Phiên chợ Việt kích cầu tiêu dùng

Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Hà Nội và các DN ngành thương mại TP đã tổ chức 22 phiên chợ Việt và 350 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện và khu công nghiệp (KCN).

Vươn tới thị trường nông thôn

Năm 2016, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã tổ chức 22 phiên chợ Việt và các chuyến bán hàng lưu động tại 9 huyện và 2 KCN. Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân các huyện ngoại thành trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Hapro sẽ tổ chức trên 60 cửa hàng phục vụ Tết, 100 điểm bán hàng lưu động phục vụ Tết ở ngoại thành, 10 điểm bán hàng kéo dài qua Giao thừa. Theo bà Nguyễn Thị Hải Thanh - Phó Tổng giám đốc Hapro, Tổng Công ty mang đến chợ Tết nhiều sản phẩm truyền thống như bánh chưng, giò các loại, bánh mứt kẹo, gạo, đồ uống, nước giải khát, đặc biệt là đặc sản truyền thống các vùng miền... Ngoài ra, còn có các sản phẩm quần áo thời trang, đồ gia dụng..., đáp ứng nhu cầu phong phú của người dân. Đối với các điểm chợ Tết nội thành, hàng ngoại có thể chiếm 10 - 20%, nhưng với các điểm bán hàng ở ngoại thành thì chủ yếu là hàng Việt Nam .

Người dân huyện Thạch Thất mua hàng tại phiên chợ Việt tổ chức trên địa bàn. Ảnh: Hoài Nam

Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các DN sẽ tổ chức 5 Hội chợ hàng Việt phục vụ Tết tại các huyện, thị xã và hàng trăm chuyến bán hàng lưu động. Qua việc tổ chức các tuần hàng Việt, phiên chợ Việt, bán hàng lưu động nhằm đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng (NTD), giúp bà con các huyện tiếp cận hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả hợp lý. Đồng thời tạo điều kiện quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt, qua đó giúp các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển, mở rộng mạng lưới kinh doanh tại khu vực ngoại thành.

Phiên chợ đã giúp người dân không phải vào tận nội thành mua sắm. Đặc biệt, do sản phẩm bán tại tuần hàng Việt, phiên chợ Việt chủ yếu là hàng trong nước, có nhãn mác, địa chỉ rõ ràng nên không sợ mua phải hàng giả, nhái nhãn mác. Vì vậy, trong thời gian tới, ngành công thương nên thường xuyên tổ chức những phiên chợ này để người dân có điều kiện được tiếp cận với hàng Việt, nhất là những mặt hàng bình ổn giá.

Vẫn còn những khó khăn

Mặc dù phiên chợ Việt đã tạo cơ hội cho DN quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, thế nhưng trong quá trình tổ chức, số lượng DN tham gia không nhiều như mong muốn.

Có tình trạng này là do chi phí vận chuyển hàng hóa, phục vụ việc tổ chức bán hàng tại các phiên chợ Việt khá cao nên DN thường không có lãi. Bên cạnh đó, NTD tại khu vực ngoại thành có thói quen so sánh giá bán giữa hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ với sản phẩm không có nguồn gốc, hàng nhái… do tư thương, tiểu thương đóng trên địa bàn đưa vào lưu thông. Điều này ảnh hưởng đến quyết định tiêu thụ sản phẩm của người dân, dẫn đến doanh thu của DN tổ chức phiên chợ Việt giảm.

Thực tế cho thấy, trong quá trình đưa hàng Việt tới các huyện, DN tham gia chương trình đang phải đối mặt với vấn nạn hàng giả, nhái nhãn mác, nhất là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Không chỉ có vậy, NTD khu vực ngoại thành thường có tâm lý mua những sản phẩm được DN sản xuất giảm giá, khuyến mại…, nhưng việc liên kết DN sản xuất với DN phân phối còn khá lỏng lẻo nên hầu như không đưa ra chương trình giảm giá cho sản phẩm đưa về ngoại thành tiêu thụ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến sức tiêu thụ hàng Việt không cao như DN mong muốn.

Để hỗ trợ DN, lực lượng quản lý thị trường cần đẩy mạnh triệt phá các đường dây buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, vận động DN sản xuất liên kết với DN bán lẻ, từ đó xây dựng các chương trình khuyến mại phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Để đảm bảo quyền lợi cho NTD, Sở Công Thương yêu cầu DN tham gia chương trình đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phải là hàng Việt, đảm bảo chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá hợp lý đáp ứng yêu cầu vệ sinh ATTP.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phien-cho-viet-kich-cau-tieu-dung-276830.html