Phía sau khoản lợi nhuận tăng vọt của Coteccons

Nguồn hợp đồng từ mảng xây dựng công nghiệp dồi dào giúp doanh thu của Coteccons tăng trưởng bất chấp sự ảm đạm của thị trường bất động sản dân dụng.

 Coteccons vừa có quý kinh doanh tốt nhất 4 năm. Ảnh: CTD.

Coteccons vừa có quý kinh doanh tốt nhất 4 năm. Ảnh: CTD.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III niên độ 2023-2024 (giai đoạn 1/1-31/3/2024), CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) ghi nhận doanh thuần 4.665 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ niên độ trước. Nhờ cải thiện giá vốn, biên lợi nhuận gộp được nâng lên đáng kể từ 1,8% lên 4,7%.

Động lực từ xây dựng công nghiệp

Trong kỳ kinh doanh vừa qua, Coteccons không phát sinh chi phí bán hàng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 149%, lên 181 tỷ đồng, chủ yếu do tăng các khoản chi phí dự phòng. Trong khi đó, chi phí tài chính của công ty giảm 3 lần, nhờ hoàn nhập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư.

Sau khi khấu trừ các loại chi phí về thuế, Coteccons báo lãi ròng 105 tỷ đồng, tăng 376% so với cùng kỳ và là mức lợi nhuận hàng quý cao nhất trong vòng gần 4 năm qua.

Lũy kế 9 tháng niên độ 2024 (giai đoạn 1/7/2023-30/6/2024), nhà thầu xây dựng này ghi nhận doanh thu thuần gần 14.450 tỷ đồng, tăng 16% và báo lãi ròng gần 241 tỷ đồng, gấp 6,4 lần cùng kỳ.

Mới đây, Coteccons đã thông qua việc thay đổi kế hoạch kinh doanh cho năm tài chính 2024. Trong đó, chỉ tiêu doanh thu hợp nhất được nâng lên mức 20.000-20.500 tỷ đồng, cao hơn 12-15% so với trước đó. Tương tự, mục tiêu lợi nhuận sau thuế cũng được nhà thầu xây dựng này nâng lên 5-8%, ở mức 288-296 tỷ đồng.

So với kế hoạch mới, công ty xây dựng đã hoàn thành 72% chỉ tiêu doanh thu và 81-84% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

So với đầu niên độ, tổng tài sản của Coteccons đã giảm 2% xuống hơn 20.900 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm gần 54% còn hàng tồn kho chiếm 14%. Tổng nợ phải trả của nhà thầu này vào khoảng 12.400 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay là hơn 2.400 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Chứng khoán FPT (FPTS), đà tăng trưởng doanh thu của Coteccons trong bối cảnh mảng xây dựng dân dụng ảm đạm chủ yếu đến từ các dự án xây dựng công nghiệp.

Trong 9 tháng đầu niên độ, giá trị hợp đồng ký mới của công ty đã đạt 19.000 tỷ đồng, đưa tổng giá trị backlog lên khoảng 24.000 tỷ đồng, cao gấp 1,45 lần doanh thu năm ngoái.

Trong cơ cấu backlog, mảng xây dựng công nghiệp đã gia tăng đáng kể lên 35% và dự báo có thể tăng lên 45% tổng giá trị backlog.

Các chuyên gia từ FPTS đánh giá Coteccons giành được các hợp đồng xây dựng công nghiệp lớn vì thuộc số ít nhà thầu áp dụng tiêu chuẩn ESG vào hoạt động xây dựng. Đây là lợi thế lớn trong bối cảnh các chủ đầu tư FDI chú tâm tới hoạt động phát triển bền vững.

Trên thực tế, Coteccons đã giành thành công nhiều hợp đồng xây dựng cho đối tác nước ngoài như Lego tại Bình Dương, Suntory Pepsico tại Long An hay mới đây là nhà máy của Pandora cũng tại Bình Dương.

Định hướng mở rộng ra nước ngoài

Trong năm tài chính 2024, Coteccons thực hiện nhiều hoạt động nhằm mở rộng lĩnh vực và hoạt động kinh doanh, điển hình như mua lại 100% 2 công ty trong lĩnh vực xây dựng và định hướng mở rộng sang thị trường nước ngoài.

Cụ thể, công ty đã mua lại 2 công ty là Sinh Nam và UG M&E, hoạt động chính trong lĩnh vực nhôm kính facade và cơ điện MEP. Đây là 2 doanh nghiệp từng hợp tác với Coteccons ở các dự án xây dựng phân khúc cao cấp.

Nhóm chuyên gia đánh giá việc mua lại 2 công ty này sẽ giúp Coteccons hoàn thiện chuỗi cung ứng để tiến ra thị trường nước ngoài và cải thiện biên lợi nhuận gộp.

Hiện biên lãi gộp của công ty dao động ở mức khá thấp 2,5-3,5% trong khi biên lãi gộp mảng nhôm kính khoảng 15-18% và mảng cơ điện khoảng 6%.

Coteccons cũng đang nghiên cứu đầu tư ra thị trường nước ngoài theo hướng hợp tác với các chủ đầu tư khác và tiến tới các thị trường lân cận Việt Nam. Doanh nghiệp đã lập một công ty con vào tháng 10/2023 và lập văn phòng đại diện tại Indonesia.

Trên báo cáo tài chính, ông lớn ngành xây dựng cũng ghi nhận 2 khoản tiền thuê đất 165 tỷ đồng và tiền đặt cọc mua căn hộ 224 tỷ đồng. Đây là một khoản đầu tư của Covestcons (công ty con của Coteccons) tại dự án 230 Nguyễn Trãi, quận 1, TP.HCM.

Theo FPTS, Covestcons sẽ thực hiện theo hình thức mua lại căn hộ tại dự án này và đưa lại cho chủ đầu tư vận hành, sau đó sẽ bán ra tại thời điểm hợp lý.

Các chuyên gia phân tích kỳ vọng Coteccons sẽ ghi nhận doanh thu cho thuê bất động sản từ dự án này trong quý I/2025 sau khi được bàn giao vào tháng 12/2024.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/phia-sau-khoan-loi-nhuan-tang-vot-cua-coteccons-post1475962.html