Phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh trọng điểm phía bắc

Trong hai ngày (26 và 27.5), đoàn công tác Trung ương do đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dẫn đầu đã làm việc tại Quảng Ninh.

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Trương Tấn Sang đánh giá cao những thành tựu phát triển bền vững của Quảng Ninh trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, quan hệ đoàn kết hữu nghị với nước bạn Trung Quốc trong thời gian qua. Đồng chí lưu ý: Để Quảng Ninh phát triển nhanh, toàn diện, tỉnh phải phát huy mạnh mẽ về lợi thế, tiềm năng; rà soát lại quy hoạch, kế hoạch; hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông; đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế cửa khẩu; tăng trưởng kinh tế, nhưng phải gắn liền với an sinh xã hội, bảo vệ môi trường bền vững... sớm đưa Quảng Ninh trở thành một tỉnh trọng điểm trong vùng kinh tế động lực phía bắc. Được biết, 5 năm qua, kinh tế Quảng Ninh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh từng bước được cải thiện. GDP bình quân đạt 12,5%; các ngành kinh tế trọng điểm tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất tăng bình quân 15,8%/năm. Đặc biệt, kinh tế cảng biển; du lịch - dịch vụ; thủy sản; khai thác khoáng sản...phát triển nhanh theo hướng bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong 5 năm, Quảng Ninh đã cấp phép cho 66 dự án FDI, với số vốn đăng ký 3.380 triệu USD... Bốn đề xuất, kiến nghị đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đưa ra tại buổi làm việc với đoàn công tác, đó là: Đề nghị trung ương chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Quảng Ninh đẩy nhanh việc triển khai thực hiện kết luận số 47 của Bộ Chính trị (đặc biệt là triển khai các dự án hạ tầng lớn; triển khai điểm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam; về tổ chức Đảng, đoàn thể của ngành than); tạo điều kiện thu hút đầu tư xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn gắn với tuyến cao tốc Móng Cái - Hạ Long - Vân Đồn và tuyến Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội; tạo điều kiện để Quảng Ninh sớm xây dựng Khu kinh tế Cô Tô, các cụm kinh tế quốc phòng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong khu vực “hai hành lang, một vành đai kinh tế”; tạo điều kiện để ngành than phát triển bền vững.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/phat-trien-quang-ninh-tro-thanh-tinh-trong-diem-phia-bac/20105/186128.laodong