Phát triển Tây Nguyên bền vững, đảm bảo sinh kế của người dân

Đó là quan điểm của người đứng đầu Chính phủ đưa ra tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4/2017.

Theo đó, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tây Nguyên không những là địa bàn giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và môi trường sinh thái của đất nước, mà còn là vị trí quan trọng, là nóc nhà của ba nước Đông Dương.

Chính vì thế, “Trước đây chúng ta đặt vấn đề ổn định để phát triển thì nay chúng ta đổi lại là phát triển bền vững để ổn định an ninh lâu dài. Trong đó, những yếu tố bảo đảm an ninh là phải phát triển bằng được kinh tế, phải quan tâm sâu sắc hơn đến sinh kế của người dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quan điểm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Qua đó, Thủ tướng kỳ vọng Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần này sẽ thu hút, huy động được các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để phát triển nhanh, bền vững khu vực Tây Nguyên. Từ đó, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch đi vào chiều sâu, quy mô, thực chất. Từ đó, tạo điều kiện cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của vùng miền và trao đổi về khả năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi đại gia súc, công nghiệp chế biến thương mại, du lịch...

Trước đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Nhà nước, sự phấn đấu của cấp ủy, chính quyền 5 tỉnh Tây Nguyên thời gian qua diện mạo chung của cả vùng có nhiều bước khởi sắc, đặc biệt về mạng lưới giao thông đã nhiều thay đổi, những tuyến đường huyết mạch được nâng cấp, sửa chữa đảm bảo ATGT như tuyến đường đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14, Quốc lộ 27... Những tuyến đường này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương hàng hóa của vùng mà còn kết nối với các vùng lân cận, đặc biệt là các khu vực ven biển Duyên hải Miền Trung.

Tại hội nghị đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên trao chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ

Bên cạnh đó, Tây Nguyên là mảnh đất Bazan màu mỡ, chiếm tới 60% đất bazan cả nước thuận lợi trồng những cây công nghiệp cao su, cà phê, cacao, hồ tiêu, trà, mắc ca… Riêng diện tích cà phê chiếm 80% của cả nước.

Tuy nhiên, “Chúng ta vẫn xuất thô. Giá trị gia tăng thấp và chưa có khả năng dẫn dắt giá thế giới”, Thủ tướng chỉ rõ và lấy ví dụ, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới nhưng kim ngạch chưa đạt 1,5 tỷ USD, chủ yếu sản xuất theo thói quen là hạt tiêu đen. Trong khi hạt tiêu trắng và đặc biệt là hạt tiêu đỏ có hiệu quả gấp 4 lần hạt tiêu đen nhưng chúng ta chưa sản xuất được bao nhiêu, chưa kể đến việc chế biến dược liệu từ cây hồ tiêu.

Hay với cây cà phê, sản xuất lớn thứ hai thế giới nhưng kim ngạch chỉ đạt khoảng 3,5 tỷ USD, chủ yếu là xuất khẩu cà phê nhân. Với cao su, Việt Nam cũng là một trong những nước xuất khẩu lớn nhất thế giới nhưng 80% là xuất thô. “Tôi nói một số mặt hàng lớn như thế, từ những mặt hàng lớn này chúng ta liên hệ các mặt hàng khác để các đồng chí thấy, các nhà đầu tư thấy, khai thác giá trị gia tăng này”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cũng chỉ ra các tồn tại khác như tình trạng di dân tự phát, thiếu cơ sở khoa học, nhiều doanh nghiệp đầu tư không gắn bó với cộng đồng, phát triển du lịch chưa xứng với tiềm năng…

“Nhưng với thái độ hết sức nghiêm túc chúng ta nhận thấy sau giải phóng chúng ta còn nhiều bấp cập. Chính vì vậy, cần phải khắc phục bất cập còn tồn tại từ việc để mất rừng, mất nguồn nước, đặc biệt tầng nước ngầm bị tụt sâu, môi trường sống xuất hiện nhiều bất cập, các nguồn lực chưa được khai thác đúng mức để nâng cao đời sống người dân. Thậm chí có người nói, Tây Nguyên như là buổi tiệc đã tàn canh, không còn là môi trường hấp dẫn, không còn chỗ giành cho những nhà đầu tư hướng đến. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi và của chính phủ Việt Nam nhận định đó chưa thực sự đúng khi nói về Tây Nguyên. Có thể nói, Tây Nguyên của chúng ta như một cô gái đẹp không những ngủ quên mà còn chưa chuyển mình kịp với đất nước và thời đại. Chính vì vậy, tôi muốn nêu kì vọng và tầm nhìn với vùng Tây Nguyên, vùng đất này phải phấn đấu trở thành cao nguyên trù phú về sinh học hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Đặc biệt, phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc và tính độc đáo riêng của vùng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phạm Trọng Nghị

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/phat-trien-tay-nguyen-ben-vung-dam-bao-sinh-ke-cua-nguoi-dan-d40364.html