Phim 3D đang dần mất thiêng tại Mỹ

Thống kê mới cho thấy định dạng 3D không còn làm mưa làm gió tại các rạp chiếu phim Bắc Mỹ như cách đây bảy năm.

2010 được coi là thời điểm vàng đối với phim 3D khi 21% trong con số 10,6 tỷ USD tổng doanh thu phòng vé Bắc Mỹ toàn năm đến từ định dạng ấy. Kết quả 2,22 tỷ USD có công lớn của Avatar (vốn được phát hành cuối năm 2009), Alice In Wonderland Toy Story 3.

Nhưng tới năm 2016, thành tích của riêng định dạng 3D rơi xuống 1,6 tỷ USD, tức giảm 8% so với năm 2015. Điều đáng nói là sự suy giảm xảy ra khi tổng doanh thu phòng vé Bắc Mỹ trong năm 2016 tăng lên mức kỷ lục 11,4 tỷ USD. Như thế, định dạng 3D chỉ còn chiếm 14% miếng bánh doanh thu.

Alice in Wonderland và một số bộ phim khác từng giúp định dạng 3D làm mưa làm gió ngoài rạp chiếu phim hồi năm 2010. Ảnh: Disney.

Theo thống kê của Box Office Mojo, bộ phim 3D thành công nhất năm 2016 là The Jungle Book của đạo diễn Jon Favreau khi 43% doanh thu trong tuần ra mắt của tác phẩm đến từ định dạng đó. Dĩ nhiên, con số ấy còn kém xa mức 70% mà Avatar làm được hồi cuối năm 2009, nhưng vẫn khá hơn mức trung bình 30 - 35% ở thời điểm hiện tại.

Hiện nhiều rạp chiếu phim IMAX tại Mỹ đã tuyên bố họ muốn giành nhiều suất chiếu hơn cho định dạng 2D thay vì 3D theo nhu cầu của khán giả. CEO của IMAX Entertainment là Greg Foster tiết lộ rằng họ không bỏ rơi phim 3D, nhưng “3D không còn là định dạng số một”.

Ông giải thích rằng mỗi năm có khoảng 35 bộ phim mang định dạng IMAX ra rạp, nhưng số lượng phim IMAX 3D sẽ giảm dần xuống mức chỉ còn 5-10 tác phẩm trong vài năm tới đây.

Định dạng 3D hiện vẫn được chào đón tại các thị trường quốc tế. Một thống kê cho thấy 56% phòng chiếu kỹ thuật số bên ngoài Bắc Mỹ đang chiếu phim 3D. Còn con số tương tự tại Mỹ và Canada chỉ là 39%.

Khán giả quốc tế hiện vẫn ưa chuộng định dạng 3D. Ảnh: Getty Images.

Chuyên gia phân tích Paul Dergarabedian của comScore cho rằng: “Cơn sốt 3D ập đến quá nhanh vào năm 2010, khiến hàng loạt hãng phim đổ xô đi chuyển đổi (convert) phim của mình thành 3D, dù không quay tác phẩm với định dạng ấy ngay từ ban đầu".

"Khán giả đủ thông minh để nhận ra sự khác biệt về mặt chất lượng giữa một bộ phim được ghi hình bằng máy quay 3D, hay thậm chí là một bộ phim được chuyển đổi 3D kỹ lưỡng như Titanic, với những bộ phim chuyển đổi theo kiểu ‘mỳ ăn liền’. Họ dần không muốn bỏ tiền ra cho những tác phẩm như thế nữa”, ông nhấn mạnh.

Trong số các dự án bom tấn đang được thực hiện, đạo diễn James Cameron chắc chắn sẽ quay bốn phần tiếp theo của Avatar với định dạng 3D, thậm chí còn ấp ủ cho khán giả xem phim 3D mà không cần kính nhờ công nghệ mới. Ngoài ra, Alita: Battle Angel mà ông đóng vai trò nhà sản xuất cũng được ghi hình với máy quay 3D ngay từ đầu.

Sau thành công của The Jungle Book, đạo diễn Jon Favreau chuẩn bị kể lại câu chuyện nổi tiếng The Lion King. Và anh cũng sẽ áp dụng những công nghệ tân tiến của máy quay 3D cho phiên bản live-action của Vua sư tử.

Doanh thu phim 3D tăng đột biến lên mức 2,2 tỷ USD vào năm 2010 nhờ hàng loạt tác phẩm ăn khách. Trong ba năm tiếp theo, con số giảm xuống 1,8 tỷ USD và luôn giữ vững ở mức đó.

Thành tích bất ngờ thụt giảm còn 1,4 tỷ USD vào năm 2014, rồi trở lại mức 1,7 tỷ USD vào năm 2015. Nhưng nó lại mới giảm xuống 1,6 tỷ USD trong năm 2016.

Điều đáng nói là miếng bánh mà định dạng phim 3D chiếm giữ trong tổng doanh thu toàn Bắc Mỹ vào năm 2010 là 21%. Nhưng hiện nó chỉ còn chiếm 16%.

Tuấn Lương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phim-3d-dang-dan-mat-thieng-tai-my-post769017.html