'Phiên chợ đồng giá' đặc biệt

Cũng dập dìu kẻ bán, người mua, nhưng những người đến “phiên chợ đồng giá” chỉ phải trả 2.000 đồng cho một món hàng bất kỳ. Phiên chợ đặc biệt này là ý tưởng xuất phát từ mong muốn được sẻ chia với những người lao động nghèo tại Hà Nội của các thành viên trong dự án E2K (Everything With 2K).

Dự án của những tấm lòng

Là nhân viên công tác tại Viện Dược liệu (số 3B Quang Trung, quận Hoàn Kiếm) hằng ngày chứng kiến nhiều hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn, gặp vô vàn những người lao động nghèo phải vật lộn mưu sinh, chị Vũ Thị Lan không khỏi trăn trở. Đọc báo, biết đến hoạt động bán hàng đồng giá 2.000 đồng - một ý tưởng đang được triển khai ở TP Hồ Chí Minh, chị bàn với 3 người bạn xây dựng mô hình này tại Hà Nội.

Một phiên chợ của E2K tại số 3B phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm.

E2K do chị Lan và những người bạn thành lập mới đi vào hoạt động từ tháng 8-2016 nhưng đã trở thành địa chỉ tin cậy của rất nhiều bác xe ôm, chị hàng rong và bệnh nhân ở các bệnh viện... Để dự án không chỉ nằm trong ý tưởng hay trên giấy, các thành viên sáng lập của E2K đã phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức. “Rất may, chúng tôi được Viện Dược liệu hết sức tạo điều kiện, cho mượn một khoảng sân nhỏ bán hàng và tận dụng các gầm cầu thang làm kho chứa. Việc còn lại là chung tay kêu gọi, nhận, phân loại đồ từ thiện và bán hàng”, chị Lan chia sẻ.

Khi những khó khăn lần lượt được giải quyết, cứ 8h30 ngày thứ bảy hằng tuần, “phiên chợ” lại bắt đầu mở cửa. Hàng trăm món đồ, từ quần áo, giày dép cho đến sách vở, chăn bông, dầu gội đầu,... đều được bày bán với giá duy nhất chỉ 2.000 đồng. Để kịp giờ mang hàng ra “chợ”, các tình nguyện viên đã phải làm việc trước đó nhiều ngày.

Chị Nguyễn Thị Hải, một tình nguyện viên cho biết: “Trong số các công đoạn chuẩn bị cho buổi bán hàng thì việc phân loại là vất vả nhất. Nhiều người gửi quần áo cũ về cho dự án rất cẩn thận, từ giặt, là phẳng rồi bọc từng chiếc một nhưng cũng có nhiều người không được chu đáo như vậy. Tốn nhiều công sức nhưng nhìn thấy ánh mắt háo hức, vui vẻ khi chọn được món đồ ưng ý của “khách hàng”, các tình nguyện viên lại có thêm động lực để làm việc.

Buổi mở phiên chợ đầu tiên, nhiều người lao động còn dè dặt, khi được giải thích họ vừa ngạc nhiên, vừa hào hứng. Qua vài tuần xuất hiện, phiên chợ đặc biệt này đã trở thành “địa chỉ đỏ” của những người có thu nhập thấp ở Thủ đô. Từ ngày biết đến E2K, chị Nguyễn Thị Tình (37 tuổi, Nam Định), làm nghề bán hàng rong nhưng sáng thứ bảy nào cũng ghé qua. Xung quanh chị Tình có hàng chục người là xe ôm, người giúp việc gia đình, người bán hàng rong… đang tất tả chọn mua hàng.

Lan tỏa yêu thương

Chị Nguyễn Thu Hương (tổ 12, Thạch Bàn, Long Biên) là một người đồng hành mới của dự án E2K. Biết đến ý tưởng tốt đẹp của “phiên chợ 2.000 đồng” chị đã dành hẳn tầng 2 của nhà mình để “mở chợ”, giúp cho E2K đến gần hơn với người lao động nghèo ở Long Biên. Chị Hương cho biết: “Tôi thấy dự án rất hay nhưng vì ở tận phố Quang Trung, khá xa so với nhà tôi nên ít có cơ hội tham gia cùng chị em. Ngay khi biết mọi người muốn mở rộng thêm dự án, tôi đã xung phong nhận trách nhiệm mở điểm bán hàng ngay tại nhà mình”.

Chị Hương đứng ra mở “chi nhánh” cho dự án được vài hôm thì bạn bè của chị cũng mang quần áo, đồ đạc còn tận dụng được nhưng không dùng đến tới ủng hộ. Không chỉ góp hiện vật, họ còn trở thành những tình nguyện viên, cuối tuần nào cũng đến phân loại quần áo và bán hàng cùng chị.

Từ 4 thành viên ban đầu, đến nay E2K đã có thêm hàng chục tình nguyện viên, đa phần đều là các bạn trẻ thế hệ 8X, 9X. Ngoài điểm bán hàng ở Viện Dược liệu và Thạch Bàn (quận Long Biên), dự án còn có thêm một điểm nhận quần áo từ thiện tại số 124 Âu Cơ (quận Tây Hồ). Chị Vũ Thị Lan cũng không thể ngờ, sức lan tỏa của dự án lại mạnh mẽ đến vậy. Những ngày đầu hàng hóa eo hẹp bao nhiêu, bây giờ lại đa dạng, phong phú bấy nhiêu. “Bây giờ không chỉ có bạn bè chúng tôi ủng hộ mà rất nhiều “mạnh thường quân” ở khắp nơi mang quần áo cũ đến quyên góp. Một số người nghèo cũng vừa mua, vừa ủng hộ dự án. Chỉ có giá 2.000 đồng một món đồ nhưng mỗi buổi sáng thứ bảy ở Viện Dược liệu hay buổi chiều chủ nhật ở Long Biên chúng tôi bán được có khi 800.000 đến 1 triệu đồng. Một nhóm các bạn thanh niên viết thư pháp còn đến “bán chữ” với giá 2.000 đồng để ủng hộ dự án, cũng là một cách làm quà cho người nghèo”, chị Lan hồ hởi nói.

Theo chị Lan, người lao động nghèo ở Hà Nội khó khăn nhưng nhiều vùng còn khó khăn hơn. Vì vậy, thay vì tặng cho miễn phí, E2K quyết định bán mọi thứ với giá 2.000 đồng, vừa để mọi người không mang cảm giác được ban ơn, dự án lại có thêm một khoản nhỏ để giúp đỡ những hoàn cảnh khác. Toàn bộ số tiền thu được từ các “phiên chợ”, E2K dồn lại để ủng hộ đồng bào miền Trung đang gặp lũ lụt hay tặng cho các trẻ em nghèo, trẻ mồ côi.

ý kiến
Tắc đường... do ý thức!

Mới đây, đoạn video được đăng tải trên diễn đàn Otofun ghi lại một tình huống vô cùng nguy hiểm khi một cô gái đi xe máy cố tình lấn làn, tạt đầu ô tô trong hầm chui Kim Liên (Hà Nội). Vụ việc xảy ra sáng 26-12-2016. Lái xe ô tô chỉ còn biết đạp phanh gấp còn cô gái điều khiển xe máy thản nhiên phóng xe đi tiếp...

Đáng tiếc là những trường hợp trên không hiếm.

Thẳng thắn thừa nhận, hạ tầng chưa đồng bộ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc đường, kẹt xe thường xuyên xảy ra, nhất là trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, lỗi có một phần do nguyên nhân chủ quan. Đơn cử như tại một số tuyến phố có sơn kẻ vạch, phân làn đường dành riêng cho ô tô, xe máy, thế nhưng tình trạng xe chạy lấn làn vẫn xảy ra như cơm bữa. Hay tình trạng lấn đường, vượt ẩu, không nhường đường của rất nhiều người điều khiển phương tiện, đặc biệt tại các tuyến phố hẹp, đoạn đường giao nhau không có đèn tín hiệu, không có người điều khiển giao thông, chỉ nhanh chậm một chút thôi nhưng nhiều người vẫn mạnh ai nấy len lên, lấn hết làn đường của dòng phương tiện đối diện, dẫn đến tình trạng ùn tắc đường kéo dài.

Để giảm bớt tình trạng tắc đường, kẹt xe, tránh những va quệt, tai nạn giao thông, đặc biệt là những ngày cuối năm, thiết nghĩ, bên cạnh sự nỗ lực của Nhà nước trong việc đẩy mạnh đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng, rất cần người dân nâng cao ý thức, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, cần thực hiện xử phạt nặng các trường hợp vi phạm luật, nhằm tăng tính răn đe.

Nguyễn Phương Ngân (Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân)

An Tâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/859595/phien-cho-dong-gia-dac-biet