Phe cực hữu ở châu Âu chưa bị loại khỏi cuộc chơi

Các nhà phân tích cảnh báo sau Áo và Hà Lan, thất bại của bà Marine Le Pen ở Pháp trong cuộc bầu cử tổng thống là một "cú đấm" mới đối với phe cực hữu ở châu Âu, nhưng cuộc đua giành quyền lực còn lâu mới kết thúc.

Thất bại của bà Marine Le Pen không phải là kết thúc của phe cực hữu ở châu Âu.

Chiến thắng dường như đã rất gần với người phụ nữ 48 tuổi này, người đã hy vọng sẽ giải cứu "nền văn minh Pháp" khỏi những ảnh hưởng của toàn cầu hóa. Chiến dịch tranh cử của bà khiến nhiều cử tri lo ngại về tỷ lệ thất nghiệp cao, vấn đề nhập cư và mối đe dọa ngày càng tăng từ các cuộc tấn công khủng bố do những phần tử thánh chiến thực hiện. Nhưng ý định của bà Le Pen đưa nước Pháp ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã đi quá giới hạn khiến chiếc vương miện tổng thống đã thuộc về ứng cử viên thân châu Âu Emmanuel Macron.

Đây là thất bại thứ 3 của phe cực hữu ở châu Âu trong vòng 6 tháng qua. Tháng 12/2016, ứng cử viên Norbert Hofer của đảng Tự do Áo (FPOe) đã thua sát nút trong cuộc bầu cử lại tổng thống Áo. Tiếp đó là sự thất bại của thủ lĩnh đảng Vì tự do (PVV) chống Hồi giáo Geert Wilders trong cuộc bầu cử quốc hội ở Hà Lan. Tuy nhiên, đây chỉ là chướng ngại vật đối với phe cực hữu, vốn đã được tiếp thêm tinh thần sau quyết định của Anh rời bỏ EU và chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ.

Các phong trào cực hữu "cố gắng gây ảnh hưởng không phải bằng việc nắm quyền mà bằng cách hạn chế phạm vi hoạt động của các đảng trung hữu. Tại Áo, ứng cử viên Hofer đã giành gần 50% số phiếu ủng hộ. Trong trường hợp của Hà Lan, các đảng trung tả truyền thống đã bị xóa sổ hoàn toàn và Geert Wilders là một "người chơi nghiêm túc" ở Quốc hội. Đảng Tự do của ông Wilders đã giành được 5 ghế trong cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 3 vừa qua, trở thành đảng lớn thứ hai trong Quốc hội Hà Lan với tổng cộng 20 ghế. Kết quả bầu cử vòng 2 tại Pháp vừa qua là thành tích cao nhất của đảng "Mặt trận Dân tộc" (FN) cực hữu tại một cuộc bầu cử tổng thống trong suốt lịch sử 44 năm thành lập của đảng này.

Truyền thông châu Âu cũng cảnh báo về việc giảm thiểu mối đe dọa bài EU. Các đảng dân túy cực hữu ở Áo, Hà Lan, Đức và Pháp... đang mạnh hơn bao giờ hết. Chuyên gia nhấn mạnh bà Le Pen "vẫn chiếm hơn 1/3 số phiếu bầu, và bà sẽ là một lực lượng quan trọng hơn vào năm 2022 nếu Pháp đi theo quỹ đạo kinh tế hiện nay". Ông Macron cần thể hiện cho người Pháp thấy ông chính là sự lựa chọn đúng đắn, nếu không bà Le Pen và có thể là một Le Pen khác sẽ chờ thời cơ.

Đặng Ánh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/phe-cuc-huu-o-chau-au-chua-bi-loai-khoi-cuoc-choi.aspx