Phẫu thuật tạo hình bàng quang bằng ruột non cho một bệnh nhân

Thông tin do các bác sĩ Ngoại Tiết Niệu Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (BVXA) TP Hồ Chí Minh cho biết vào chiều 10-3. Tại đây, các BS đã phẫu thuật nội soi tạo hình bàng quang bằng ruột non cho 1 bệnh nhân bị u bàng quang xâm lấn. Đây là một ca phẫu thuật khó, từ trước đến nay chỉ được thực hiện tại vài BV lớn có chuyên khoa tiết niệu.

Được biết, ông V.Đ. (51 tuổi, ngụ tại quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng) liên tục bị mệt mỏi, đau lưng, và thường tiểu ra máu. Kết quả khám tại BV địa phương, cho thấy, ông có khối u ác tính ở bàng quang. Qua giới thiệu từ người thân ông Đ. và gia đình quyết định tìm tới BVXA nhờ chữa trị.

Hình ảnh khối u bàng quang xâm lấn qua kết quả chụp Mri của bệnh nhân.

Qua khám lâm sàng và các khảo sát, các BS xác định khối u đã xâm lấn qua lớp cơ bàng quang. Để hạn chế tái phát, giảm biến chứng và giúp người bệnh có thể tiểu bình thường sau mổ, các bác sĩ lựa chọn phương pháp phẫu thuật nội soi cắt bỏ bàng quang và tạo hình bàng quang trực vị theo Studer.

Đầu tiên, các bác sĩ Ngoại Tiết Niệu BVXA tiến hành phẫu thuật nội soi cắt bỏ bàng quang, tuyến tiền liệt, túi tinh 2 ống dẫn tinh và 2 phần phụ thành 1 khối. Tiếp đó, tiếp tục nạo vét toàn bộ hạch để loại bỏ hoàn toàn khối u ác tính theo nguyên tắc phẫu thuật ung thư.

Sau đó, các bác sĩ rạch một đường vừa đủ để lấy khối bệnh phẩm đã cắt ra ngoài. Cuối cùng, các bác sĩ lấy một đoạn ruột non khoảng 60cm của bệnh nhân để tạo hình thành túi chứa nước tiểu. Bàng quang mới tái tạo này được nối với niệu đạo, nên bệnh nhân vẫn có thể đi tiểu theo đường tự nhiên như trước phẫu thuật.

Bệnh nhân được thăm khám lại sau ca phẫu thuật.

Cuộc phẫu thuật phức tạp này kéo dài hơn 6h đồng hồ, ekip phẫu thuật Ngoại Tiết Niệu của BVXA đã hết sức tập trung để chính xác trong từng công đoạn phẫu thuật. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định và hồi phục tốt.

Theo BS.CKII. Nguyễn Ngọc Phương Tâm – Trưởng khoa Ngoại Tiết Niệu, bệnh nhân đã được dùng phương pháp phẫu thuật nội soi để cắt bỏ bàng quang, bệnh nhân chỉ được rạch một được mổ nhỏ vừa đủ cho các thao tác lấy bệnh phẩm ra ngoài và tạo hình bàng quang. Việc này giúp giảm mất máu, giảm tỷ lệ biến chứng phẫu thuật và giúp bệnh nhân mau hồi phục hơn so với việc mổ hở truyền thống.

Huyền Nga

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/phau-thuat-tao-hinh-bang-quang-bang-ruot-non-cho-mot-benh-nhan-431942/