Phát triển nông nghiệp: “Thị trường có khả năng tự điều chỉnh và chữa lành vết thương”

Đây là phát biểu của TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển nông nghiệp nông thôn, trong buổi công bố Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 của Ngân hàng Thế giới ngày 27/9.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển nông nghiệp nông thôn, trình bày về triển vọng ngành nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Minh Tuấn

Theo Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 của Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ chuyển đổi của ngành nông nghiệp Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc. Tuy vậy, ngành này đang đứng trước ngã ba đường, muốn tiến lên cần phải đổi mới phương thức phát triển để gia nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, giảm tác hại môi trường và người nông dân bớt thiệt thòi.

Nền nông nghiệp Việt Nam đang ở đâu?

Với tựa đề “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào”, báo cáo được công bố sáng 27/9 đánh giá ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến trong vài thập kỷ qua, khiến nhiều nước đang phát triển phải thèm muốn. Từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Việt Nam xếp thứ 5 về xuất khẩu thủy sản, gạo, cà phê, chè, hạt điều, tiêu đen, cao su và sắn. Tuy nhiên, hầu hết nông sản Việt Nam đều bán với giá thấp hơn các nước dẫn đầu khác.

Đơn cử như gạo, cho đến cuối thập kỷ 2000, phần lớn xuất khẩu gạo của Việt Nam là gạo chất lượng trung bình và thấp, được bán với giá thấp nhất trên thị trường quốc tế. Dù đã có sự đa dạng hóa trong những năm gần đây, gồm các giống gạo thơm, nhưng cả trong phân khúc thị trường này, gạo Việt Nam cũng có giá thấp hơn các nước.

Bên cạnh đó, các tác giả của báo cáo cũng chỉ ra những rào cản ngành này đang phải đối mặt liên quan đến dân số và môi trường. “Chất lượng và tính bền vững trong tăng trưởng nông nghiệp, và cách thức phát triển vẫn còn nhiều điều phải bàn”, báo cáo nhấn mạnh.

Hiện nay, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp và mức tăng năng suất yếu tố tổng hợp đã chậm lại. Trên một số phương diện, phát triển nông nghiệp đã gây tổn hại môi trường như tàn phá rừng, mất đa dạng sinh học, thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước và phát thải khí nhà kính.

“Tại hầu hết các địa phương, tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu dựa trên tăng diện tích canh tác, thâm canh, tăng vụ và tăng cường sử dụng phân bón, tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, sản lượng đầu ra ngày càng đòi hỏi chi phí đầu vào cao hơn và làm tăng chi phí môi trường”, theo ông Steven Jaffee, chuyên gia kinh tế trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp của WB tại Việt Nam.

Ông Ousmane Dione (thứ 2 từ trái sang), tân Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam, phát biểu tại buổi công bố Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 ngày 27/9. Ảnh: Minh Tuấn.

Ngành nông nghiệp tạo ra các sản phẩm nhưng cũng kèm theo một cái giá phải trả về môi trường, ông Ousmane Dione, tân Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam, nhận định.

“Đã đến lúc không thể “làm theo cách cũ” được nữa - tốc độ tăng trưởng đã giảm sút, nông nghiệp dễ bị tổn thương trước các hiểm họa thời tiết và nông nghiệp cũng tạo dấu ấn môi trường nghiêm trọng. Cần thay đổi để vượt qua những thách thức này, để đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp trong tương lai”, ông Dione nhấn mạnh.

Chính phủ cần “giảm chỉ đạo, tăng kiến tạo”

Báo cáo chỉ ra, ngành nông nghiệp đang bị cạnh tranh bởi các yếu tố trong nước về lao động, đất đai và nguồn nước, do quá trình phát triển đô thị, công nghiệp và dịch vụ. Chi phí lao động tăng đã bắt đầu hạn chế khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Các chuyên gia WB khuyến cáo đã đến lúc ngành nông nghiệp Việt Nam thực hiện “tăng giá trị, giảm đầu vào”, tức là phải tạo thêm giá trị kinh tế cho nông dân và người tiêu dùng, đồng thời giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, lao động và các nguồn lực khác.

Ngoài ra, cần tạo sự thay đổi không chỉ trong mô hình tăng trưởng mà ngay cả trong cơ cấu sản xuất và tổ chức chuổi cung ứng, do tình hình sản xuất và cung ứng hiện nay còn khá manh mún.

Trong phần trình bày về triển vọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), khuyến nghị Chính phủ cần “giảm chỉ đạo, tăng kiến tạo”.

Theo đó, Chính phủ cần đầu tư cho cơ sở hạ tầng để dọn đường cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chọn lọc doanh nghiệp đủ lớn để dẫn dắt chuỗi giá trị, xây dựng cụm công-nông nghiệp liên hợp dựa trên nhu cầu thị trường.

“Chúng ta phải khoan dung hơn với những trục trặc và sai sót của thị trường. Thị trường có khả năng tự điều chỉnh và chữa lành vết thương”, TS. Tuấn nhấn mạnh khi đề cập đến giảm vai trò của cơ quan hành pháp trong việc điều tiết thị trường.

Tại buổi công bố, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng chia sẻ quan điểm rằng Chính phủ cần phải để tư nhân và khoa học công nghệ dẫn dắt ngành nông nghiệp, và người nông dân phải là lực lượng trung tâm. Đổi mới nông nghiệp phải đem lại nhiều lợi ích và giảm thiệt thòi cho tầng lớp này.

Bà Phạm Chi Lan cũng chỉ ra chính sách đất đai hiện tại là một nút nghẽn cản trở phát triển nông nghiệp.

Chỉ khi quyền sử dụng đất đai trở thành quyền tài sản được đảm bảo thì người nông dân và doanh nghiệp mới yên tâm gắn bó lâu dài, đầu tư cho khoa học công nghệ và chuyển đổi mô hình sản xuất, bà Lan khuyến nghị.

TUAN MINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/phat-trien-nong-nghiep-thi-truong-co-kha-nang-tu-dieu-chinh-va-chua-lanh-vet-thuong-2019743.html