Phép thử cho Eurozone

(Tài chính) “Con tàu” kinh tế của Eurozone vốn vẫn chưa đạt được mức tăng trưởng như mong đợi nay lại tiếp tục gặp thử thách đến từ những vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Nhiều ý kiến cho rằng tình hình sẽ tồi tệ hơn khi Nga có thể sẽ cắt cung cấp khí đốt cho châu Âu vào mùa đông năm nay để trả đũa các lệnh trừng phạt của EU. Nguồn: internet

Tăng trưởng, lạm phát không đạt mong đợi

Theo số liệu được Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố ngày 5/9/2014 thì GDP (ước tính lần hai) của nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ghi nhận mức tăng trưởng 0% trong quý II/2014. Tăng trưởng GDP của 28 nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng chỉ đạt mức 0,2% trong quý II/2014. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2013, tăng trưởng GDP trong quý II/2014 của Eurozone và EU lần lượt chỉ đạt mức 0,7% và 1,2%.

Kinh tế Eurozone nói riêng và EU nói chung từ lâu đều trông đợi vào kinh tế Đức. Tuy nhiên, điều đáng nói là số liệu thống kê mới đây đã cho thấy GDP của Đức thậm chí đã giảm 0,2% trong quý II/2014, đánh dấu quý suy giảm đầu tiên kể từ đầu năm 2013.

Châu Âu không chỉ lo tăng trưởng rơi vào ngưng trệ mà còn đang lo giảm phát. Theo số liệu từ Eurostat, trong tháng 8, lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu là 0,3%. Đây là mức lạm phát thấp nhất của Eurozone kể từ tháng 10/2009. Lạm phát dưới mức 1% được coi là nguy hiểm, bởi đây là một dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng châu Âu giảm chi tiêu.

Căng thẳng tại ukraine – rào cản tăng trưởng

Các số liệu kinh tế châu Âu đang gây thất vọng lớn. Nhiều ý kiến còn lo ngại viễn cảnh của kinh tế khu vực này sẽ tiếp tục ảm đạm hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, căng thẳng giữa Nga và Ukraine - một trong những yếu tố chính kéo tăng trưởng kinh tế quý II/2014 của Eurozone về mức 0% do tâm lý các nhà đầu tư vào các thị trường của châu Âu trở nên bất an, tiếp tục được coi là rào cản tăng trưởng lớn nhất của Eurozone trong các quý tiếp theo của năm 2014.

Nhà kinh tế Evelyn Herrmann thuộc BNP Paribas cảnh báo nguy cơ suy giảm của kinh tế Eurozone sẽ cao hơn trong quý III/2014, chủ yếu do tình hình căng thẳng địa chính trị. Kinh tế Đức đã và sẽ chịu tác động bất lợi do những biến động chính trị. Chỉ số niềm tin kinh tế của Đức trong tháng 8 đã giảm từ 27,1 điểm xuống còn 8,6 điểm, mức thấp nhất trong 20 tháng qua. Trong khi đó, “kinh tế Pháp tiếp tục là một mối lo thực sự. Kinh tế Italy thì sa sút từ tăng trưởng vững sang trì trệ. Đã có những dấu hiệu gần như chắc chắn cho thấy động lực tăng trưởng đang suy giảm nhanh chóng tại các đầu tàu công nghiệp chủ chốt của Eurozone như Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan”, chuyên gia kinh tế cấp cao Rob Dobson thuộc hãng nghiên cứu Markit đánh giá.

Trước tình trạng tăng trưởng yếu ớt và lạm phát thấp của nền kinh tế khu vực, Ngân hàng Trung ương (ECB) đã có những quyết định hành động mạnh như vào ngày 4/9/2014 đã đồng loạt giảm các lãi suất chủ chốt, đồng thời công bố chương trình mua chứng khoán đảm bảo bằng tài sản (ABS) và chứng khoán có đảm bảo... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tình hình sẽ tồi tệ hơn khi Nga có thể sẽ cắt cung cấp khí đốt cho châu Âu vào mùa đông năm nay để trả đũa các lệnh trừng phạt của EU.

Nhiều nguồn tin cho rằng EU đang gấp rút chuẩn bị một kế hoạch khẩn cấp cho tình huống này, bao gồm cấm tái xuất khẩu khí đốt và giảm tiêu thụ khí đốt trong công nghiệp nhằm tăng nguồn dự trữ. Tuy vậy, đây đều là các biện pháp có thể gây thiệt hại cho các doanh nghiệp châu Âu.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 9 - 2014

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nhan-dinh-du-bao/phep-thu-cho-eurozone/54322.tctc