Phiên đấu giá Vị nghệ thuật lần thứ nhì về hội họa Việt Nam

Phiên đấu giá Vị nghệ thuật thứ hai do Lý Thị (Lythi Auction) tổ chức từ ngày 20-27.5 tại Hôtel des Arts Saigon (TPHCM).

“Bản giao hưởng trắng” của Hoàng Tích Chù là tác phẩm đáng chú ý nhất tại phiên đấu giá. Ảnh: L.Đ

Trong lần thứ hai này, Lythi Auction chủ đích chọn lọc những tác phẩm nội địa, gói gọn trong 18 lô hàng, đa dạng về phong cách nghệ thuật. Đây là những tên tuổi hoặc đã thành huyền thoại của nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam, hoặc đang nổi tiếng, ngoài ra còn có những nhân tố cần khám phá.

Phiên đấu giá này chào đón những tiếp nối thế hệ nghệ thuật và nhịp cầu cha con rất thú vị, như họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906-1954) và họa sĩ Tô Ngọc Thành (sinh 1940), họa sĩ Hoàng Lập Ngôn (1910-2006) và họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm (1959-2011).

Tại đây còn có sự hiện diện một tác phẩm thuốc nước thuộc giai đoạn hoàn mỹ của họa sĩ Lưu Công Nhân (1929-2007) vào những thập niên 1950-1960. Bên cạnh đó là bộ sưu tập tranh của Văn Đen (1919-1988). Văn Đen sinh tại Cần Thơ, tự học vẽ từ năm l921, năm 1950 ông qua Pháp học dự thính Cao đẳng Mỹ thuật Paris, đến 1953 thì trở về nước. Ông là giảng viên mỹ thuật từ 1964-1988 tại Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (sau này Đại học Mỹ thuật TPHCM).

“Cũng như Bùi Xuân Phái, Văn Đen đã để lại một hình ảnh toàn vẹn về hội họa lẫn nhân cách. Mỗi người một bản sắc, mỗi người một đỉnh cao, nhưng hơn thế nữa, hai họa sĩ đã trở thành biểu tượng chung cho tình yêu con người, quê hương, lòng vị tha và trái tim tận hiến” - họa sĩ Trịnh Cung nhận định. Từ góc độ sưu tập, có thể nói bộ sưu tập tranh Văn Đen của gia đình kiến trúc sư Christian Pedelahore (khá nổi tiếng ở Paris hiện nay) là đầy đủ nhất.

Tiêu điểm của phiên đấu giá này là tác phẩm “Bản giao hưởng trắng” của Hoàng Tích Chù (1912-2003). Tác phẩm đã được vẽ ngay sau khi Việt Nam kết thúc chiến tranh (tháng 4.1975), là chiêm nghiệm riêng của họa sĩ về chiến tranh, về giá trị của hòa bình, về gắn kết vùng miền qua hình ảnh tình chị em, như song sinh. Nhân vật trong tranh được cho là lấy hình mẫu từ chính người vợ của Hoàng Tích Chù, một tiểu thư xinh đẹp phố Hàng Bạc, Hà Nội.

Đặc biệt, tại phiên đấu giá của Lythi Auction xuất hiện bản ký họa trên giấy can “Phong cảnh đồng quê” của bức sơn mài “Nhớ trung du Bắc Bộ” của Nguyễn Gia Trí. Do hai tác phẩm này được thực hiện trong cùng một năm, nên độ xê xích hình họa từ ký họa đến sơn mài không nhiều. Nguyễn Gia Trí trở thành bậc thầy vì nhiều lý do, trong đó có thao tác ký họa giấy can quá kỹ lưỡng, hoàn toàn có thể đứng độc lập như một tác phẩm.

Ngoài ra, phiên đấu giá còn có tranh của Bùi Quang Ngọc, Chóe (Nguyễn Hải Chí, 1943-2003), Hồ Hữu Thủ, Mai Long, Đỗ Xuân Doãn, Lê Quảng Hà, Lê Kinh Tài, Đoàn Hồng, Dương Sen…

M.T

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa-giai-tri/phien-dau-gia-vi-nghe-thuat-lan-thu-nhi-ve-hoi-hoa-viet-nam-667216.bld