Phí tham quan lễ hội, di tích lịch sử năm 2017: Nơi muốn bỏ, chỗ muốn thu thêm!

Năm 2017, giá vé thăm quan các lễ hội, di tích lịch sử ở nhiều địa phương có sự thay đổi lớn.

Bỏ phí tham quan Đền Hùng, vé vào chùa Hương tăng gấp đôi

Cụ thể, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ, phí tham quan khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Hùng sẽ bỏ từ ngày 1/1/2017.

Trước đây, phí tham quan Đền Hùng được áp dựng từ tháng 7/2009, không phận biệt du khách Việt hay nước ngoài. Giá vé cho người từ 16 tuổi trở lên là 10.000 đồng, người từ 10 – 16 tuổi là 5.000 đồng. Không thu phí với trẻ em dưới 10 tuổi.

Thời gian thu phí là các ngày trong năm trừ Tết Nguyên đán (30 tháng Chạp – mùng 3 tháng Giêng) và Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Nguồn thu phí tham qua được sử dụng chi cho việc vệ sinh môi trường, thu gom rác, trồng cây cảnh…

Bỏ thu phí tham quan Đền Hùng. Ảnh: TL

Trái ngược với nghị quyết bỏ việc thu phí ở Đền Hùng, tạo điều kiện cho du khách tham quan thuận lợi, thoải mái hơn thì giá vé tham quan tại chùa Hương sẽ tăng gần gấp đôi trong năm 2017.

Cụ thể, giá vé tham quan di tích chùa Hương sẽ tăng từ 49.000 đồng lên 78.000 đồng với vé thường. Tăng từ 24.000 đồng lên 38.000 đồng đối với du khách là trẻ em, người cao tuổi.

UBND TP Hà Nội nêu lý do tăng do mức thu phí Chùa Hương đang thực hiện đã áp dụng được 5 năm (từ năm 2012). Từ năm 2012 đến nay, mức lương tối thiểu cơ bản từ 830.000 đồng đã tăng lên 1.210.000 đồng, các chi phí khác như điện, nước, văn phòng phẩm, nhân công, vật tư nguyên liệu cũng tăng đáng kể theo chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số lạm phát hàng năm.

Đồng thời, so với mức thu phí của các di tích có quy mô lớn, giá trị văn hóa lịch sử quan trọng trên địa bàn thành phố, HĐND Thành phố quyết định mức phí này tương đối thấp, chưa phù hợp với quy mô và giá trị của di tích.

Phí vào chùa Hương sẽ tăng gần gấp đôi so với mọi năm. Ảnh: TL

Bên cạnh đó, UBND huyện Mỹ Đức đã đầu tư xây dựng các công trình tu bổ, tôn tạo di tích. Với mức thu phí đang thực hiện không đủ bủ đắp các chi phí cần thiết, Ngân sách nhà nước đang phải bù thêm để có kinh phí thực hiện.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban quản lý khu di tích Hương Sơn cho biết: “Việc tăng phí tham quan chùa Hương sẽ giúp chất lượng dịch vụ lễ hội được tốt hơn. Trong đó, sự an toàn của du khách đi đi thuyền, vệ sinh lễ hội…Mọi năm, chúng tôi không trang bị đủ áo phao, năm nay sẽ đảm bảo số lượng áo khi chở du khách. Điểm mới trong lễ hội năm nay là du khách sẽ không phải mất phí đi vệ sinh như mọi năm nữa”.

Ngoài việc tăng giá vé tham quan chùa Hương thì mức thu đang thực hiện đối với các di tích trên địa bàn thành phố vẫn giữ nguyên. Cụ thể Di tích cổ Loa, Đền Quán Thánh, Chùa Thầy, Chùa Tây Phương: 10.000 đồng; Làng cổ Đường Lâm: 20.000 đồng; Đền Ngọc Sơn, Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long: 30.000 đồng.

Chưa phải mua vé tham quan Yên Tử

Tại di tích danh thắng Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh), du khách vẫn sẽ không phải mua vé tham quan. Hiện một số công trình văn hóa ở Yên Tử vẫn đang trong giai đoạn thi công ngổn ngang nên nếu tái thu phí tham quan di tích Yên Tử sẽ gây ra phản cảm với khách du lịch.

Sau khi bỏ thu phí tham quan (năm 2007), Yên Tử đón 2 triệu lượt khách mỗi năm, tăng vọt từ 100.000 lượt. Nhiều ý kiến cho rằng, việc không phải trả phí tham quan tạo tâm lý thoải mái, gần gũi cho du khách đến với điểm du lịch tâm linh này.

Năm 2017, khách tham quan chưa phải mua vé khi đến với Yên Tử. Ảnh: TL

Vừa qua, đánh giá công tác tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2016, ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội yêu cầu trong thời gian tới ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần khắc phục những hạn chế còn tồn tại để các kỳ lễ hội sau ngày càng chất lượng hơn, sớm hoàn thiện các bước để năm 2017 chấm dứt thu phí tham quan di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức về việc này.

Thu phí tham quan Dinh Độc Lập, bỏ phí vào Thành cổ Quảng Trị

Vừa qua, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 182/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan di tích lịch sử Dinh Độc Lập .Thông tư quy định mức thu phí đối với người lớn, mức thu 40.000 đồng/người/lượt.

Đối với sinh viên, học sinh (học viên) trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường dạy nghề, mức thu là 20.000 đồng/người/lượt. Sinh viên, học sinh (học viên) là người có thẻ sinh viên, học sinh, học viên do các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam cấp.

Đối với trẻ em, (từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi ) học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông, mức thu 10.000 đồng/người/lượt. Trường hợp khó xác định là người dưới 16 tuổi phải xuất trình giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc bất kỳ một giấy tờ khác chứng minh là người dưới 16 tuổi. Học sinh là người có thẻ học sinh do các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam cấp.

Dinh Độc Lập. Ảnh: TL

Thông tư nêu rõ miễn thu phí tham quan đối với các đoàn khách tham quan là đại biểu, khách mời của cơ quan Đảng, Nhà nước. Trẻ em dưới 6 tuổi và người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật.

Bên cạnh đó, giảm 50% mức phí tham quan di tích lịch sử Dinh Độc Lập đối với một số trường hợp. Tổ chức thu phí được để lại 90% tổng số tiền phí thu được để trang trải cho các chi phí theo quy định, nộp 10% số tiền phí thu được vào ngân sách Nhà nước.

Sau khi xem xét các quy định, thực tiễn hoạt động tại các di tích lịch sử, HĐND tỉnh Quảng Trị thống nhất, năm 2017 không áp dụng thu phí đối với khu di tích Thành Cổ Quảng Trị , kể cả khách nước ngoài đến tham quan tại đây.

Bỏ phí tham quan khu di tích Thành Cổ Quảng Trị. Ảnh: TL

Liên quan đến mức thu các loại phí, lệ phí tham quan các di tích lịch sử, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh đề nghị bổ sung danh mục phí di tích Thành cổ Quảng Trị áp dụng cho đối tượng “Khách tham quan là người nước ngoài”, với mức thu 150.000 đồng/người/lần.

Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, không nên đặt việc thu phí đối với Thành cổ Quảng Trị, bởi đây là nơi khách và thân nhân liệt sĩ đến viếng và tri ân, khách nước ngoài đến Thành cổ cũng không nhiều. Do vậy, việc thu phí sẽ không phù hợp. Hơn nữa, tỉnh Quảng Trị đang có chủ trương giới thiệu, quảng bá hình ảnh.

Cũng tại cuộc họp này, HĐND tỉnh Quảng Trị quyết định, địa đạo Vịnh Mốc, di tích Hiền Lương, sân bay Tà Cơn áp dụng chung mức thu phí 50.000 đồng để huy động đóng góp của cộng đồng vào việc trùng tu, vận hành quản lý các di tích này.

Ngọc Thi

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/phi-tham-quan-le-hoi-di-tich-lich-su-nam-2017-noi-muon-bo-cho-muon-thu-them-2016122421382814.htm