì nhà đầu tư hiện lãi ít, thiếu hấp dẫn và cũng chưa có một quyết định mang tính chất khuyến khích bằng giá trị đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh khi sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo này.

Minh Thư  

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong-va-phat-trien/khoa-hoc-cong-nghe/201708/phat-trien-nguon-nang-luong-tai-tao-con-khong-it-rao-can-2835379/