Phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến về Dự án Luật An toàn thực phẩm

Tiếp tục chương trình làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hôm nay 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật An toàn thực phẩm; tiếp thu, chỉnh lý chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XII và việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009.

Dự án Luật An toàn thực phẩm có 11 chương, 62 điều. Các đại biểu tập trung thảo luận vào các vấn đề: về phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật; phân định chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; tính khả thi của các quy định trong việc quản lý thức ăn đường phố, thực phẩm biến đổi gen; thanh tra chuyên ngành... Góp ý kiến cho Dự án này, các đại biểu đều cho rằng cần thiết phải ban hành Luật An toàn thực phẩm. Các đại biểu nêu bật những bức xúc trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta hiện nay, đồng thời nhấn mạnh việc ban hành Luật còn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, sức mạnh cạnh tranh của hàng hóa nông sản thực phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thực phẩm. Theo Tờ trình của Chính phủ, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thời gian qua vẫn còn những bất cập, tồn tại gây bức xúc trong nhân dân đó là ngày càng có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm; tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh chưa bảo đảm An toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hoạt động liên ngành tuy đã được thiết lập, nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, việc chỉ đạo chưa sát sao, sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa được chặt chẽ và thường xuyên. Hệ thống kiểm nghiệm, trang thiết bị kiểm nghiệm còn thiếu nhiều trang thiết bị phân tích có độ chính xác cao, năng lực cán bộ kiểm nghiệm còn hạn chế. Ngoài ra, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý thêm các nội dung về phạm vi quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm của các bộ, ngành; thanh tra, kiểm tra về An toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quy định đăng ký bản công bố hợp quy và thể hiện dấu hợp quy. Ý kiến của một số đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo Dự án Luật An toàn vệ sinh thực phầm cần làm rõ thêm về các nội dung quản lý thực phẩm biến đổi gen, quản lý thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể… Các nội dung này cần được nghiên cứu dựa trên thực tế của đất nước để đảm bảo tính khả thi của Luật. Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường: việc xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm được quy định theo nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật thủy sản, pháp luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa… nên mức xử phạt còn chưa đồng bộ. Có ý kiến đề nghị Dự thảo Luật cần có quy định cụ thể về mức xử phạt trong xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và giao cho Chính phủ quy định; nên phân định rõ ràng trách nhiệm giữa các bộ, ngành chức năng liên quan tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều ý kiến đồng tình với việc thành lập thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Theo dự thảo Luật quy định rõ điều kiện bảo đảm an toàn về sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó phân định rõ điều kiện bảo đảm an toàn trong từng công đoạn sản xuất, kinh doanh và gắn với từng nhóm sản phẩm cụ thể như sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống. Đặc biệt, Dự thảo Luật quy định “thức ăn đường phố là một loại hình đặc thù cần được quản lý bằng những điều kiện, biện pháp riêng”. So với quy định trong Pháp lệnh năm 2003, Dự thảo Luật quy định cụ thể hơn về nội dung quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm. Theo đó, trước khi thực hiện quảng cáo thực phẩm, nội dung quảng cáo không những phải được thông báo mà còn phải được kiểm tra, xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế. Về chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XII. Các đại biểu đã cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XII và việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009. Các ý kiến cơ bản nhất trí đề nghị bổ sung vào dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII nội dung xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận; xem xét, thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Thuế thu nhập doanh nghiệp; cho ý kiến Dự án Luật An toàn thực phẩm. Các vấn đề về cách thức tiến hành kỳ họp, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ kỳ họp ... cũng được các đại biểu đồng tình. Cũng trong sáng nay, các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=365922&co_id=30106